Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp vốn chưa kịp phục hồi “sức khỏe” sau đợt dịch lần đầu. Bởi vậy, thời điểm này, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, từng bước vượt qua thử thách.
Theo kết quả khảo sát đối với 15 hiệp hội và 349 doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), từ ngày 13-16/8/2020 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 lần hai đối với doanh nghiệp đặc biệt lớn: 20% doanh nghiệp trả lời đã phải tạm dừng hoạt động; 76% doanh nghiệp cho biết hiện không cân đối được thu chi; 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Các khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và 6 tháng tới là: Không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ (chiếm 81% câu trả lời); đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%); trả tiền điện nước và nhiên liệu đầu vào (chiếm 45%) và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (chiếm 42%).
Bà Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV cho biết so với hai lần trước đây, khảo sát lần này cho thấy vấn đề rất đáng lưu tâm là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội khi được hỏi ý kiến về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới. Do đó, hàng loạt khuyến nghị chính sách đã được Ban IV đưa ra nhằm củng cố niềm tin của doanh nghiệp với Chính phủ.
Trong đó, Ban IV đề xuất Chính phủ cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh, được thực thi nhanh, minh bạch, thuận tiện, vì nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cần “cấp cứu”. Nếu thực thi các chính sách hỗ trợ không nhanh, doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cả nền kinh tế.
Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, Chính phủ rà soát, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra như miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản tiền bảo hiểm, tiền thuế, phí với nhà nước, tiền thuê đất, tiền lãi vay ngân hàng, kinh phí công đoàn… phải nộp trong năm 2020 – 2021.
“Dù ở kịch bản lạc quan là dịch bệnh có khả năng khống chế được trong một vài tháng tới thì mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của doanh nghiệp vẫn được dự báo sẽ phải kéo dài tới ít nhất là hết năm sau”, bà Thủy khẳng định.
Ði vào chi tiết, doanh nghiệp và hiệp hội đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Bởi, trên thực tế, mọi doanh nghiệp đều chịu tác động tiêu cực của đại dịch, không phân theo quy mô doanh thu.
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể đóng cửa tức thì bởi dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp lớn trong nỗ lực duy trì hệ thống đã chịu thiệt hại thậm chí còn nặng nề hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực hơn tới nền kinh tế nếu không kịp thời có các chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá tính cấp thiết và ý nghĩa của việc miễn đóng kinh phí công đoàn trong cả năm 2020 đến năm 2021, thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng nhằm củng cố tinh thần cho doanh nghiệp. Chính phủ trình Quốc hội giảm mức thuế suất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch…
theo http://vietq.vn/