Đánh giá hoạt động người đại diện vốn năm 2023


Từ ngày 14-26/6, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức 3 đoàn công tác do Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn dẫn đoàn đã đến làm việc tại 19 đơn vị chiếm tỷ trọng trên 90% vốn đầu tư của Tập đoàn tại cơ sở nhằm đánh giá, ghi nhận sâu sát nhất hoạt động của người đại diện năm 2023 về quản trị chung, thị trường, sản xuất, tài chính và nguồn nhân lực. Tham gia đoàn công tác có Trưởng, Phó trưởng ban các ban chức năng: Kiểm soát, Văn phòng HĐQT, Tài chính- Kế toán, Tổng hợp Pháp chế, Quản lý Nguồn nhân lực.

Đây là lần đầu tiên, Tập đoàn tổ chức đoàn đi đánh giá trực tiếp tại từng đơn vị sau 15 năm chỉ áp dụng đánh giá người đại diện thông qua báo cáo số liệu sản xuất kinh doanh và việc tuân thủ quy định. Tại các buổi làm việc, đoàn công tác đã trao đổi, lắng nghe, nắm bắt toàn diện các hoạt động của người đại diện.

Đoàn công tác đánh giá hoạt động người đại diện tại Công ty CP Dệt May Huế

Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, Hội đồng thành viên nhiệm kỳ 2010-2015 đã đưa ra quan điểm chủ thể cần phục vụ của cơ quan công ty Mẹ chính là người đại diện của mình tại các công ty thành viên, với tiêu chí thượng tôn pháp luật, quy định nội bộ rõ ràng, chỉ đạo nhanh chóng, thuận lợi, tạo điều kiện cho người đại diện phát huy được tối đa năng lực của doanh nghiệp và bộ máy quản lý. Năm nay, chương trình đánh giá được Tập đoàn tổ chức trực tiếp tại cơ sở là dịp để người đại diện được trình bày cụ thể các hoạt động tại doanh nghiệp, những thành công cũng như những trở ngại, thất bại. Đặc biệt, đợt làm việc này trang bị kỹ năng thực tiễn cho chính lãnh đạo Tập đoàn nhất là lãnh đạo các Ban chức năng. Thông qua thực tiễn sinh động, các Ban chức năng có sự thay đổi về nhận thức như, không thể có một mô hình tổ chức, quản trị đồng nhất giữa các đơn vị; Không thể có cùng một khung năng lực, dù sản xuất mặt hàng như nhau, mà cần có sự phù hợp với hoàn cảnh riêng của doanh nghiệp; Không thể có quy hoạch cán bộ như quy định, nếu thiếu ngay lực lượng cán bộ thông thường để có thể phát triển lên; Không thể sao chép hoàn toàn mô hình tốt từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác; Thế nào là hệ thống ERP, mức độ triển khai phù hợp quy mô và tiềm lực doanh nghiệp ra sao?…

Có thể nói đây là đợt đào tạo bài bản, chuyên sâu, thực tiễn nhất từ trước tới nay cho lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn. Hiểu ngày càng sâu sát hơn, thực tế hơn từng doanh nghiệp là tiền đề cho các Ban có đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Tập đoàn các ý kiến phù hợp quy định nhưng khả thi, có lý có tình. Cải thiện mức độ thoả mãn của người đại diện với những dịch vụ mà Tập đoàn cung cấp cho doanh nghiệp.

PV


Các tin khác