Dấu hiệu xâm phạm danh dự, uy tín cá nhân, tổ chức cần được chấn chỉnh!


Vừa qua, nhiều thông tin trên mạng internet và trên trang chủ của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (https://vcosa.vn/vi) quảng cáo về Hội nghị Diễn đàn Dệt May Việt Nam 2021, sẽ được tổ chức vào ngày 21-22/1/2021, với nhiều diễn giả uy tín trong ngành Dệt May tại Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, thực tế một số diễn giả chưa nhận lời tham gia và cũng chưa từng làm việc với Ban tổ chức của Hội nghị.

PV đã có buổi làm việc với ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) để tìm hiểu những thông tin thực tế về vấn đề có dấu hiệu vi phạm đến danh dự và uy tín cá nhân, tổ chức trong việc Ban tổ chức quảng cáo về các diễn giả tham gia Hội nghị Diễn đàn Dệt May Việt Nam 2021.

Thưa ông, vừa qua Vinatex đã có thư kiến nghị gửi các cấp thẩm quyền đề nghị xử lý hành vi sử dụng thông tin cá nhân, tổ chức trong quá trình tổ chức Hội nghị quốc tế khi chưa được sự đồng ý làm ảnh hưởng uy tín của cá nhân, tổ chức liên quan. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về sự việc này?

Theo thư mời tham dự Diễn đàn Dệt May Việt Nam lần thứ 6 năm 2021 dự kiến tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 21/01 và 22/01/2021 (“Hội nghị”) do Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (“VCOSA”) và Công ty TNHH Quốc tế ECV Thượng Hải (Shanghai ECV International Co .,Ltd) đồng tổ chức (“Ban tổ chức”), Ban tổ chức đã tự ý đưa thông tin diễn giả với sự tham gia của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và đích danh Chủ tịch Tập đoàn DMVN – ông Lê Tiến Trường (nhưng với chức danh là Tổng Giám đốc Tập đoàn (Group General Director)) có bài thuyết trình nhan đề “Trong bối cảnh thương mại mới, Phân tích sâu về tác động của việc thực hiện EVFTA đối với bức tranh toàn cảnh về nguồn cung ứng hàng may mặc và chuỗi cung ứng hàng may mặc theo vùng hiện thời”, trong khi ông Lê Tiến Trường và Tập đoàn DMVN hoàn toàn chưa được Ban tổ chức thông báo và xin phép. Ngay lập tức, chúng tôi đã có thư kiến nghị gửi tới Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Vậy sau khi có thư kiến nghị của Vinatex, phía Ban tổ chức có phản hồi như thế nào, thưa ông?

Vào ngày 19/11/2020, Vinatex đã có Văn bản số 760/TĐDMVN-THPC (“Thư cảnh báo”) gửi đến VCOSA đề nghị xác minh và yêu cầu đính chính, xin lỗi cũng như đề nghị Ban tổ chức có ý kiến cụ thể về trách nhiệm đối với Hành vi xâm phạm nêu trên. Đến ngày 27/11/2020, Vinatex nhận được Công văn số 1101/2020/CV-VCOSA ngày 24/11/2020 (“Công văn 1101”) của VCOSA phúc đáp Thư cảnh báo. Tuy nhiên, nội dung được VCOSA trình bày tại Công văn là chưa thỏa đáng. Cụ thể, VCOSA viện dẫn lý do nhân viên của VCOSA và ECV thao tác không cẩn trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dẫn đến việc sử dụng thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý là không hợp lý. Theo quy định tại Điều 87.1 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. Trong trường hợp này, nhân viên của VCOSA thực hiện nhiệm vụ nhân danh VCOSA mà không nhân danh cá nhân họ nên VCOSA phải có trách nhiệm đối với những nhiệm vụ được thực hiện không đúng bởi nhân viên của mình.

Theo thư mời tham dự Hội nghị được đăng tải chính thức trên trang thông tin điện tử của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (vcosa.vn/vi), Hội nghị sẽ được VCOSA phối hợp với Công ty Quốc tế ECV tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Công ty Quốc tế ECV không phải là Công ty được cấp phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, do đó, để Hội nghị được tổ chức một cách hợp pháp tại Việt Nam, VCOSA với vai trò là đơn vị tổ chức có trách nhiệm nộp hồ sơ xin cấp phép tổ chức hội thảo/hội nghị quốc tế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Với vai trò là đơn vị xin cấp phép tổ chức, sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều 4.2.b Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg, VCOSA hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung các tài liệu, báo cáo, số liệu liên quan phát hành trước, trong và sau Chương trình.

Vậy VCOSA và Công ty Quốc tế ECV đã có hành động khắc phục sai phạm chưa, thưa ông?

Theo Công văn 1101, VCOSA và Công ty Quốc tế ECV sẽ sớm, ngay lập tức có hành động xin lỗi, đính chính thông tin gửi đến ông Lê Tiến Trường và Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cùng các khách mời đã nhận được thư mời có sử dụng thông tin khi chưa được phép. Tuy nhiên, đến nay, đã trải qua 08 (tám) ngày kể từ ngày Công văn 1101 được ký ban hành, chúng tôi và khách hàng của chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo/email xin lỗi, đính chính nào từ VCOSA và Công ty Quốc tế ECV.

Như vậy, với các thông tin VCOSA trình bày tại Công văn 1101 và hành động của VCOSA và Công ty Quốc tế ECV đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn DMVN cho rằng VCOSA và Công ty Quốc tế ECV có dấu hiệu không hợp tác, trốn tránh trách nhiệm trước ông Lê Tiến Trường, Tập đoàn DMVN và các bên có liên quan về Hành vi xâm phạm.

Ngoài ra, theo thông tin Tập đoàn DMVN được tiếp cận, Hành vi xâm phạm của VCOSA và Công ty Quốc tế ECV không chỉ ảnh hưởng đến ông Lê Tiến Trường, Tập đoàn DMVN mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của những chủ thể khác như những khách mời, bởi rất có thể các chủ thể này do tin tưởng thông tin mà VCOSA và ECV cung cấp nên đã tiến hành đăng ký tham dự Chương trình với mức phí tham dự khá cao là 1.700 đô la Mỹ/người nếu tham dự tại địa điểm tổ chức và 989 đô la Mỹ/người nếu tham dự trực tuyến.

Ông có mong muốn gì về phía các cơ quan chức năng trong sự việc này?

Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Lê Tiến Trường, Tập đoàn DMVN, cùng các chủ thể khác có liên quan và nhằm mục đích tuân thủ quy định của pháp luật, Tập đoàn DMVN kính đề nghị Bộ Công Thương phối hợp cùng các cơ quan có chức năng ngay lập tức dừng hành động cấp phép tổ chức Hội nghị này trong trường hợp đang giải quyết hồ sơ cấp phép hoặc cân nhắc thu hồi Giấy phép nếu đã cấp phép.

Xin cảm ơn ông!

KBH (thực hiện)


Các tin khác