Chủ tịch HĐQT Vinatex tham dự hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TTXVN)
Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa Trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trong nước và 94 Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có ý kiến phát biểu. BBT Cổng thông tin điện tử Vinatex trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung bài phát biểu:
Trước hết, thay mặt cho ngành dệt may và Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí đại sứ, Trưởng đại diện Cơ quan ngoại giao ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản trong suốt nhiều năm qua đã hỗ trợ cho ngành dệt may có vị thế như ngày hôm nay.
Trong hơn hai chục năm phát triển, đến nay chúng tôi đã có thị phần đứng thứ nhì cả ở Nhật Bản, Mỹ, đóng góp 20 tỷ USD xuất khẩu vào Mỹ và gần 5 tỷ USD vào Nhật Bản, chiếm tới gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đi Mỹ cũng như đi Nhật Bản. Đây là cả một quá trình, từ những ngày sơ khởi các cơ quan ngoại giao đã hỗ trợ rất lớn để Vinatex có thành quả như ngày hôm nay.
Đến thời điểm này, chúng tôi tự ý thức rằng quy mô ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu đứng trong top 3 thế giới. Doanh nghiệp cần phát huy thế mạnh, năng lực và xây dựng thương hiệu từ hiểu biết thị trường, nắm thông tin thị trường, nhu cầu khách hàng chứ không thể tiếp tục câu chuyện phải nhờ cậy các cơ quan ngoại giao các nơi.
Hiện tại với 15 FTAs Việt Nam đã ký kết, trong đó có các FTAs quan trọng ảnh hưởng lớn như CPTPP, EVFTA, RCEP, các chính sách thuế quan đã có lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp biết. Tuy nhiên, hiện nay các yêu cầu phi thuế quan mới theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm phát thải cacbon đang được cập nhật liên tục, quá trình vận động xây dựng chính sách ở các nước diễn ra sôi động mà doanh nghiệp rất khó tiếp cận thông tin, vì vậy tôi xin có hai kiến nghị:
Thứ nhất là, đối với cơ quan ngoại giao, hỗ trợ cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin về vận động xây dựng chính sách của các nước trong rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước họ.
Doanh nghiệp không có điều kiện tiếp cận quá trình mà các nước họ chuẩn bị xây dựng các luật lệ mới, các chính sách mới, rồi vận động hành lang chính sách. Ví dụ tháng 6/2022, nước Đức đưa ra luật mới về quản lý chuỗi cung ứng, ngày 01/01/2023 có hiệu lực. Trong đó, tuy luật chỉ giám sát công ty Đức, công ty có quy mô hơn 3000 lao động trở lên về các vấn đề về môi trường, sản xuất xanh nhưng vì luật giám sát cả chuỗi cung ứng nên doanh nghiệp Việt Nam làm hàng hóa xuất khẩu cũng chịu sự giám sát gián tiếp của Luật này trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, thực tế quá trình chuẩn bị của các nước để họ đưa ra những tiêu chuẩn này ra sao thì doanh nghiệp Việt Nam không có kênh nào tiếp cận, nắm bắt. Trong khi đây lại là vấn đề tác động mạnh mẽ đến tính chất của sản phẩm; yêu cầu mới về xanh, sạch, tỷ lệ tái chế, tuần hoàn là vấn đề doanh nghiệp không thể nào giải quyết, chuẩn bị được trong thời gian ngắn.
Chúng tôi xin đề nghị các cơ quan ngoại giao theo dõi quá trình xây dựng luật pháp của các quốc gia liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của quốc gia họ. Quá trình chuẩn bị này cần được cập nhật tới các doanh nghiệp ở trong nước, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có ảnh hưởng đến lực lượng lao động lớn như ngành dệt may… Theo đó, doanh nghiệp có sự chuẩn bị, để có thể dịch chuyển phù hợp khi rào cản thuế quan sẽ diễn ra cả về công nghệ, cả về môi trường sản xuất xanh.
Cộng đồng châu Âu có cả quy định sinh thái mới rất lớn, ban hành từ năm 2020, dần dần áp dụng vào và có những điều khoản ảnh hưởng ngay đến hàng hóa dệt may. Nếu áp dụng triệt để thì khá “thách thức” với sản xuất dệt may thông thường.
Thứ hai là, liên quan đến nguồn tài chính của các nước phát triển để có thể hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam chuyển đổi mô hình sản xuất sang hướng xanh, kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn này ở trong nước đang rất hạn chế, room tín dụng hạn chế. Khi thực hiện sản xuất theo kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh thì doanh nghiệp phải đầu tư lớn, chi phí sản xuất cao. Tiết kiệm ở đây là cho xã hội từ tiết kiệm xử lý rác thải đến giảm thiểu xử lý ô nhiễm môi trường còn người sản xuất sẽ phải chịu chi phí cao lên. Nếu không có nguồn tài chính hỗ trợ để dịch chuyển, doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn.
Thứ ba là về thị trường, hiện nay chúng tôi chưa tiếp cận được ở Trung Đông, Châu Phi. Tuy không phải là thị trường tiềm năng nhưng cũng là cơ hội đa dạng hóa thị trường, do trong lâu dài, thị trường tiếp cận được đã đạt ở ngưỡng đỉnh điểm. Hiện, chúng tôi đang có nhiều thế mạnh và hiểu về thị trường Nhật, EU, Mỹ với kim ngạch xuất khẩu lên đến 44- 45 tỷ USD trong năm 2022 dư địa phát triển thị phần sẽ ngày càng khó hơn.
BBT