Chuyến đi khảo sát thị trường Mỹ của Chủ tịch HĐQT Vinatex: Mở thêm nhiều cơ hội hợp tác cho Vinatex


Tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, đồng thời thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 13/5 đến ngày 19/5, đoàn công tác của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) do Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường dẫn đầu đã có các cuộc tiếp xúc và làm việc với nhiều đối tác, khách hàng lớn tại Mỹ sau hơn 2 năm gián đoạn đi lại do dịch bệnh Covid-19.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của dệt may Việt Nam

Bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của dệt may Việt Nam nói chung và của Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng, chiếm lần lượt 45% và 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành và của Tập đoàn. Đã có thời điểm trong quý 2 năm 2020, dệt may Việt Nam đã vượt Trung Quốc, trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất vào Hoa Kỳ. Trong 6 năm qua, xuất khẩu dệt may Việt Nam đi Mỹ liên tục tăng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 7%, thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ tăng từ 11% lên 19%, xếp thứ 2, bám sát quốc gia đứng đầu là Trung Quốc và tạo khoảng cách lớn với Bangladesh là quốc gia xếp thứ 3.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành đạt 21% so cùng kỳ năm ngoái trong đó thị trường Mỹ đóng góp 53% vào tăng trưởng xuất khẩu cả ngành, giá trị tuyệt đối tăng thêm 1,35 tỷ USD/2,54 tỷ USD tăng trưởng của cả ngành, tiếp tục duy trì vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may đi Mỹ năm 2022 sẽ đạt mốc cao mới ở mức 18 tỷ USD.

Ưu tiên chiến lược Xanh

Các khách hàng lớn rất quan tâm đến Chiến lược “một điểm đến cung ứng trọn gói các sản phẩm dệt kim Xanh cho khách hàng trong chuỗi dệt may toàn cầu”

Với lợi thế quy mô và khả năng cung ứng theo ngành dọc từ sợi, dệt nhuộm (chủ yếu dệt kim) đến may của Vinatex, rất nhiều đối tác, nhà bán lẻ, khách mua hàng lớn của Mỹ như Centric Brands, Kaltex, PVH, Levis, Walmart … quan tâm và có các cuộc tiếp xúc trực tiếp với đoàn công tác của Vinatex.

Tại các cuộc gặp, lãnh đạo Vinatex đã chia sẻ với đối tác về khả năng “vượt khó” của ngành dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam suốt 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch vừa qua. Đặc biệt, năm 2021 Vinatex đạt kết quả tốt nhất trong suốt 26 năm thành lập, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chiến lược của Vinatex cho giai đoạn phục hồi hậu Covid 2022-2025 và quy hoạch đến năm 2030 trở thành “một điểm đến cung ứng trọn gói các sản phẩm dệt may cho khách hàng trong chuỗi dệt may toàn cầu” đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững, trong đó tập trung vào các sản phẩm dệt kim, tăng gấp đôi năng lực sản xuất vải dệt kim từ 25.000 tấn/năm hiện nay lên 50.000 tấn/năm vào năm 2025 và tiếp tục gấp đôi năng lực sau mỗi 5 năm. Đủ khả năng cung cấp 250 triệu sản phẩm may mặc dệt kim/năm có sử dụng hoàn toàn nguyên liệu từ sợi trở đi trong nội bộ hệ thống của Tập đoàn.

Cam kết đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, nhà máy xanh

Trong các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh các cam kết của Vinatex về phát triển bền vững với mục tiêu năm 2030 giảm phát thải 30% so với hiện nay, hướng tới không phát thải carbon vào năm 2050, theo đúng mục tiêu Chính phủ Việt Nam đã cam kết trong COP26 và đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm xanh, tuần hoàn của người mua hàng và của các thị trường nhập khẩu chính.

Nhiều đối tác dành sự quan tâm đặc biệt đến những thông tin về thị trường mảng dệt kim và vải chống cháy mới của Vinatex-Kova, ưu tiên đến tính năng vượt trội về tính thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của sản phẩm. Một số DN tại Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục làm việc cùng nhóm thị trường của Vinatex để tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển thị trường mảng sản phẩm này.

Dưới đây là hình ảnh các cuộc gặp gỡ của Vinatex với đối tác

  1. Thăm trụ sở chính, trung tâm thiết kế, phát triển sản phẩm và làm việc với lãnh đạo cấp cao của Centric Brands tại toà nhà Empire State Building – New York

Centric Brands là nhà thiết kế, phát triển, sourcing, tiếp thị và bán các sản phẩm may mặc, phụ kiện thời trang, đồ trang sức và túi xách trọn gói cho các thương hiệu lớn của Mỹ như Calvin Klein®, Tommy Hilfiger®, Nautica®, Spyder®, Under Armour®, Joe’s Jeans®, Kate Spade®, Michael Kors®, All Saints®, Frye®, Timberland®, Jessica Simpson® … Doanh thu của Centric Brands năm 2021 đạt gần 3 tỷ USD.

Centric Brands mong muốn cùng Vinatex xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài trong chiến lược đa dạng hoá nhà cung cấp trong 3-5 năm tới

  1. Tiếp Tập đoàn bán lẻ Walmart

Walmart mong muốn Vinatex trở thành nhà cung cấp trực tiếp hàng dệt may cho hệ thống các siêu thị của Walmart

Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường gặp gỡ, trao đổi với Tập đoàn bán lẻ Walmart

  1. Thăm trụ sở chính và làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Kaltex tại toà nhà Empire State Building – New York

Kaltex là Tập đoàn lớn của Mexico có văn phòng tại Mỹ chuyên về sản xuất hàng dệt may và dệt may gia dụng. Grupo Kaltex® hiện sở hữu nhà máy sản xuất sợi chủ yếu là sợi acrylic, vải dệt thoi (denim) tại Mexico, sản xuất quần áo và các sản phẩm dệt gia dụng, với hơn 18.000 nhân viên ở Bắc, Trung và Nam Mỹ, đồng thời xuất khẩu sản phẩm của mình ra khắp thế giới.

Kaltex sẽ tiếp tục làm việc cùng nhóm thị trường của Vinatex để tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển thị trường mảng dệt kim và vải chống cháy tại Mỹ

Bài: Vương Đức Anh


Các tin khác