COVID-19: HOÀNG HÔN CỦA NGÀNH BÁN LẺ THỜI TRANG?
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào vực sâu suy thoái. Cho tới nay, đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, khiến cho danh sách các doanh nghiệp buộc phải nộp đơn xin phá sản ngày càng kéo dài, chưa kể tới những cái tên vốn mờ nhạt cứ thế lặng lẽ biến mất trên thị trường. Mặc dù trong nhiều trường hợp, Covid-19 cũng chỉ giống như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, đánh gục những doanh nghiệp vốn đã chông chênh một thời gian dài trước đó. Hãy cùng điểm tên một vài nhãn hàng hoặc nhà bán lẻ thời trang lớn đã “tạm thời” rời khỏi cuộc chơi trong năm 2020 đáng nhớ này.
J.Crew
- Trụ sở: New York, Mỹ
- Năm thành lập: 1947
- Số lượng cửa hàng: 492
- Số lượng nhân viên: 13.000
- Ngày nộp đơn phá sản: 04/5/2020
Vào ngày 04/5/2020, Tập đoàn J.Crew, chủ sở hữu chuỗi bán lẻ quần áo nổi tiếng J.Crew đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản, trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên bị đánh gục trong cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Mỹ.
J.Crew là thương hiệu thời trang gắn liền với phong cách preppy dành cho học sinh – sinh viên, doanh thu năm 2019 đạt 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, những mẫu thiết kế lỗi thời cùng với khoản nợ khổng lồ từ những thế hệ lãnh đạo trước – một phần lớn từ chi phí cho mạng lưới cửa hàng rộng khắp đã khiến cho J.Crew chật vật một thời gian dài, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện và làm tình hình thêm trầm trọng.
Việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ là con đường cho phép một doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong khi thực thi kế hoạch tái cơ cấu, dưới sự giám sát của Tòa án. Bằng cách đó, J.Crew cũng đã tiết lộ rằng họ đã đạt được thỏa thuận với chủ nợ để chuyển khoản nợ 1,65 tỷ USD thành cổ phần.
Neiman Marcus
- Trụ sở: Texas, Mỹ
- Năm thành lập: 1907
- Số lượng cửa hàng: 43
- Số lượng nhân viên: 14.000
- Ngày nộp đơn phá sản: 07/5/2020
Neiman Marcus, thương hiệu 113 năm tuổi, nổi tiếng với chuỗi cửa hàng thời trang xa xỉ, doanh thu năm 2018 lên tới 4,9 tỷ USD cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 07/5/2020. Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, Neiman Marcus cũng đã loay hoay với khoản nợ lên tới 5 tỷ USD, và những nỗ lực cầm cự của Tập đoàn này đã hoàn toàn thất bại khi lệnh bắt buộc cách ly tại nhà do dịch bệnh khiến cho các cửa hàng phải đóng cửa. Doanh thu nghèo nàn từ thương mại điện tử không đủ để Neiman chi trả lãi cho các khoản vay.
Theo các nhà phân tích, lĩnh vực hàng xa xỉ của Mỹ quá phân mảnh, với quá nhiều cửa hàng cạnh tranh cho cùng một đối tượng khách hàng. Hầu hết các nhãn hiệu xa xỉ lớn đều hướng đến châu Á và Trung Đông để phát triển chứ không phải Mỹ. Để Neiman tham gia vào các nền kinh tế đang phát triển này sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư vốn lớn – một kịch bản khó có thể xem xét trong tình trạng thiếu tiền mặt hiện tại. Bên cạnh đó, giữa những nhãn hiệu cạnh tranh với những mặt hàng tương đối giống nhau, Neiman chỉ luôn giữ một đối tượng khách hàng cốt lõi và họ giỏi trong việc phục vụ khách hàng trung thành đó. Họ không có kế hoạch tạo thêm các sự lựa chọn khác.
Chủ tịch kiêm CEO của Neiman, ông Geoffroy van Raemdonck nhấn mạnh rằng Neiman sẽ không đóng cửa vĩnh viễn và cho biết: “Doanh nghiệp của chúng tôi vẫn đi đúng hướng trước thời điểm bùng phát Covid-19. Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, trừ khoản lãi vay khổng lồ. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến tình hình chệch khỏi quỹ đạo và đây là lúc để thiết lập lại cấu trúc tài chính”.
Trong kế hoạch tái cơ cấu và quay lại thị trường, Neiman cũng dự định mở lại một vài cửa hàng tại một số khu vực nhất định, tuy nhiên dường như tương lai cho các nhà bán lẻ cũng không quá khả quan, trong bối cảnh cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét và chưa có bất cứ dự đoán nào về thời điểm dịch bệnh được kiểm soát.
J.C.Penney
- Trụ sở: Texas, Mỹ
- Năm thành lập: 1902
- Số lượng cửa hàng: 846
- Số lượng nhân viên: 95.000
- Ngày nộp đơn phá sản: 15/5/2020
J.C.Penney là một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất nước Mỹ, nổi tiếng với các mặt hàng quần áo gia đình, mỹ phẩm và trang sức. Tuy nhiên, trước khi dịch bệnh xảy ra, giống như mọi nhà bán lẻ sở hữu chuỗi cửa hàng truyền thống khác, J.C.Penney cũng đã phải đối mặt với một trận chiến khó khăn, với khoản nợ lên tới 4 tỷ USD và không thu được lợi nhuận từ 2010. Việc triển khai sàn thương mại điện tử, cũng như nỗ lực thay đổi hình thức của các cửa hàng cũng không đủ sức cứu vớt con tàu khổng lồ đang chìm dần. Doanh số giảm liên tục trong vòng 4 năm trở lại đây, bất chấp nỗ lực giành lại lượng khách hàng trung thành lâu năm hiện đang bị lôi kéo bởi các chuỗi cửa hàng giá rẻ trên nền tảng thương mại điện tử như Walmart và Target.
Vài ngày sau khi nộp đơn, J.C.Penney cho biết họ đang lên kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn 242 cửa hàng cho tới năm 2021.
Brooks Brothers
- Trụ sở: New York, Mỹ
- Năm thành lập: 1818
- Số lượng cửa hàng: 500
- Số lượng nhân viên: 4.000
- Ngày nộp đơn phá sản: 08/7/2020
Brooks Brothers là một trong những nhãn hàng uy tín và lâu đời bậc nhất tại xứ cờ hoa, nổi tiếng với đặc quyền cung cấp trang phục cho ít nhất 40 đời Tổng thống Mỹ. Nhãn hàng này đã kiên cường tồn tại qua cả 2 cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Đại Suy thoái, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đã đẩy nó đến với chương trình bảo hộ phá sản theo Chương 11, khi các cửa hàng đồng loạt đóng cửa, hàng triệu người làm việc tại nhà và những bộ đồ sang trọng bị đẩy xuống vị trí cuối cùng trong danh sách mua sắm.
Thực tế, thời điểm khó khăn của nhãn hàng 202 tuổi Brooks Brothers đã bắt đầu từ 2019, khi xu hướng thời trang giản dị hơn chiếm ưu thế rõ rệt, thay vì những bộ cánh trang trọng như trước kia, kể cả trong môi trường công sở; cộng thêm gánh nặng thanh toán chi phí thuê đắt đỏ cho 500 cửa hàng trải khắp 70 quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là 250 cửa hàng ở khu vực Bắc Mỹ.
Trong năm qua, Ban lãnh đạo Brooks Brothers đã đánh giá nhiều chiến lược khác nhau để định vị sự thành công trong tương lai của Công ty, bao gồm cả phương án “bán mình” cho đối tác tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp, bao gồm Authentic Brands, thể hiện sự quan tâm với việc mua lại Brooks Brothers, tuy nhiên đa phần họ muốn mua lại thương hiệu này với ít cửa hàng hơn.
RTW Retailwinds
- Trụ sở: New York, Mỹ
- Năm thành lập: 1918
- Số lượng cửa hàng: 400
- Số lượng nhân viên: 5.000
- Ngày nộp đơn phá sản: 13/7/2020
RTW Retailwinds, doanh nghiệp 102 tuổi sở hữu thương hiệu quần áo nữ New York & Co. cũng nối gót theo sau Brooks Brothers nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Kể từ tháng 3, khi lệnh cách ly tại nhà được ban bố trên khắp nước Mỹ, RTW đã cho hàng loạt nhân viên tại công ty mẹ và các cửa hàng trên 32 Bang nghỉ phép, giúp tiết kiệm được tới 80% chi phí cho việc trả lương hàng tuần. Tuy nhiên, “những tác động của môi trường bán lẻ đầy thách thức, cộng với ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng tài chính nghiêm trọng cho công ty chúng tôi, và những khó khăn này được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới”, CEO kiêm CFO Sheamus Toal cho biết trong một tuyên bố chính thức mới đây.
Trong hồ sơ xin bảo hộ phá sản, RTW đã liệt kê tài sản trị giá khoảng 405 triệu USD và nợ phải trả tổng cộng khoảng 450 triệu USD. Công ty này cho biết các cửa hàng của họ sẽ tiếp tục hoạt động trong quá trình phá sản để tiến hành thanh lý hàng tồn, và nhấn mạnh rằng có tới 90% trong số 400 cửa hàng đã được mở cửa trở lại sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Tuy nhiên tương lai của những cửa hàng này sẽ ra sao thì vẫn chưa có gì chắc chắn.
Ascena Retail Group
- Trụ sở: New Jersey, Mỹ
- Năm thành lập: 1962
- Số lượng cửa hàng: 2.800
- Số lượng nhân viên: 53.000
- Ngày nộp đơn phá sản: 23/7/2020
Tập đoàn bán lẻ Ascena Retail Group, chủ sở hữu các thương hiệu Ann Taylor, Justice, Lou & Grey và Lane Bryant là cái tên tiếp theo nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Theo các tuyên bố chính thức, Ascena đã tạm thời đóng cửa toàn bộ cửa hàng từ trung tuần tháng 3 do dịch bệnh, sau đó đã cho mở cửa trở lại khoảng 95% trong số đó. Tuy nhiên, lượng khách mua sắm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, kéo doanh số giảm 30-80% trong vòng 3 tuần cuối tháng 5 và doanh thu cả năm dự báo sẽ giảm tới 21% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 8 này.
Chỉ mới vài năm trước đây, Ascena vẫn là một trong những nhà bán lẻ quần áo nữ lớn nhất nước Mỹ, tuy nhiên gánh nặng từ những khoản nợ cao vút cùng với doanh số đi xuống đã bị lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm. Thời hoàng kim của những nhà bán lẻ đã qua, và thị trường của quần áo nữ đã sớm bão hòa, khiến cho việc phá sản của Ascena chỉ là vấn đề sớm muộn.
Trong một tuyên bố gần đây, Chủ tịch điều hành lâm thời Carrie Teffner gọi việc nộp đơn bảo hộ phá sản là một “bước đi chiến lược”, nhằm bảo vệ tương lai của doanh nghiệp và có lợi cho mọi cổ đông. Các điều khoản của Chương 11 cho phép Ascena tránh được việc đóng cửa vĩnh viễn, giảm bớt được các khoản vay và loại bỏ những cửa hàng làm ăn không hiệu quả nhằm giảm thiểu chi phí. Ascena đã tuyên bố đóng cửa 1.600 trong tổng số 2.800 cửa hàng, đồng nghĩa với việc rất nhiều người trong tổng số 53.000 nhân viên của Tập đoàn này sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Lord & Taylor Department store
- Trụ sở: New York, Mỹ
- Năm thành lập:1826
- Số lượng cửa hàng: 38
- Số lượng nhân viên: 651
- Ngày nộp đơn phá sản: 02/8/2020
Danh sách nạn nhân của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã được ghi thêm cái tên Lord & Taylor – chuỗi bách hóa sang trọng và lâu đời bậc nhất nước Mỹ, được biết đến với các mặt hàng thời trang xa xỉ và đồ gia dụng cao cấp.
Trong hồ sơ xin phá sản, Lord & Taylor cho biết 38 cửa hàng bán lẻ của công ty với tổng số 651 nhân viên đã tạm thời bị đóng cửa từ tháng 3 và hiện nợ khoảng 137,9 triệu USD. Tổng doanh thu của công ty này trong năm 2019 là 253,5 triệu USD.
Lord & Taylor từng thuộc sở hữu của Công ty Hudson’s Bay và được hãng dịch vụ thời trang Le Tote mua lại năm ngoái với giá khoảng 100 triệu USD, được coi là một trong những thương vụ thâu tóm đình đám nhất thập kỷ, gây chấn động ngành bán lẻ thế giới.
Thực tế, chuỗi bách hóa gần 200 tuổi vốn đã gặp khó khăn trong vài năm trở lại đây, khi không còn là nơi mua sắm ưa thích của tầng lớp khách hàng giàu có và thế hệ trẻ, vì đa số người mua giờ đây bị thu hút bởi các trang bán hàng trực tuyến hoặc các đối thủ cạnh tranh chào mời mức giá thấp hơn. Le Tote đã hi vọng sẽ có thể hồi sinh thương hiệu này, bằng cách đóng bớt một số cửa hàng kém hiệu quả, trang bị thêm nhiều phòng thử đồ cao cấp và cung cấp thêm một số dịch vụ mới như đặt lịch trang điểm dành cho những khách hàng bận rộn.
Tailored Brands
- Trụ sở: California, Mỹ
- Năm thành lập: 1973
- Số lượng cửa hàng: 1.400
- Số lượng nhân viên: 19.000
- Ngày nộp đơn phá sản: 02/8/2020
Ngày 02/8 rõ ràng là một ngày buồn đối với nền kinh tế Mỹ khi chứng kiến 2 gã khổng lồ cùng nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Chỉ vài giờ sau khi Lord & Taylor ký tên mình vào giấy khai tử, Tailored Brands, nhà bán lẻ chuyên về quần áo nam, sở hữu các thương hiệu Men’s Wearhouse, JoS. A. Bank, K&G và Moores cũng nối gót theo sau, trở thành nhà bán lẻ tiếp theo bị Covid-19 đánh gục.
Trước đó 2 tuần, nhà bán lẻ này vừa công bố kế hoạch cắt giảm 20% tổng số nhân viên, sắp xếp lại đội ngũ bán hàng và cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng nhằm ưu tiên hơn cho mảng thương mại điện tử. Có tổng cộng 1.274 cửa hàng ở Mỹ và 125 cửa hàng ở Canada đã được mở cửa trở lại sau khoảng thời gian dài phong tỏa do đại dịch. Tuy nhiên doanh số ở những cửa hàng này thấp đến mức đáng lo ngại, kể cả đối với các cửa hàng được mở lại từ đầu tháng 5.
Trong tuyên bố chính thức sau khi nộp đơn phá sản, nhà bán lẻ này khẳng định rằng chương trình thẻ quà tặng của khách hàng vẫn được duy trì, và những đơn hàng đặt may riêng vẫn được hoàn thiện, đồng thời cam kết tiếp tục trả lương và các chế độ chăm sóc y tế cho 18.000 nhân viên.
“CÂY CAO, GIÓ CẢ”
Ngoài những tên tuổi lớn của nước Mỹ, vào giữa tháng 5, một loạt các thương hiệu quần áo nổi tiếng của Pháp như Naf Naf, Camaieu, La Halle… cũng tuyên bố phá sản. Theo thăm dò của Cơ quan Bảo hiểm – tín dụng Coface, làn sóng phá sản của các công ty tăng mạnh trên khắp EU trong nửa cuối năm 2020 và vào năm 2021. Đức – quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất của Covid-19 ghi nhận khả năng phá sản của các công ty tăng 12% từ nay đến cuối năm 2021, con số này ở Pháp là 21% và Tây Ban Nha 22%.
Tuy nhiên, sự gia tăng lớn nhất về số lượng các công ty phá sản xảy ra ở Hà Lan với dự báo 36%, Vương quốc Anh và Italia là 37%. Riêng tại Pháp, đến cuối năm 2021 có lẽ sẽ có tới 61.345 doanh nghiệp bị phá sản, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, trong đó các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ phá sản nhất thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, giao thông vận tải, thương mại, may mặc, xây dựng.
Vì vậy, danh sách nạn nhân của Covid-19 chắc chắn chưa dừng lại ở những cái tên này. Những ông lớn như Zara, H&M, Victoria’s Secrets… với mạng lưới phủ sóng toàn cầu hiện cũng đang chật vật ứng phó với dịch bệnh.
Inditex, Tập đoàn Tây Ban Nha đi đầu trong lĩnh vực thời trang nhanh, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Zara và một số thương hiệu khác, mới đây đã công bố báo cáo thua lỗ 409 triệu EUR trong quý 1/2020. Thời kỳ lệnh phong tỏa được áp dụng tại hầu hết các quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, 88% cửa hàng Zara phải đóng cửa, doanh thu của Tập đoàn này vì thế đã giảm đi một nửa.
Primark, nhãn hàng thời trang bình dân của Anh hiện đang cho 68.000 nhân viên nghỉ phép để hưởng trợ cấp từ chính phủ các nước. Mango cũng thực hiện chương trình tương tự với 4.700 nhân viên. Hàng chục nghìn nhân viên của H&M trên toàn thế giới cũng đang chịu chung số phận. Cuối tháng 6, nhãn hàng đến từ Thụy Điển này đã báo lỗ 534 triệu USD trong vòng 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, với tổng doanh thu giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuỗi bán lẻ Gap của Mỹ cũng báo lỗ 900 triệu USD trong quý I/2020.
Sau một thời gian làm ăn bết bát, lượng người xem suy giảm và đội ngũ lãnh đạo vướng phải scandal phát ngôn, Victoria’s Secret đã phải hủy show diễn thường niên vào năm ngoái. Đầu năm nay, cơn bão Covid-19 tràn qua khiến đế chế nội y đình đám một thời điêu đứng. Trong tháng 5, Victoria’s Secret tuyên bố đã đóng cửa vĩnh viễn 250 cửa hàng ở Bắc Mỹ. Chi nhánh của hãng ở Anh cũng mất khả năng thanh toán khiến 800 người có nguy cơ mất việc làm.
Tập đoàn thời trang Fast Retailing của Nhật, chủ sở hữu Uniqlo, GU và một vài thương hiệu khác lại được hưởng lợi nhờ tình hình dịch bệnh ở châu Á có phần bớt căng thẳng hơn các phần còn lại của thế giới, biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia đã dần được dỡ bỏ và việc mua sắm đang có dấu hiệu trở lại như bình thường. Tập đoàn này ước tính rằng kết thúc năm tài chính 2020, doanh thu của họ vẫn giữ được ở mức 19,3 tỷ USD, con số đáng mơ ước đối với nhiều nhãn hàng trong thời điểm này.
Ở góc độ kinh tế, Tạp chí Forbes cho rằng, một trong những lý do khiến các thương hiệu thời trang bị “mắc kẹt” sau đại dịch đó là số lượng khổng lồ hàng tồn kho từ các bộ sưu tập Xuân – Hè 2020. Với đặc tính mùa vụ và xu hướng thay đổi nhanh chóng thì nguy cơ hàng tồn rõ ràng là mối đe dọa chết người với các nhãn hàng. Số hàng tồn kho này sẽ mất phần lớn giá trị của nó trong vòng vài tháng và chỉ còn cách đưa ra thanh lý tại các cửa hàng bán lẻ với giá thấp vào cuối mùa hè này.
Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến xấu và lệnh phong tỏa khiến các cửa hàng tiếp tục phải đóng cửa, thì việc áp dụng các chiến lược số đa kênh có thể là cứu cánh duy nhất cho các nhãn hàng thời trang vào thời điểm hiện tại.
ẢNH HƯỞNG CỦA LÀN SÓNG PHÁ SẢN ĐỐI VỚI NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM
Dịch bệnh đã làm gián đoạn nghiêm trọng và sau đó phá hủy nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD của ngành thời trang toàn cầu. Việc một vài cửa hàng ở Mỹ hay Châu Âu đóng cửa có thể khiến cho nhiều nhà máy ở Việt Nam, Bangladesh hay các quốc gia xuất khẩu dệt may khác ngừng hoạt động theo, cũng như khiến cho những người trồng bông tại Ấn Độ thêm khốn khó.
Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Mỹ và Châu Âu, khiến hàng loạt các đơn hàng bị hoãn, huỷ. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu xơ, sợi, dệt các loại giảm 21,2% (cùng kỳ tăng 1,9%); vải mành, vải kỹ thuật giảm 39,6% (cùng kỳ tăng 17,1%); hàng dệt và may mặc giảm 15,5% (cùng kỳ tăng 10,4%).
Làn sóng phá sản của các nhà bán lẻ thời trang trên thế giới sẽ khiến cho tình hình 6 tháng cuối năm thêm u ám, đặc biệt là các nước xuất khẩu dệt may như Việt Nam. Theo dự báo của Vinatex, xuất khẩu dệt may Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng 14-18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay khoảng 32,75 tỷ USD, giảm 16% so với 2019.
Một số nhà bán lẻ như Zara, H&M, Primark đã cam kết sẽ thanh toán cho các đơn hàng đã hoàn thiện hoặc đang sản xuất, hoặc hứa hẹn đền bù phần nào cho các công nhân nhà máy bị ảnh hưởng do đơn hàng bị hủy. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu những nhà bán lẻ này rơi vào cảnh phá sản, lúc đó đơn giản là họ sẽ không còn khả năng chi trả cho các nhà cung ứng.
Ví dụ, việc RTW Retailwinds phá sản đã giáng một đòn mạnh cho CTCP May Sông Hồng , khi công ty này là 1 trong 3 khách hàng truyền thống lớn nhất của May Sông Hồng trong nhiều năm trở lại đây. Chưa kể tới lỗ hổng 25% trong tổng doanh thu của mảng FOB do mất khách hàng chiến lược, khoản nợ phải thu lên tới 219 tỷ đồng với khách hàng này cũng là bài toán đau đầu với các nhà lãnh đạo của May Sông Hồng. Chuỗi bách hóa khổng lồ J.C.Penney đóng cửa vào tháng 5 cũng khiến cho hàng loạt doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang là đối tác của J.C.Penney như Pi Vina Đà Nẵng, Vitex Vina, Xuất khẩu Habac, May mặc Bình Minh… bị cuốn vào cơn bão. Những khoản nợ khó đòi, những đơn hàng bị hủy, việc mất mát những khách hàng lâu năm và công cuộc tìm kiếm khách hàng mới hoàn toàn là một con đường mờ mịt. Bát cơm của những người công nhân dệt may, vì thế sẽ lại vơi đi.
Danh sách các nhà bán lẻ phá sản tại Mỹ trong năm 2020 (Nguồn: Cbinsights)
Bài: Mạc Dung
(Nguồn: Forbes)