Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Kỳ vọng và hoài nghi


Mối quan hệ lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc phần lớn phụ thuộc vào tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 13-1 nói với kênh Fox Business (Mỹ) rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là bước tiến lớn trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung Quốc và đây thực sự là một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ.

Theo ông Lighthizer, Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ Trung Quốc trong việc thực thi thỏa thuận. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố rút Trung Quốc khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc đã đưa ra những cam kết có thể thực thi nhằm tránh phá giá đồng tiền vì mục đích cạnh tranh, đồng thời nhất trí công bố các dữ liệu về tỉ giá và các cán cân tài chính.

Hồi tháng 8 năm ngoái, khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bất ngờ dán nhãn thao túng tỉ giá lên Trung Quốc. Những người thạo tin về các cuộc đàm phán cho rằng mặc dù việc gán mác Trung Quốc thao túng tiền tệ không gây hậu quả thực sự đối với Bắc Kinh nhưng động thái Mỹ rút nền kinh tế thứ hai thế giới khỏi danh sách này lại thể hiện thiện chí.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay Trung Quốc đã cam kết mua bổ sung gần 80 tỉ USD hàng hóa sản xuất từ Mỹ trong vòng 2 năm tới, cũng như thêm hơn 50 tỉ USD mặt hàng năng lượng. Trung Quốc cũng sẽ tăng cường mua các dịch vụ của Mỹ trị giá khoảng 35 tỉ USD trong cùng kỳ nói trên.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong cuộc gặp tại Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái/Ảnh: Reuters

Những tín hiệu tích cực được hai phía đưa ra trong bối cảnh Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đàm phán đến Mỹ để chuẩn bị cho lễ ký kết thỏa thuận thương mại với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, dự kiến diễn ra trong ngày 15-1.

Theo tờ South China Morning Post, thỏa thuận này sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và có các điều kiện chuyển giao công nghệ bắt buộc, tiền tệ, tiếp cận thị trường cho các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, gồm dịch vụ tài chính và nông nghiệp. Thỏa thuận cũng bao gồm điều khoản thực thi, theo đó Mỹ có thể đơn phương tái áp thuế nếu Trung Quốc không tuân thủ các cam kết đã ký.

Hoài nghi trước thềm thỏa thuận thương mại được ký kết, trang Taoran Notes thuộc nhật báo kinh tế Economic Daily (Trung Quốc) hôm 13-1 có bài viết đầu tiên sau 2 tháng cho rằng thỏa thuận dự kiến được ký kết chỉ là “bước đi đầu tiên để giải quyết một vấn đề”. Trang Taoran Notes cảnh báo: “Chúng ta phải nhớ rằng chiến tranh thương mại chưa kết thúc. Mỹ không gỡ bỏ mọi thuế quan với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh vẫn áp thuế trả đũa. Còn nhiều điều chưa chắc chắn ở phía trước”.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định thỏa thuận dự kiến có thể giúp giảm thiệt hại kinh tế tiềm tàng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11. Ông Donald Trump muốn tạo ấn tượng với cử tri bằng chiến thắng thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Ông Jeff Moon, cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Hội đồng An ninh quốc gia, nhận định: “Thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ là dấu ấn mạnh mẽ đối với chính sách ngoại giao thương mại của chính quyền ông Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên và có lẽ nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về thỏa thuận giai đoạn 2 sẽ không bao giờ có hồi kết”.

Các nhà kinh tế Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cũng lo ngại căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể leo thang trở lại nếu ông Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11. Ông Arend Kapteyn, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của UBS, cho biết mối quan hệ về lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo là ai. Trong khi đó, ông Kapteyn cũng không chắc chắn về tương lai của các thỏa thuận đình chiến thương mại và chỉ trích thỏa thuận giai đoạn 1 còn khá hạn chế.

Theo Người Lao Động

 

 

 


Các tin khác