Chủ tịch nước dự lễ phát động thi đua năm 2022 tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam


Sáng 8/1, tại trụ sở Tổng Công ty May 10 – CTCP, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động thi đua lao động sản xuất năm 2022 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).

Một số tiết mục văn nghệ chào mừng

Cùng dự có đ/c Nguyễn Hoàng Anh – UV TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; đ/c Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; đ/c Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công thương; các đ/c Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành đoàn thể Trung ương và TP. Hà Nội.

Về phía Hiệp hội Dệt May Việt Nam có đ/c Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội; Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam có đ/c Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; đ/c Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex, cùng các đ/c trong HĐQT, cơ quan điều hành, lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn.

Về phía Công đoàn Dệt May Việt Nam có đ/c Lê Nho Thướng – UV BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam. Lễ phát động còn có sự tham gia của Lãnh đạo Tổng Công ty May 10, cùng lãnh đạo và hơn 400 người lao động tiêu biểu đại diện cho 150 nghìn lao động của các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex.

Nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu “kép”

Báo cáo tại chương trình, đ/c Lê Tiến Trường– Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex đã nêu bật tình hình của ngành Dệt May – Da giày trong năm 2021, cũng như kết quả SXKD và nhiệm vụ năm 2022 của Vinatex. Theo đó, dù trải qua vô vàn khó khăn bởi dịch bệnh, hơn 3 tháng bị ngưng sản xuất tại 19 tỉnh thành phía Nam, có những thời điểm hơn 60.000 lao động của Vinatex không thể tới nhà máy nhưng với những chỉ đạo quyết đoán, táo bạo và cùng sự chung sức và đồng lòng của cả hệ thống, Vinatex đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện mục tiêu kép trong năm 2021.

Đ/c Lê Tiến Trường– Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex báo cáo kết quả SXKD và nhiệm vụ năm 2022 của Vinatex

Năm 2021, ngành Dệt May – Da giày đạt kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 60 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch XK của cả nước, tạo việc làm cho 4.3 triệu lao động chiếm 30% lao động công nghiệp – xây dựng và 10% tổng lao động trong độ tuổi LĐ của cả nước. Trong đó ngành Dệt May đạt 39 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ, bằng với năm 2019 – thời điểm trước dịch.

Còn với Vinatex, kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhất kể từ khi hoạt động dưới hình thức là công ty cổ phần. Cụ thể, doanh thu và thu nhập hợp nhất đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.200 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2020, vượt kế hoạch 70%, cao hơn năm 2019 trước đại dịch gần 70%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng/tháng.

Không chỉ vượt các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận, Vinatex cũng đã vượt qua được những khó khăn, kịp thời đưa 2 nhà máy sợi với quy mô gần 6 vạn cọc sợi tại Vinatex Phú Hưng và Sợi Phú Bài đi vào hoạt động. Dây là 2 nhà máy hiện đại bậc nhất, tự động hóa cao, sử dụng năng lượng xanh thân thiện với môi trường.

Trong suốt 2 năm ứng phó với dịch bệnh, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học “thích ứng linh hoạt” để đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đó không chỉ là sự đồng lòng, nhất quán của tập thể, sự sáng tạo, linh hoạt trong sản xuất, mà vươn xa hơn chính là “sức mạnh từ niềm tin”. “Nhìn lại những biến động trong đại dịch vừa qua, có thể nói một trong những “sức mạnh” giúp chúng ta vượt qua khó khăn, có được dấu ấn mạnh mẽ về kết quả sản xuất kinh doanh chính là niềm tin của toàn tổ chức; niềm tin lẫn nhau của người lao động và nhà quản lý; niềm tin của khách hàng, của nhà cung cấp, niềm tin của Đảng và Nhà nước với Tập đoàn”-  Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Phát động phong trào thi đua của Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam, đ/c Lê Nho Thướng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn DMVN nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022, nhằm đạt được mục tiêu “Trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang” và “Lấy người lao động làm trọng tâm phát triển”. Theo đó, năm 2022 Tập đoàn và Công đoàn sẽ triển khai một số nhiệm vụ quan trọng như: (1) Duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là sức mạnh chuỗi cung ứng trọn gói trong Tập đoàn. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, chú trọng chất lượng tăng trưởng qua tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu; (2) 100% người lao động (NLĐ) có việc làm. Thu nhập bình quân 8,35 triệu đồng/người/tháng; (3) Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không để xảy cháy nổ, tai nạn lao động gây thiệt hại về người và tài sản; (4) Giữ vững quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ; không để xảy ra đình công, lãn công hoặc các vụ việc phức tạp nổi cộm.; (5) Các đơn vị hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, Tập đoàn và Công đoàn theo luật định.

Bên cạnh đó, Tập đoàn – Công đoàn DMVN cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động, phong trào, chương trình thiết thực, xây dựng hệ thống giải thưởng mới cho các đơn vị trong toàn hệ thống như: Hội thi Thợ giỏi cấp ngành lần thứ VI; Ngày hội Lao động sáng tạo cấp ngành lần thứ III; Chăm lo tết cho NLĐ; Xây dựng Quỹ “Xã hội từ thiện” của Tập đoàn và Công đoàn để chăm lo cho NLĐ…

Hưởng ứng lời phát động của Tập đoàn – Công đoàn DMVN, đ/c Thân Đức Việt – Bí thư Đảng ủy, TGĐ Tổng Công ty May 10, đại diện cho gần 50 đơn vị trong hệ thống của Vinatex cho biết: Tổng công ty May 10 sẽ hưởng ứng những nội dung phát động thi đua của Tập đoàn – Công đoàn DMVN và cam kết thực hiện các nội dung Tập đoàn – Công đoàn phát động. Trong đó, chú trọng một số nhiệm vụ quan trọng như: chuyển đổi số các hoạt động cốt lõi, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường phúc lợi tập thể, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa gắn bó, đồng hành, chia sẻ; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức, phấn đấu có nhiều cá nhân đạt thành tích cao nhất trong Hội thi thợ giỏi ngành Dệt May lần thứ VI.

Năm 2022, Tổng Công ty May 10 đặt ra các mục tiêu về sản xuất kinh doanh: doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 8,6%; Lợi nhuận 120 tỷ đồng, tăng 31,9%; Lao động bình quân 7.500 người, tăng 5,6%; Thu nhập bình quân 8.500.000 đồng/người/tháng, tăng 2%…

Thay mặt cho hơn 150 nghìn lao động của Vinatex, đ/c Nguyễn Vinh Quang- Nhân viên kế hoạch Phòng Thị trường 1, Phó Bí thư Đoàn thanh niên – Tổng Công ty May 10 đã bày tỏ sự thống nhất và tinh thần quyết tâm, nhiệt liệt hưởng ứng phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch năm 2022 do Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động. Trong các nhiệm vụ chính, với vai trò là đoàn viên – thanh niên, đại diện cho sức trẻ của toàn hệ thống, Phó Bí thư Đoàn TCT May 10 cho biết, sẽ hưởng ứng các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tiết giảm chi phí, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm và bản lĩnh trước những khó khăn thách thức; chủ động nâng cao năng suất lao động, chất lượng công việc, góp phần đưa doanh nghiệp và Tập đoàn đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Đặc biệt, là không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0…

Giữ được danh xưng Việt Nam “vương quốc” dệt may của thế giới

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Lễ phát động thi đua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại đúng ngày này 63 năm trước, Bác Hồ thăm Công ty May 10, đại diện ngành dệt may Việt Nam và căn dặn nhiều điều quan trọng về phát triển và quản lý đối với ngành giải quyết nhiều lao động của cả nước. Chủ tịch nước đánh giá, ngành Dệt May và Da giày năm qua là điểm sáng nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch, sáng tạo, linh hoạt thực hiện tốt mục tiêu kép. Đồng thời có những đóng góp lớn đối với an sinh xã hội khi tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động và quỹ vaccine của Chính phủ. Không chỉ có an sinh xã hội, Chủ tịch nước cũng bày tỏ ấn tượng với sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành, từ chỗ là một trong những nước gia công hàng may mặc, đến nay Việt Nam đã có 52% các sản phẩm do các doanh nghiệp trong ngành tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của ngành Dệt May – Da giày trong năm 2021

“Tôi đặc biệt ấn tượng về việc các đồng chí đã thiết kế và sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam), chiếm khoảng 52% các sản phẩm. Riêng May 10 đã được 100% mẫu mã là của Việt Nam. Chúng ta đã chuyển một trạng thái gia công là chính sang hơn 52% và dù đây chưa phải là con số tuyệt đối, nhưng đó là một sự tiến bộ rất đáng mừng. Tất cả những cố gắng như vậy có thể nói các đồng chí tích cực khẳng định lại Việt Nam là một vương quốc của ngành Dệt May – Da giày, túi sách, đặc biệt là ngành Dệt May”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đặt ra một số nhiệm vụ cho ngành Dệt May – Da giày trong năm 2022, Chủ tịch nước lưu ý các DN cần xây dựng bộ quy chuẩn phòng, chống dịch bệnh, các giải pháp thích ứng, đối phó khi xảy ra những tình huống của dịch bệnh. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng, đó chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công nhân lao động. Bên cạnh đó, các DN cần tiếp tục đổi mới sáng tạo trong mô hình quản lý, tập trung chuyển đổi số cho mô hình quản trị, hình thành hệ thống quản trị đơn giản có hiệu quả cao. Đặc biệt, tiếp tục củng cố mô hình tổ chức Đảng, Công đoàn, cũng như quan tâm hơn nữa tới người lao động là nữ giới – trong bối cảnh 2 ngành có phần đông lao động là nữ, để giúp chị em ngoài thời gian với công việc có thêm thời gian chăm sóc gia đình… Dịp Tết Nguyên đán sắp đến, các doanh nghiệp cần quan tâm lo Tết cho công nhân, để mọi nhà, mọi người đều có tết vui vẻ, đầm ấm, tiết kiệm và an toàn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng quà và viết lưu bút dành tặng Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Là một trong những điển hình tiên tiến hoàn thành xuất sắc mục tiêu kép, Vinatex với vai trò là đầu tàu, hạt nhân của ngành Dệt May – một trong những ngành thâm dụng lao động và đóng góp vào top đầu của xuất khẩu nước nhà, Chủ tịch nước ghi nhận những nỗ lực của tập thể và hệ thống các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn.

Chủ tịch nước tin tưởng, năm Nhâm Dần với mãnh lực vươn lên của con hổ, Tập đoàn Dệt may và hai ngành dệt may, da giày sẽ đạt kết quả vượt mong đợi, giữ được danh xưng Việt Nam “vương quốc” dệt may của thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng quà cho các Tập thể, cá nhân tiêu biểu trong hệ thống Vinatex

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã dành những phần quà cho 10 doanh nghiệp tiêu biểu trong hệ thống của Vinatex và 40 công nhân – người lao động tiêu biểu của các đơn vị trong Tập đoàn.

Chủ tịch nước cùng Lãnh đạo Tập đoàn, Công đoàn, Hiệp hội, TCT May 10 thăm quan nhà truyền thống…

 

…và nhà máy, trao tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Tại buổi Lễ phát động, Chủ tịch nước cũng đã ghé thăm và viết lưu bút tại Nhà truyền thống của Tổng Công ty May 10, trao tặng 20 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Xí nghiệp Sơ mi và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Tổng Công ty.

Chủ tịch nước trồng cây lưu niệm và chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Tập đoàn – Công đoàn và các đơn vị thành viên của Vinatex

Nhóm PV


Các tin khác