Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam


Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Nam Định (21/5/1963-21/5/2023), chiều 19/5, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn công tác về thăm và làm việc tại tỉnh Nam Định. Trong chương trình công tác, Chủ tịch nước đã tới thăm Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam tại TP. Nam Định.

Cùng tới thăm Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Nam Định có đồng chí Phạm Gia Túc – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành của tỉnh Nam Định.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam,Tập đoàn Dệt May Việt Nam đón Chủ tịch nước và đoàn công tác

Đón tiếp Chủ tịch nước và đoàn công tác có đ/c Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas); Đ/c Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex); Đ/c Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex; Đ/c Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex cùng lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn, lãnh đạo Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco), Công ty CP Phát triển Đô thị Dệt May Nam Định (VNDC).

 

Chủ tịch nước và đoàn công tác thăm căn phòng Bác từng nghỉ trong 2 lần về thăm Nhà máy Dệt Nam Định và dâng hương tưởng niệm Bác

Tại Nhà truyền thống, Chủ tịch nước đã thắp hương tưởng niệm Bác tại chính căn phòng Bác Hồ từng nghỉ 2 lần trong 3 lần về thăm Nhà máy Dệt Nam Định (năm 1957 và 1963). Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng về Bác, được Nhà truyền thống ngành Dệt May bảo quản, giữ gìn với tất cả tấm lòng thành kính tưởng nhớ Người.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường giới thiệu về những tư liệu, hiện vật quý của ngành Dệt May Việt Nam gắn với những lần Bác Hồ về thăm và 2 cuộc kháng chiến của đất nước

Sau khi dâng hương Bác, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường đã giới thiệu đến Chủ tịch nước và đoàn đại biểu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý báu phản ánh sâu sắc tinh thần “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt” của giai cấp công nhân ngành Dệt May trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong 4 Anh hùng Lao động được đứng bên lĩnh cữu của Bác, ngành Dệt May Việt Nam vinh dự có Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc – kiện tướng đứng máy sợi của Nhà máy Dệt Nam Định.

Chủ tịch nước đã đi tham quan các khu trưng bày tư liệu quý về Bác trong 3 lần về thăm Nhà máy Dệt Nam Định – nhà máy Dệt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Chủ tịch nước xúc động xem lại những bức ảnh tư liệu về cán bộ, công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đón Bác về thăm nhà máy vào ngày 24/4/1957; Huy hiệu của Hồ Chủ tịch tặng công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định; Bác Hồ thăm phân xưởng Dệt năm 1957; những văn bản ghi lại lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh nói chung, công nhân ngành Dệt may Nam Định nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Chủ tịch nước xem phim tư liệu về những lần Bác Hồ tới thăm công nhân lao động ngành Dệt May Việt Nam 

60 năm kể từ lần cuối Bác Hồ về thăm Nam Định (21/5/1963 – 21/5/2023), căn phòng cũng như các hiện vật, tài liệu Bác Hồ về thăm Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định luôn được CBNV – NLĐ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng và ngành Dệt May Việt Nam gìn giữ, bảo quản để ghi nhớ và nhắc nhở các thế hệ mai sau về tình cảm quý báu của Bác dành cho ngành Dệt May Việt Nam, từ đó tiếp nối truyền thống hào hùng, vẻ vang của các thế hệ đi trước.

Chủ tịch nước viết lưu bút trong sổ truyền thống ngành Dệt May Việt Nam

Viết lưu bút trong sổ truyền thống của ngành Dệt May Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Những hình ảnh, tư liệu, kỷ vật thiêng liêng gắn với những lần Bác Hồ về thăm nhà máy Dệt Nam Định và của ngành Dệt May Việt Nam hơn 100 năm qua là minh chứng sống động về truyền thống vẻ vang của Ngành; là động lực để cán bộ, công nhân ngành Dệt May vượt qua khó khăn thách thức tiếp tục khẳng định vị thế của Ngành trong thời kỳ mới”.

“Tôi mong rằng, ngành Dệt May Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, thống nhất, tích cực đổi mới, sáng tạo, xây dựng ngành Dệt May trở thành ngành kinh tế mạnh, với văn hóa doanh nghiệp cao đẹp, có bản sắc riêng, đời sống người lao động không ngừng nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh”- Chủ tịch nước căn dặn.

Chủ tịch nước và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam

Cũng trong dịp này, Chủ tịch nước và đoàn công tác đã chụp ảnh lưu niệm tại Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam, chụp ảnh lưu niệm cùng CBNV – NLĐ tiêu biểu của Vinatex, Natexco và VNDC.

Bài: Quang Nam – Ảnh: Quang Nam/Xuân Quý


Các tin khác