Đảng ủy Vinatex tham dự hội nghị bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị


Chiều 11/01, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức hội nghị bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến, tại điểm cầu Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có đồng chí Lê Tiến Trường – Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; các đồng chí Ủy viên BTV Đảng ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, thành viên HĐQT, lãnh đạo Cơ quan điều hành và toàn thể đảng viên Văn phòng Vinatex ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Điểm cầu Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại Hà Nội

Điểm cầu Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Đức Kiên-Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trình bày chuyên đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022, dự báo triển vọng năm 2023”.

Năm 2022, bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột quân sự Nga – Ukraine, tình hình lạm phát cao, dai dẳng buộc Ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng do căng thẳng địa chính trị.

Kinh tế Việt Nam đã nỗ lực với tăng trưởng đạt 8,02% (cao nhất giai đoạn 2011-2022); Quy mô kinh tế đạt 409 tỷ USD; GDP bình quân 4.110 USD; Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 24,76%; Chỉ số giá tiêu dùng 3,15%; Tăng năng suất lao động là 4,8%.

Các lĩnh vực chủ chốt và đầu tàu sản xuất của cả nước đều có dấu hiệu tăng trưởng thấp hoặc chậm lại. Giảm mạnh nhất là lĩnh vực sắt thép thô, quần áo may sẵn, giày dép da, phân bón. Doanh nghiệp chi phí sản xuất tăng do áp lực từ giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới, chịu áp lực tiền lương và lợi nhuận.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Các thị trường xuất khẩu chính đối mặt với tình trạng tiêu thụ chậm lại, thị trường Hoa Kỳ, ASEAN, Hàn Quốc tăng trưởng rất thấp. Các nhóm hàng vốn là động lực tăng trưởng xuất khẩu cũng giảm mạnh như điện thoại/điện tử/máy móc/linh kiện, gỗ và các sản phẩm gỗ, thủy sản, dệt may và giày dép.

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm 2021 là 3,32 tỷ USD). Kinh tế trong nước nhập siêu 30,7 tỷ USD (năm 2021 là 25,36 tỷ USD). Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 41,9 tỷ USD (năm 2021 là 29,36 tỷ USD). Nhập siêu dịch vụ 12,6 tỷ USD (năm 2021 là 15,73 tỷ USD). Tỷ giá thương mại hàng hóa giảm 1,36% do chỉ số giá xuất khẩu tăng 7,09%, thấp hơn mức tăng chỉ số giá nhập khẩu 8,56%.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023, TS. Nguyễn Đức Kiên phân tích quá trình hợp tác, cạnh tranh giữa các nước lớn (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc), dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,7% (IMF). Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với bất ổn, không chỉ từ yếu tố địa chính trị, giá năng lượng, dịch bệnh mà còn từ các chính sách can thiệp vào nền kinh tế của các Chính phủ. Các quốc gia có nội lực, độc lập tự chủ kinh tế tốt sẽ có cơ hội tăng trưởng ổn định hơn trong bối cảnh bất ổn gia tăng. Ba nền kinh tế lớn, Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau về kinh tế, chính trị, y tế.

Dự báo lạm phát giảm còn 3,2%. Lạm phát toàn cầu sẽ giảm dần và rõ rệt từ quý II năm 2023, trước tiên tập trung tại các nền kinh tế phát triển. FED và EU duy trì lãi suất điều hành cao (với tốc độ chậm dần – đường con phẳng hơn) cho đến giữa năm 2023 giảm tỷ lệ lạm phát và sau đó ứng phó với suy giảm kinh tế. Nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thâm hụt ngân sách lớn (>3% GDP), đồng nội tệ mất giá nhiều gấp 8 lần các nền kinh tế khác.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, diễn biến kinh tế Việt Nam có độ trễ hơn so với kinh tế thế giới. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát 4,5%. Dự báo xuất khẩu giảm, khó khăn về lãi suất, tỷ giá, hạn mức tín dụng, thanh khoản, thị trường trái phiếu, bất động sản và giá điện tăng.

Trước những dự báo, Việt Nam định hướng chủ động phân tích, nhận định tình hình linh hoạt ứng phó mọi tình huống; Tăng cường nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ; Phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.

Việt Nam đề ra các giải pháp: chuyển từ xuất khẩu và đầu tư công (2020-2022) sang đầu tư công và tiêu dùng dân cư (2023); Kiểm soát lạm phát, quản lý nợ xấu, ổn định thị trường tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; Ổn định thị trường tài chính, giải quyết thanh khoản và niềm tin thị trường trái phiếu; Tái cơ cấu ngân hàng và khẳng định vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, TS. Nguyễn Đức Kiên mong muốn bộ phận truyền thông của các đơn vị thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tăng cường thông tin để người dân, xã hội hiểu dúng vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn 03 năm tới (từ năm 2023-2025) doanh nghiệp nhà nước cần có bước đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2020-2025.

Thanh Thúy


Các tin khác