Đào tạo, Tập huấn “Nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển và bảo vệ thương hiệu ngành Dệt May Việt Nam” tại 3 miền Bắc – Trung – Nam
Trong những năm qua, bên cạnh cơ hội, hội nhập kinh tế với thế giới, ngành DMVN cũng gặp không ít những thách thức. Đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại thị trường trong nước, còn tại thị trường nước ngoài bị cạnh tranh gay gắt bởi các hàng rào thương mại và chính sách bảo hộ hàng nội địa của nhiều quốc gia. Thực tế này yêu cầu Vinatex và các đơn vị thành viên phải có định hướng chiến lược để nâng cao hiệu quả các tài sản trí tuệ, trong đó xây dựng được những thương hiệu mạnh, nâng cao và phát triển giá trị của các thương hiệu này, cũng như bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam” (do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ do Bộ KH&CN quản lý thực hiện, buổi Đào tạo, Tập huấn “Nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển và bảo vệ thương hiệu ngành Dệt May Việt Nam” đã được tiến hành tại 3 miền Bắc – Trung – Nam với 3 buổi đào tạo chuyên sâu, dưới sự dẫn dắt, giảng dạy của các giảng viên hàng đầu về SHTT và xây dựng thương hiệu.
Toàn cảnh buổi Đào tạo tại Hà Nội…
…tại Đà Nẵng
và TP. Hồ Chí Minh
Trong quá trình thực hiện Dự án, các hoạt động khảo sát, đát giá, định giá; phát triển thương hiệu; xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đào tạo, tập huấn… đã được triển khai. Và buổi Đào tạo, tập huấn là một trong những hạng mục cuối cùng của Dự án, nhằm giới thiệu về công tác bảo vệ quyền SHTT, cũng như xây dựng thương hiệu cho các đơn vị trong Tập đoàn DMVN nói riêng và ngành DMVN nói chung.
3 buổi đào tạo đã được tổ chức tại Tổng Công ty May 10 – CTCP, TCT CP Dệt May Hoà Thọ và Văn phòng Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại TP. HCM lần lượt vào các ngày 04/12, 9/12 và 12/12/2019 với sự tham dự của bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Chủ nhiệm Dự án; Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam, buổi đào tạo tại Hà Nội có sự tham dự của Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Tập đoàn. Buổi đào tạo tại miền Trung có sự tham dự của Ông Nguyễn Đức Trị – Giám đốc điều hành Tập đoàn, TGĐ TCT CP Dệt May Hoà Thọ… Bên cạnh đó còn có sự tham dự của các học viên đến từ 5 đơn vị của Vinatex nằm trong khuôn khổ dự án gồm: TCT May 10 – CTCP, TCT Đức Giang – CTCP, TCT CP Dệt May Hoà Thọ, TCT CP May Việt Tiến, TCT CP Phong Phú; Cùng gần 150 học viên đến từ các đơn vị, đối tác của Vinatex tại 3 miền Bắc – Trung – Nam.
BTC, đại diện Thanh tra Bộ KH&CN, Lãnh đạo Tập đoàn, cùng giảng viên và các học viên chụp hình lưu niệm tại buổi Đào tạo tại Hà Nội và TP. HCM
Buổi Đào tạo được chia ra làm 4 nội dung chính gồm: (1) Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp. Bao gồm nhận diện các tài sản trí tuệ; Các biện pháp thương mại hoá quyền SHTT; Các biện pháp bảo vệ và giải quyết tranh chấp… do bà Đỗ Thị Minh Thuỷ – Trưởng phòng Thanh tra SHTT, Thanh tra Bộ KH&CN; (2) Xác định gia trị thương hiệu. Gồm phương pháp định giá thương hiệu; Các bước tiến hành định giá thương hiệu; Thực trạng định giá thương hiệu tại các DN Dệt May Việt Nam do chuyên gia Nguyễn Tấn Quang – Giảng viên thỉnh giảng của Dự án trình bày; (3) và (4) Xây dựng và phát triển thương hiệu. Gồm: Những vấn đề cơ bản về thương hiệu; Các bước xây dựng thương hiệu mạnh; Kinh nghiệm thực tiễn và tầm nhìn chiến lược trong xây dựng và phát triển thương hiệu dệt may Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Minh Thuỷ – Trưởng phòng Thanh tra SHTT, Thanh tra Bộ KH&CN cùng giảng viên đến từ Sao Kim trình bày các nội dung tại buổi Đào tạo
Đánh giá cao những hoạt động của Dự án, ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Tập đoàn cho rằng trong suốt thời gian triển khai Dự án, các DN trong Tập đoàn đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm về SHTT, cũng như mang đến tầm nhìn cho các DN về thực thi quyền SHTT đối với các mặt hàng dệt may tại thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu. Ông Nguyễn Đức Trị – Giám đốc điều hành Tập đoàn, TGĐ Tổng Công ty CP Dệt May Hoà Thọ cho biết, Dự án đã chỉ ra được những điểm còn yếu của Hoà Thọ trong việc xây dựng thương hiệu Merriman của TCT tại thị trường nội địa, qua đó Cơ quan điều hành đã có những thay đổi chiến lược, cụ thể trong việc phát triển thương hiệu Merriman, cũng như đưa Merriman đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Tập đoàn…
… và Ông Nguyễn Đức Trị – Giám đốc điều hành Tập đoàn, TGĐ TCT CP Dệt May Hòa Thọ phát biểu khai mạc buổi Đào tạo tại Hà Nội và Đà Nẵng
Bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Chủ nhiệm Dự án cảm ơn sự quan tâm của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong việc triển khai, thực hiện các công việc của Dự án
Bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Chủ nhiệm Dự án cho biết, mặc dù thời điểm cuối năm các DN tương đối bận trong hoạt động SX-KD, nhưng vẫn dành thời gian tới tham dự buổi Đào tạo. Đây là niềm vui đối với nhóm thực hiện Dự án bởi sự quan tâm của các DN đối với việc triển khai các hoạt động về SHTT, xây dựng thương hiệu cho các DN DMVN. Trong quá trình thực hiện Dự án, thời gian không phải là ngắn, việc thay đổi được nhận thức của các DN, cũng như tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được tiến hành hiệu quả, trong đó có thương hiệu của TCT CP May Việt Tiến trong việc xâm phạm thương hiệu của TCT tại nhiều khu vực. Bên cạnh đó, dự án cũng đã tiến hành định giá được 5 thương hiệu của 5 đơn vị bằng số tiền cụ thể, cũng như xây dựng được một thương hiệu cho mặt hàng Sợi của Tập đoàn với việc xây dựng nhận diện thương hiệu và đăng ký bản quyền tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam. Bà Nguyễn Như Quỳnh cũng hi vọng, qua những buổi Đào tạo tại 3 miền Bắc – Trung – Nam, Thanh tra Bộ KH&CN sẽ tiếp tục được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của DN về trong việc thực thi, triển khai các hoạt động về SHTT, thương hiệu… cũng như nếu trong thẩm quyền của Thanh tra Bộ sẽ hỗ trợ hết mình các DN, vì sự phát triển chung của cộng đồng DN dệt may tại Việt Nam.
Quang Nam