Cục Xúc tiến xuất khẩu Bangladesh tạm hoãn công bố dữ liệu xuất khẩu sau cú sốc chênh lệch số liệu


Theo thông tin từ The Daily Star, Cục Xúc tiến xuất khẩu Bangladesh (EPB) thuộc Bộ Thương mại đang mất nhiều thời gian hơn so với thường lệ để công bố dữ liệu xuất khẩu cho tháng 6/2024 sau sau khi Ngân hàng Trung ương điều chỉnh số liệu bán hàng ra nước ngoài.

Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh cho thấy giá trị xuất khẩu thực tế trong giai đoạn tháng 7/2023 đến tháng 4/2024 của năm tài chính 2023-24 thấp hơn gần 14 tỷ USD so với con số EPB công bố trước đó, đây là một trong những cú sốc lớn nhất trong lĩnh vực tài chính gần đây ở Bangladesh.

Thông thường, dữ liệu xuất khẩu của tháng trước được EPB công bố trong vòng ba ngày đầu của tháng hiện tại. Lần này, việc công bố bị trì hoãn sau khi Ngân hàng Trung ương công bố số liệu chỉnh sửa về thu nhập từ xuất khẩu, chấm dứt sự chênh lệch giữa khoản thu thực tế và dữ liệu được EPB chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Bangladesh – Ahasanul Islam Titu cho biết: “Có thể EPB đang xử lý lại dữ liệu vì đã phát hiện ra sự chênh lệch trong quá trình tính toán dữ liệu xuất khẩu”.

EPB đưa ra các con số dựa trên dữ liệu về các lô hàng được vận chuyển từ Hội đồng Thuế Quốc gia (NBR) và không xem xét liệu hàng hóa có bị gửi trả lại hay không. Các bất thường bao gồm từ lỗi trùng lặp hàng loạt đến tính toán sai giá trị của vải và tính sai nhiều lần các mặt hàng mẫu khi xuất khẩu, theo Ngân hàng Trung ương Bangladesh.

Ví dụ, trong trường hợp các đơn hàng may mặc theo quy trình sản xuất bao gồm cắt, may và hoàn thiện, EPB đã tính cả giá vải và tất cả các phụ kiện, mặc dù lẽ ra chỉ được tính phí sản xuất. Bên cạnh đó, doanh số bán hàng của các công ty trong khu chế xuất đã được tính hai lần: lần đầu khi giao hàng từ khu chế xuất đến các công ty gia công trong nước và lần thứ hai khi xuất hàng từ cảng đi nước ngoài bởi các nhà xuất khẩu.

“Sự khác biệt về số liệu xuất khẩu đã kéo dài ít nhất 12 năm, với chênh lệch giữa số công bố và số liệu thực tế vượt quá 12 tỷ USD cho năm tài chính 2022-23”, Ngân hàng Trung ương Bangladesh cho biết.

Bộ trưởng Titu cũng nói rằng Bộ Thương mại sẽ sớm triển khai dự án mới để EPB có thể tự tính toán dữ liệu một cách độc lập.

Bangladesh là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong xuất khẩu dệt may. Năm 2020, Bangladesh chỉ đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may sau Việt Nam và Trung Quốc với kim ngạch đạt 29,8 tỷ USD. Tuy nhiên quốc gia này đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới kể từ năm 2022 với KNXK đạt 49 tỷ USD tăng tới 64% so với năm 2020. KNXK Bangladesh theo dữ liệu EBP công bố liên tục tăng trong giai đoạn 2021 – 2023 mặc dù thị trường dệt may toàn cầu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu suy giảm mạnh. Năm 2023, Bangladesh công bố đã xuất khẩu 50,3 tỷ USD hàng dệt may, tăng gần 70% so với năm 2020.

Trong khi đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ tăng từ 35,3 tỷ USD trong năm 2020 lên 44,6 tỷ trong năm 2022 và giảm hơn 10% trong năm 2023 về mức 39,6 tỷ USD (tương đương mức tăng 12% so với năm 2020). Cường quốc xuất khẩu dệt may số một thế giới là Trung Quốc cũng chỉ ghi nhận mức tăng 3,7% trong năm 2023 so với năm 2020.

(Nguồn: https://www.thedailystar.net/business/economy/news/epb-delays-releasing-export-data-after-mismatch-shock-3650676)


Các tin khác