Công đoàn Dệt May Việt Nam cần nghiên cứu các chương trình hành động mang màu sắc riêng của dệt may


Mới đây, ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cùng lãnh đạo Văn phòng HĐQT Vinatex, các ban tham mưu giúp việc Đảng ủy Tập đoàn đã đến chúc mừng Công đoàn Dệt May Việt Nam (DMVN) nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024).

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Báo cáo với lãnh đạo Vinatex về những hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) ngành Dệt May Việt Nam diễn ra trong 6 tháng đầu năm, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn DMVN cho biết, Công đoàn DMVN đã có nhiều hoạt động chăm lo NLĐ trong dịp Tết Giáp Thìn, như tổ chức chuyến xe công đoàn đưa NLĐ về quê đón Tết, tặng quà, phiên chợ công nhân… Công đoàn DMVN ký thỏa ước phối hợp với Tập đoàn trong điều kiện mới để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ. Tổ chức tốt các hoạt động trong Tháng công nhân với các nội dung về an toàn lao động, tập huấn, diễn tập PCCC, CHCN, chăm lo trợ cấp cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, xây, sửa 02 mái ấm công đoàn và các hoạt động tôn vinh, khen thưởng những đơn vị điển hình. Phổ biến những sáng tác mới về ngành đến với các công đoàn cơ sở qua các Hội diễn văn nghệ tại khu vực miền Trung, miền Nam. Tiếp tục đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, bồi dưỡng về kỹ năng thương lượng,… cho cán bộ công đoàn và NLĐ. Duy trì hành trình đỏ, hiến máu nhân đạo tại tất cả các công đoàn cơ sở. Tiến hành quy hoạch cán bộ các cấp của Công đoàn DMVN nhiệm kỳ 2023-2028. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát đồng cấp với cơ quan Công đoàn DMVN và công đoàn cơ sở để sớm phát hiện và khắc phục những vấn đề tồn tại. Thỏa ước lao động tập thể lần thứ 6 tiếp tục được Hiệp hội DMVN và Công đoàn DMVN ký kết nhằm xác lập các chế độ, chính sách phúc lợi cao hơn quy định của pháp luật để áp dụng cho NLĐ trong hệ thống…

Tại buổi gặp mặt, ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex đã chúc mừng những cán bộ Công đoàn DMVN, công đoàn cơ sở nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Nhận xét về các hoạt động của Công đoàn DMVN trong thời gian qua, ông Lê Tiến Trường cho biết, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 là thời điểm rất khó khăn của ngành Dệt May Việt Nam. Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đánh giá cao những nỗ lực của Công đoàn DMVN đã tổ chức được các hoạt động cho NLĐ và có những đóng góp quan trọng vào sự ổn định của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhất. Công đoàn DMVN đã thực hiện rất sát với những nhiệm vụ được của Đảng ủy Tập đoàn giao tại Nghị quyết Đại hội VI đó là “Hướng về cơ sở – Hoạt động thực chất”, giữ được nhịp độ hoạt động ổn định, như là chất xúc tác quan trọng đồng hành cùng doanh nghiệp bảo toàn được nguồn lực, duy trì hoạt động SXKD.

Điểm sáng trong hoạt động của Công đoàn DMVN đó là thực sự hướng về cơ sở, xây dựng đội ngũ công đoàn viên đông đảo tại cơ sở, tham gia đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho NLĐ. Các chương trình chăm lo cho NLĐ không chỉ mang tính tổng quát của cả Công đoàn ngành mà còn mang nét sáng tạo riêng ở doanh nghiệp và cơ sở. Mỗi công đoàn cơ sở đều có hình thức riêng để chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Cùng với đó, hoạt động văn hóa tinh thần đã được tổ chức sôi động trong thời gian vừa qua…

“Tình hình SXKD của ngành dệt may tuy đã có sự khởi sắc nhất định trong 6 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên, thách thức vẫn còn đối với công tác điều hành của doanh nghiệp, trong đó có các yêu cầu về đơn hàng nhanh, nhỏ, khó của các khách hàng trên thế giới. Hệ thống quản lý tại doanh nghiệp cũng phải thay đổi với số hóa, thực tế ảo,… theo xu thế toàn cầu. Để vượt qua được những thách thức trên đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt, nâng cao năng lực cạnh tranh, NLĐ phải bắt nhịp với yêu cầu mới. Vì vậy, tổ chức công đoàn cần phải cập nhật diễn biến thị trường, hoạt động SXKD của doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn, vận động NLĐ đồng hành cùng doanh nghiệp. Chương trình hành động của Công đoàn DMVN đến công đoàn cơ sở cần được cá thể hóa, phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, kết quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu chung trong toàn hệ thống, đó là doanh nghiệp phát triển bền vững, NLĐ ổn định việc làm, môi trường làm việc hiện đại, thu nhập cao. Trước xu hướng dịch chuyển lao động sáng lĩnh vực khác và việc tìm kiếm lao động tại các doanh nghiệp dệt may ngày càng khó khăn, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải nâng cao vai trò dự báo, thương lượng để có những quyết định về chính sách đãi ngộ cho NLĐ phù hợp với tiềm lực của doanh nghiệp. Cần chuyển hóa các hoạt động phong trào thành chương trình mang tính chất gìn giữ đội ngũ, gắn kết NLĐ với doanh nghiệp. Tập hợp được đội ngũ cán bộ trẻ, có kinh nghiệm và chuyên môn, trong thời gian tới, Công đoàn DMVN cần nghiên cứu các chương trình hành động, đề tài, sáng kiến mang màu sắc riêng của dệt may. Đồng thời hướng hoạt động công đoàn ngày càng đi vào thực chất hơn để thực hiện đúng tinh thần “Lợi ích hài hòa- Rủi ro chia sẻ” – Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

PV


Các tin khác