Công ty Cổ phần Tiên Hưng: Khi người lao động là trọng tâm


Định hướng “lấy con người làm trọng tâm” được HĐQT và Cơ quan điều hành của Công ty CP Tiên Hưng (tỉnh Hưng Yên) đặt ra, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng SXKD đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng “thần tốc” chỉ trong vòng 3 năm, với số lượng lao động tăng gấp rưỡi, cũng như doanh thu năm 2021 đạt hơn 40 triệu USD.

Năm 2021 được coi là năm khó khăn chung của các doanh nghiệp, không chỉ riêng dệt may. Với lực lượng lao động đông đảo, việc đảm bảo đời sống cho NLĐ, chế độ lương thưởng… là điều mà rất nhiều doanh nghiệp trăn trở khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát. Hiện không ít doanh nghiệp dệt may luôn trong tình trạng “khát” lao động, cũng như bị cạnh tranh lao động gay gắt. Lâu nay, có không ít quan điểm cho rằng, các doanh nghiệp dệt may có mức thu nhập thấp, cũng như phải làm tăng ca và thêm giờ. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm trước đây, bởi hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều hiểu rất rõ về việc làm sao để giữ chân người lao động (NLĐ), khi nguồn cung lao động phổ thông không con dồi dào như trước.

Thực tế tại một số khu vực phía Bắc hay khu vực miền Nam, nhiều đơn vị đã phải tính đến phương án tăng lương, giảm giờ làm, cải tiến máy móc để tăng năng suất lao động nhằm bù chi phí sản xuất. Trải nghiệm tại Công ty CP Tiên Hưng (Tiên Hưng), PV Tạp chí Dệt May & Thời trang đã ghi nhận được thực tế này từ những con số ấn tượng cũng như những “điểm nhấn” về thu nhập và chăm lo đời sống cho NLĐ.

Những điểm sáng ấn tượng

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số lao động của Tiên Hưng là 3.600 người, trong đó số lượng tuyển vào cho năm 2021 khoảng 1.000 lao động, năm 2020 khoảng 500 lao động. Chỉ trong khoảng 2 năm, Tiên Hưng đã tăng số lượng công nhân lên gấp đôi để tăng năng suất và kịp các đơn hàng xuất khẩu.

Nói về lý do tăng nhanh số lượng lao động, ông Phạm Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP Tiên Hưng cho rằng, năm 2020 mặc dù tình hình xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng Hội đồng quản trị và cơ quan điều hành vẫn quyết định đầu tư 200 tỷ để xây dựng cơ sở, tăng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, TGĐ Tiên Hưng nhận định rằng đây cũng là một trong những quyết định “mạo hiểm” của Ban lãnh đạo công ty, bởi năm 2020, doanh nghiệp chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về đơn hàng từ các nhà cung cấp do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tổng giám đốc Tiên Hưng nhận định, đây được coi là năm “bản lề” và là “phép thử” giúp Tiên Hưng đánh giá, nhận định trong việc xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề. Với khoảng hơn 2.000 lao động có sẵn và tuyển dụng thêm 5000 lao động mới, năm 2020 Tiên Hưng đã có những bước chuẩn bị từ việc xây đựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cứng nhằm đào tạo tại chỗ. Do đó, việc tuyển thêm 1000 lao động mới trong năm 2021, công ty không bị mất quá nhiều thời gian để đào tạo, công nhân có thể làm việc ngay.

Ghi nhận thực tế tại doanh nghiệp, hiện có không ít lao động trẻ, thậm chí có những lao động vừa tốt nghiệp THPT. Nhiều bạn trẻ cho biết, từ ý định vào làm việc một thời gian để có thêm thu nhập nhưng chỉ trong thời gian ngắn làm việc tại Tiên Hưng đã thay đổi lại suy nghĩ ban đầu và quyết định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo công ty, hiện thu nhập bình quân của người lao động năm 2021 đạt khoảng từ 10 – 11 triệu đồng/người/tháng. Có những tháng cao điểm, mức thu nhập có thể cao hơn, bởi cách tính lương của Tiên Hưng hiện nay vẫn dựa trên năng suất và sản phẩm đầu ra. Nhưng để có được mức thu nhập cao như vậy, chắc chắn Tiên Hưng phải có không ít những “bí quyết” trong việc tìm kiếm đơn hàng, tăng năng suất lao động, cũng như giữ chân NLĐ.

Ông Phạm Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP Tiên Hưng

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, năm 2021 doanh thu của Tiên Hưng đạt khoảng 40 triệu USD (khoảng 904 tỷ đồng). Lợi nhuận đạt trên 90 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Hiện, các đơn hàng của Tiên Hưng đã lấp đầy hết Quý IV/2022 và công ty đang tiếp tục đàm phán cho các tháng tiếp theo. Nhưng với một doanh nghiệp chuyên làm hàng CMT như Tiên Hưng, thì con số trên thực sự “ấn tượng”. Bởi nó không chỉ phản ánh về đơn hàng của doanh nghiệp trong năm, mà nó còn phản ánh về hiệu suất và năng suất lao động của đơn vị.

Lợi ích “kép” từ việc tăng lương, giảm giờ làm

Lý giải về định hướng “lấy con người làm trọng tâm”, lãnh đạo công ty cho biết đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt của HĐQT và cơ quan điều hành nhằm hướng tới một Tiên Hưng “đáng sống, đáng làm việc” đối với tất cả CBNV-NLĐ.

Để làm được điều này, không chỉ có thu nhập của NLĐ được đảm bảo, mà việc xây dựng nên một môi trường làm việc thật “xanh – sạch – đẹp” cho người lao động cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Tiên Hưng đang hướng đến. Không chỉ phủ xanh khuôn viên toàn nhà máy bằng các loại hoa và cây xanh, Tiên Hưng còn là một trong những đơn vị đầu tiên lắp toàn bộ hệ thống điều hòa trung tâm cho toàn bộ phân xưởng, với hơn 8.000 mét vuông/sàn.

Bên cạnh đó, kể từ khi đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc từ năm 2018, ông Phạm Tuấn Anh đã tiến tới việc giảm 1,5h làm/ngày, cũng như cho NLĐ nghỉ việc toàn công ty vào Chủ nhật, đồng thời công nhân cũng sẽ được nghỉ trưa khoảng 1 tiếng. Theo lãnh đạo công ty, những điều này sẽ giúp NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Thậm chí, khi công nhân được nghỉ ngơi cuối tuần và nghỉ trưa, năng suất lao động sẽ tăng lên đáng kể so với việc làm thêm giờ hay làm xuyên trưa như trước đây vẫn áp dụng.

Bên cạnh việc giảm thời gian làm thêm nhưng thu nhập vẫn được đảm bảo, Tiên Hưng còn có không ít các mô hình như: phát sữa nhập khẩu hàng tuần tới tận bàn làm việc cho NLĐ; xây dựng phòng y tế khang trang hiện đại, có đội ngũ y tế trúc trực; đầu tư máy vắt sữa và tủ trữ sữa cho lao động nữ đang trong thời gian nuôi con; hàng tuần sẽ có giao lưu văn nghệ, chúc mừng sinh nhật cho NLĐ được tổ chức cố định vào thứ 7 hàng tuần. Thậm chí, công ty đã “chịu chi” khi đầu tư hệ thống âm thanh tốt nhất để lắp tại nhà máy, giúp công nhân có thể giao lưu hết mình trong giờ giải lao. Bên cạnh đó, hàng tháng NLĐ sẽ được công ty tổ chức “bữa ăn đặc biệt”, với giá trị bữa ăn khoảng 60 – 70 nghìn đồng/người (chưa bao gồm chi phí nhân công, điện, gas…).

Lãnh đạo công ty chia sẻ, hiện chi phí tiền ăn ca của Tiên Hưng hiện nay cao hơn một chút so với mặt bằng các doanh nghiệp trên địa bàn, với chi phí thực phẩm cho bữa ăn khoảng 18 nghìn đồng/người/bữa (chưa bao gồm gạo, gia vị, điện, gas, nhân công…). Bên cạnh đó, công ty cũng thường xuyên tổ chức các buổi họp tới từng cấp tổ, có sự tham dự của TGĐ để lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của công nhân. Ông Phạm Tuấn Anh cho biết: “Quan điểm của tôi là công nhân có nhu cầu gì thì sẽ giải quyết ngay”.

Năm 2022, lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra mục tiêu, ngoài việc đánh giá thị trường, tìm kiếm đơn hàng để đảm bảo SXKD, thì công tác chăm lo đời sống NLĐ vẫn phải được đảm bảo. Theo đó, Tiên Hưng đặt ra mục tiêu thu nhập của NLĐ sẽ tăng khoảng 5%, đồng thời sắp xếp lại dây chuyền để phát triển và sản xuất các đơn hàng FOB. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyển thêm khoảng 5 chuyền (tương ứng khoảng 400 lao động) để tăng quy mô sản xuất. Tuy chưa có kế hoạch mở rộng nhà máy, nhưng năm 2022 Tiên Hưng đặt ra mục tiêu đổi mới dây chuyền, thiết bị để tăng năng suất lao động, sản xuất chuyên sâu các mặt hàng theo từng tổ để tối ưu hóa năng suất và chi phí. Đồng thời, tiếp tục phát huy thông điệp “lấy con người làm trọng tâm”, cử lao động đi đào tạo chuyên sâu hơn từ cấp Tổ trưởng, từng bước xây dựng một môi trường làm việc đáng sống, cũng như thay đổi nhận thức của NLĐ đối với các doanh nghiệp thâm dụng lao động như doanh nghiệp may.

Bài: Quang Nam


Các tin khác