COVID-19: Tác động tàn phá đối với chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu


Biểu đồ dưới đây là một báo cáo mới liệt kê các thương hiệu thời trang đã hủy bỏ hoặc hoãn hầu hết các đơn đặt hàng từ các nhà cung cấp ở Bangladesh, nơi hơn một triệu công nhân may đã mất việc do đại dịch COVID-19.

Hãng Primark đã hủy bỏ hoặc hoãn hầu hết các đơn đặt hàng, với tổng số tiền là 273 triệu đô la Mỹ, tiếp theo là C&A (166 triệu đô la Mỹ) và Inditex/Zara (109 triệu đô la Mỹ), theo báo cáo của Trung tâm Quyền của Người lao động toàn cầu, thuộc Trường đại học tổng hợp bang Pennsylvania.

Mothercare ( 62 triệu USD đơn hàng bị hủy hoặc bị hoãn), Bestseller (59 triệu USD), Kiabi (57 triệu USD), VF Corp (56 triệu USD), Tesco (50 triệu USD), M&S (39 triệu USD), Kohls (39 triệu đô la Mỹ), Walmart (38 triệu đô la Mỹ), LPP (37 triệu đô la Mỹ), Target (24 triệu đô la Mỹ) và JC Penney (23 triệu đô la Mỹ) cũng được thống kê.

Các đại gia thời trang H&M và PVH có lượng hàng gia công lớn từ thị trường Bangladesh không bị đưa vào danh sách vì họ đã đồng ý trả tiền cho các nhà máy có các đơn đặt hàng đã bị hủy sản xuất.

Các số liệu thống kê bao gồm cả đơn đặt hàng đã được xử lý, với tổng trị giá 1,45 tỷ đô la Mỹ và các đơn đặt hàng dự kiến ​​vào cuối năm nay, trị giá 1,69 tỷ đô la Mỹ, tổng cộng là 3,14 tỷ đô la Mỹ.

“Tất cả các cửa hàng ở mọi quốc gia nơi chúng tôi hoạt động đều đóng cửa. Kết quả là chúng tôi đang mất doanh thu 650 triệu bảng mỗi tháng. Do đó, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”, phát ngôn viên của Primark cho biết

“Hiện tại chúng tôi có số lượng lớn hàng đã được trả tiền tồn đọng trong các cửa hàng, kho chứa và quá cảnh. Nếu chúng tôi không thực hiện hành động này, chúng tôi sẽ phải nhận số lượng  hàng mà không thể bán. Đây là hành động chưa từng có trong thời gian trước và không thể tưởng tượng được”.

“Chúng tôi ở Primark đã làm việc cùng với rất nhiều nhà cung cấp trong nhiều năm và giá trị các mối quan hệ của chúng tôi rất lớn. Chúng tôi nhận thức được và rất buồn vì điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng của chúng tôi.

“Chúng tôi liên hệ chặt chẽ và thường xuyên với các nhà cung cấp và rất hy vọng rằng các mối quan hệ giao dịch thường xuyên có thể khôi phục càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thúc giục mạnh mẽ chính phủ ở các quốc gia cung cấp sản phẩm của mình, cần hành động để hỗ trợ các doanh nghiệp và công nhân bản địa như Vương quốc Anh và nhiều chính phủ châu Âu đang làm.”

“Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để thực hiện theo các cam kết và nhận những sản phẩm đã và đang sản xuất. Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm của mình và đang đối thoại chặt chẽ với từng nhà cung cấp của  mình về cách xử lý khủng hoảng hiện tại”. Giám đốc tài chính của Bestseller Thomas Børglum cam kết

“Chúng tôi phải vượt qua tình huống này bằng sự hợp tác với các nhà cung cấp. Chúng tôi muốn hỗ trợ các nhà cung cấp của mình đặt hàng cho các mùa tiếp theo”.

Trung tâm Quyền của Người lao động Toàn cầu cho biết họ đã tính toán các số liệu dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) – mặc dù BGMEA từ chối cung cấp thông tin cho các nhà nghiên cứu.

Báo cáo với tiêu đề “Bị bỏ rơi? Tác động của COVID-19 đối với Công nhân và Doanh nghiệp ở đáy của Chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu” được viết bởi giám đốc của trung tâm Mark Anner, liên kết với Hiệp hội Quyền Công nhân.

“Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã có tác động tàn phá đối với các chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu, và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi dịch bệnh được ngăn chặn”, ông viết.

“Các cửa hàng quần áo đã bị đóng cửa bởi các lệnh đóng cửa của các nền kinh tế thị trường phát triển, nhu cầu về hàng may mặc giảm, các thương hiệu và nhà bán lẻ đã nhanh chóng hủy bỏ hoặc hoãn các đơn đặt hàng sản xuất, trong đó nhiều trường hợp từ chối thanh toán cho quần áo mà các nhà máy của nhà cung cấp đã sản xuất”.

“Kết quả là sự đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn của hàng ngàn nhà máy ở các nước sản xuất, dẫn tới hàng triệu công nhân của các nhà máy bị nghỉ việc ở nhà, thường không được trả lương hoặc thôi việc hợp pháp”.

Báo cáo đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến 316 chủ nhà máy ở Bangladesh. Các tác giả cho biết với số lượng cơ sở được khảo sản như vậy trong số 2000 chủ nhà máy ở Bangladesh có thể đảm bảo đến 95% mức độ tin cậy về kết quả.

Theo kết quả báo cáo, có đến 45,8% ý kiến cho rằng: ‘rất nhiều’ đến ‘hầu hết’ các đơn hàng gần như hoàn thành hoặc hoàn thành của họ đã bị người mua hủy và 5,9% đã hủy tất cả các đơn đặt hàng này.

Báo cáo cho biết, những người mua có nghĩa vụ theo hợp đồng phải trả tiền cho các đơn đặt hàng này nhưng họ đã sử dụng các điều khoản bất khả kháng chung để biện minh cho hành vi vi phạm các điều khoản của hợp đồng.

Cuộc khảo sát cho thấy 72,1% người mua đã từ chối thanh toán cho các nguyên liệu thô đã mua để hoàn thành đơn đặt hàng của họ và 91,3% đã từ chối thanh toán chi phí sản xuất.

Và 98,1% người mua đã từ chối đóng góp vào chi phí giảm lương trả cho người lao động bị sa thải, mà họ được hưởng hợp pháp và 97,3% đã từ chối đóng góp để trả trợ cấp thôi việc.

Do việc hủy đơn hàng và thiếu thanh toán, 58% các nhà máy được khảo sát đã ngừng hoạt động hầu hết hoặc tất cả các hoạt động của họ. Gần như tất cả sau đó đã đóng cửa ở Bangladesh vì lệnh đóng cửa của chính phủ.

Báo cáo kết luận rằng các thương hiệu và nhà bán lẻ nên tìm cách tiếp cận tín dụng hoặc hỗ trợ của chính phủ để trang trải nghĩa vụ của họ với các nhà máy của nhà cung cấp để tránh hàng triệu công nhân bị nghỉ việc ở nhà không có tiền để mua thực phẩm, chứ đừng nói đến chi phí y tế.

“Trước hết cần phải suy nghĩ lại về cách thức hoạt động của ngành. Các hoạt động mua hàng phải được cải cách để bền vững về môi trường và xã hội”, điều này nên được tiếp tục quan tâm.

Người dịch: Nguyễn Thị Lan Hương

 (Báo cáo được công bố trên Tin tức Ecotextile. Viết bởi Simon Glover)

https://www.textiletoday.com.bd/covid-19-devastating-impact-global-garment-supply-chains/


Các tin khác