Coco Chanel và 7 thiết kế làm “xoay chuyển” thế giới thời trang
Những thiết kế của Coco Chanel không chỉ mang vẻ đẹp thanh lịch vượt thời gian mà còn tạo nên một “cuộc cách mạng” thời trang vào thế kỷ 20 và có sức sống bền bỉ đến thời hiện đại.
Thoát ra khỏi nhiều quy tắc ăn mặc cổ hủ của thế kỷ 20, những thiết kế của Coco Chanel luôn ưu tiên sự thoải mái, mang lại vẻ đẹp sang trọng cho người phụ nữ. Với di sản đồ sộ và phong cách thanh lịch vượt thời gian, bà là một trong những biểu tượng thời trang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nhiều nhà thiết kế và tín đồ thời trang hiện đại. Nhân dịp kỷ niệm 137 năm ngày sinh của nhà thiết kế lẫy lừng này, hãy cùng ELLE nhìn lại 7 thiết kế kinh điển của Coco Chanel đã làm nên “cuộc cách mạng” trong thế giới thời trang.
Coco Chanel bên bàn làm việc năm 1939. (Ảnh: Roger Schall/Corbis)
ĐẦM ĐEN – “ĐỒNG PHỤC” CỦA PHỤ NỮ THẾ KỶ 20
Trong khi màu đen được xem là màu của nỗi buồn và sự phiền muộn từ thời Victoria, đối với Coco Chanel, gam màu này lại đại diện cho vẻ đẹp thanh lịch không gắng gượng. Năm 1926, khi bản vẽ “chiếc đầm đen bé nhỏ” (little black dress) xuất hiện trên tạp chí Vogue Mỹ, bộ váy được dự đoán sẽ trở thành “đồng phục dành cho tất cả phụ nữ có gu thẩm mỹ”. Thiết kế này còn được đặt tên “Ford” theo loại xe sành điệu nhất lúc bấy giờ. Cho đến tận ngày nay, little black dress là một mảnh ghép không thể thiếu trong tủ đồ của mọi cô gái yêu thích thời trang.
Bản vẽ thiết kế “Ford” do cố NTK Karl Lagerfeld phác họa. (Ảnh: Littleblackdress)
Một thiết kế little black dress trên sàn diễn Chanel mùa Thu – Đông 2020. (Ảnh: Gorunway)
QUẦN ÂU CHO PHỤ NỮ
Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra vào 1914, nữ giới dần chuyển sang mặc quần dài để di chuyển và làm việc tại công xưởng dễ dàng hơn, thay cho bộ váy xòe truyền thống. Sớm được truyền cảm hứng từ những bộ trang phục của phái mạnh, Coco Chanel bắt đầu thiết kế quần dành cho phái nữ khi tập luyện thể thao cũng như tham gia các hoạt động khác. Chẳng mấy chốc, quần dài không chỉ là món đồ có tính ứng dụng cao mà còn trở thành thiết kế mang tính cách mạng, góp phần vào cuộc cách mạng đòi quyền bình đẳng cho phái nữ.
Ảnh chụp Coco Chanel trong chiếc quần âu dài và áo thu kẻ sọc Breton năm 1928 tại nhà riêng. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Giám đốc sáng tạo Virginie Viard tái hiện trang phục của Coco Chanel trong BST Chanel Xuân – Hè 2020. (Ảnh: Chanel)
VẢI JERSEY – TỪ CHẤT LIỆU RẺ TIỀN ĐẾN THỜI TRANG CAO CẤP
Khi mở cửa hàng đầu tiên tại Paris, Coco Chanel giới thiệu đến khách hàng loại vải jersey bình dân, thay vì lụa, satin hay những chất liệu cao cấp khác. Vải jersey bền chắc, có giá thành vừa phải, phù hợp với lối sống ngày càng bận rộn của cô gái thành thị dưới ảnh hưởng của chiến tranh. Chanel đã biến chất liệu vốn dành riêng cho quần áo thể thao và nội y thành loại vải được sử dụng trong thời trang cao cấp, đồng thời đáp ứng được nhu cầu trang phục đơn giản, dễ mặc của nhiều người lúc bấy giờ.
Coco Chanel mặc bộ váy làm từ vải Jersey năm 1928. (Ảnh: TopFoto)
Những thiết kế quần ống rộng trong BST Chanel Thu – Đông 2020 được may từ chất liệu vải jersey. (Ảnh: Gorunway)
ÁO KHOÁC CHANEL BOUCLÉ – GIẢI PHÓNG VÒNG EO
Bouclé Jacket – chiếc áo khoác làm từ vải tweed của nhà mốt Chanel có thể được xem là một trong những biểu tượng của vẻ đẹp thanh lịch, vượt thời gian trong làng thời trang. Lấy cảm hứng từ trang phục menswear, thiết kế này được ra mắt vào năm 1954 khi Coco Chanel đã 71 tuổi. Bà sử dụng chất liệu mềm mại, tạo nên chiếc áo phom đứng với mong muốn phái đẹp có thể ăn diện thoải mái hơn so với những kiểu dáng chiết eo “ngạt thở” trong thập niên 50.
Bouclé Jacket xuất hiện trong bộ phim Coco Before Chanel nói về cuộc đời của nhà thiết kế huyền thoại. (Ảnh: IMDb)
Chiếc áo khoác tweed trong BST Chanel Cruise 2021. (Ảnh: Chanel)
TRANG SỨC THIẾT KẾ VÀ NGỌC TRAI GIẢ (FAUX PEARLS)
Coco Chanel là người tiên phong trong việc sử dụng phụ kiện ngọc trai và vàng giả. Coco cho rằng phụ nữ nên sở hữu nhiều món trang sức với giá cả hợp lý, thay vì gắn bó với vài viên đá quý chỉ được “khoe” trong những sự kiện trọng đại. Từ đó, bà sử dụng platinum, thủy tinh để làm nên những sợi dây chuyền, hoa tai giúp phái đẹp tạo điểm nhấn sang trọng, quý phái trong trang phục thường ngày.
(Ảnh: The Enchanted Manor)
(Ảnh: Getty Images)
GIÀY BỆT HAI TÔNG (TWO-TONE FLATS)
Như nhiều sáng tạo khác của Coco Chanel, đôi giày đế bệt hai tông cũng lấy cảm hứng từ những bộ quần áo vốn dành cho nam giới. Thiết kế giày mũi nhọn màu đen, thân giày phủ trong màu be trung tính được ra mắt vào 1959. Trong khi nhà mốt Pháp tự hào gọi thiết kế này là “đỉnh cao của sự thanh lịch”, giới truyền thông lúc bấy giờ gọi đây là “đôi hài mới của Cinderella”. Kiểu giày này được tạo ra với mục đích giúp đôi chân trông dài hơn, bàn chân thon gọn hơn và có thể được kết hợp trong nhiều phong cách.
NTK Coco Chanel mang thiết kế giày bệt hai tông năm 1937. (Ảnh: Savoir Flair)
(Ảnh: Chanel)
Đôi giày hai màu được NTK Virginie Viard làm mới về phom dáng và chi tiết nơ trang trí trong BST Paris – 31 rue Cambon 2019/20 Métiers d’art. (Ảnh: Chanel)
NƯỚC HOA CAO CẤP
Vào 1922, Coco Chanel trình làng chai nước hoa đầu tiên của thương hiệu mang tên Chanel No. 5 với những nốt hương hoa ylang ylang, hoa nhài, hoa hồng và gỗ đàn hương. Một yếu tố làm nên sự đặc biệt của No. 5 lúc bấy giờ là aldehydes – một hợp chất hữu cơ mang lại mùi hương tươi mát, dễ chịu như mùi quần áo mới giặt. Bằng việc kết hợp hương hoa hồng gắn liền với tầng lớp thượng lưu và hương hoa nhài vốn được cho là “thiếu đứng đắn” và sử dụng aldehydes thay cho tinh dầu hoa nguyên chất, Coco Chanel phá vỡ những nguyên tắc vô lý của thị trường nước hoa vào thời điểm đó, chứng minh rằng phụ nữ có thể vừa sang trọng vừa gợi cảm.
Gần 100 năm sau lần ra mắt đầu tiên, Chanel No. 5 vẫn luôn lọt danh sách những chai nước hoa đắt hàng nhất thế giới. (Ảnh: Inside Chanel)
Những thiết kế của Coco Chanel không chỉ tạo nên “cuộc cách mạng” vào thế kỷ 20 mà còn truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế trẻ tiếp tục thay đổi, không ngừng làm giàu lịch sử ngành thời trang. Những giá trị được Coco Chanel ủng hộ như sự công bằng giới tính, sự thoải mái và tự do trong ăn mặc vẫn được trân trọng trong thế giới hiện đại.
Hoàng Hân (tổng hợp)