Công đoàn Dệt May Việt Nam ký biên bản hợp tác cùng BV Hữu nghị Việt Đức


Sáng ngày 8/11 tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công đoàn Dệt May Việt Nam (CĐDM VN) và Bệnh viên Hữu nghị Việt Đức.

Tới tham dự buổi lễ có ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch CĐDM VN, ông Trần Đình Thơ – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Lãnh đạo và Chủ tịch Công đoàn các Tổng Công ty, Công ty Dệt May phía Bắc, cùng đông đảo phóng viên cơ quan thông tấn báo chí tới tham dự và đưa tin.

Đây là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong các công tác mà mỗi bên có thế mạnh như: Tập huấn, hướng dẫn cán bộ, đoàn viên chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường; Tổ chức vận động hiến máu tình nguyện; cùng các hoạt động thiện nguyện khác… qua đó góp phần giúp hai đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác của mình, đồng thời ngày càng tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, mở rộng hợp tác giữa hai đơn vị nói riêng và giữa ngành Dệt May Việt Nam cùng Bộ Y tế nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Nho Thướng cho biết: “Về phía Công đoàn DMVN, chúng tôi cam kết sẽ bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm để chỉ đạo các Ban, bộ phận, đơn vị thuộc Công đoàn DMVN triển khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung mà hai bên đã thống nhất, trong đó đặc biệt đẩy mạnh các chương trình hiến máu nhân đạo trong CNVCLĐ dệt may, để góp một phần nhỏ cho công tác trị bệnh, cứu người mà Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang gánh vác. Chúng tôi cũng mong rằng trong quá trình thực hiện, cán bộ hai cơ quan sẽ tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo những phương pháp, cách làm tối ưu, để mọi hoạt động phối hợp của hai đơn vị chúng ta đảm bảo được tính thiết thực và hiệu quả, mang tính xã hội cao; triển khai nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của mỗi bên trong phạm vi mà mỗi đơn vị có thể đáp ứng được”.

Thay mặt Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông Trần ĐìnhThơ – Phó Giám đốc cho biết, ngành Dệt May là một trong những ngành có lực lượng lao động đông đảo, chính vì vậy ông mong mỏi người lao động, CBCNV ngành Dệt May phát huy hơn nữa tinh thần tương thân tương ái, nhất là trong hoạt động hiến máu tình nguyện, bởi lượng máu hàng năm BV Hữu nghị Việt Đức cần lên tới hơn 40 nghìn đơn vị.

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Tạp chí Lao động & Công đoàn phối hợp với CĐDM VN tổ chức buổi Tọa đàm “Vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện công tác phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp dệt may”.

Thượng tá Đoàn Văn Quỳnh – Phó Trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, ngành Dệt May Việt Nam là một trong những ngành kinh tế quan trọng nên việc đảm bảo an toàn nói chung và an toàn PCCC nói riêng trong quá trình sản xuất, kinh doanh đóng một vai trò vô cùng quan trọng.Tính trong năm 2018 ngành Dệt May chỉ có 25/2788 vụ cháy, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, tuy nhiên thiệt hại về tài sản lại chiếm hơn 32% tổng thiệt hại các vụ cháy trên cả nước. Điều đó cho thấy, nguy cơ lan nhanh dẫn đến cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và sức khỏe con người tại các cơ sở dệt may luôn tiềm tàng và nhiều nguy cơ khó lường.

Tại buổi Tọa đàm, các đơn vị dệt may lớn tại miền Bắc như: TCT May Hưng Yên, TCT May 10, TCT May Đáp Cầu, TCT CP Dệt May Hà Nội, TCT Dệt May Nam Định… đã trình bày các bài tham luận về những giải pháp đã thực hiện tại đơn vị, nhờ đó phía Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu về công tác đảm bảo an toàn PCCC, qua đó giúp các DN khắc phục những nguy cơ về cháy nổ trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Quang Nam


Các tin khác