Chỉ số đánh giá phát triển bền vững: 3 trụ cột tiến tới kinh tế tuần hoàn
Châu Âu đã đề xuất Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn; Mỹ đã thông qua Dự luật giảm lạm phát liên quan đến khí hậu, thuế và chăm sóc sức khoẻ; Đức đã ban hành Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng… Điều này cho thấy, Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã trở thành mô hình kinh tế của tương lai, một xu thế tất yếu trong tương lai gần.
Nguyên tắc xây dựng bộ chỉ số
Dệt may luôn được coi là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm và sử dụng nhiều tài nguyên nhất. Khâu trồng bông và sản xuất dệt nhuộm tiêu tốn một lượng lớn nước sạch, khoảng 93 tỷ mét khối/ năm và chiếm 4% lượng khai thác nước ngọt trên toàn thế giới; sản xuất dệt may cũng sử dụng nhiều năng lượng không tái tạo để vận hành các thiết bị, lò hơi..; bên cạnh đó, dệt may cũng là ngành sử dụng nhiều hoá chất trên toàn chuỗi sản xuất của mình, 20% ô nhiễm nước công nghiệp toàn cầu là phát sinh từ các hoạt động xử lý hàng dệt nhuộm. Sản xuất hàng dệt may cũng tiêu tốn năng lượng để vận hành nhiều loại thiết bị, tạo ra hơi và nhiệt cho các quy trình xử lý. Ngành Dệt May đã phát thải 3,3Gt khí CO2 quy đổi và chiếm 6,7% tổng phát thải này của toàn cầu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới trong một báo cáo gần đây thì ngành Dệt May là một trong những ngành có cơ hội sớm cải thiện được dấu chân các-bon và môi trường. Người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ hoặc EU ngày càng ưa chuộng sản phẩm xanh, đòi hỏi các quy trình sản xuất phải sạch hơn và hàng hoá thân thiện với môi trường hơn. Chính vì vậy, dệt may là một trong những ngành sản xuất công nghiệp được các quốc gia đưa vào đối tượng điều chỉnh đầu tiên đối với xu thế KTTH.
Đứng trước bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp hết sức lo lắng, lúng túng trong việc đánh giá hiện trạng cũng như khả năng đáp ứng của doanh nghiệp mình trong việc tiến tới KTTH, cũng như khó khăn trong việc xác định con đường phải đi nếu không muốn bị đào thải trong chuỗi cung ứng toàn cầu theo xu hướng KTTH.
Gần đây, một nhóm tác giả từ Đại học Sao Paulo Brazil đã có nghiên cứu đáng chú ý mang tên “Các chỉ số kinh tế tuần hoàn có cân nhắc đến tính bền vững và các mô hình kinh doanh”, tập trung giải quyết các vấn đề nêu trên. Đây là một nghiên cứu khám phá, dựa trên phương pháp tiếp cận giả thuyết – suy luận, với phương pháp nghiên cứu kết hợp cả lý thuyết và thực nghiệm.
Nhóm nghiên cứu đã xác định yêu cầu quan trọng đối với bộ chỉ số là phải đảm bảo các nguyên tắc chính của KTTH, đáp ứng các đặc điểm và nhu cầu cụ thể của từng mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH), đồng thời phải có khả năng áp dụng dễ dàng. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng các ma trận để đánh giá mức độ liên kết đa chiều mạnh hay yếu giữa các yếu tố, bao gồm:
– Ba nhóm chỉ số theo ba trụ cột: Môi trường (trên khía cạnh vật chất), Kinh tế và Xã hội;
– Sáu nguyên tắc KTTH theo tiêu chuẩn BS 8001:2007;
– Sáu mô hình kinh doanh KDTH theo tiêu chuẩn BS 8001:2007.
Trên cơ sở phân tích trên, 18 chỉ số đã được lựa chọn để nghiên cứu. Các chỉ số được nhóm lại theo trụ cột Môi trường, Kinh tế và Xã hội. Thêm vào đó, một vài chỉ số cũng được thiết lập thêm chỉ số phụ để làm rõ khả năng ứng dụng của chúng. Cụ thể như sau:
Trụ cột Môi trường tập trung vào các chỉ số:
- Giảm sử dụng nguyên vật liệu: chỉ số này được xác định bằng cách đo lường lượng nguyên vật liệu, hóa chất, tài nguyên… đã được giảm sử dụng trong suốt quá trình sản xuất cũng như trên một đầu sản phẩm như: giảm nguyên liệu, nước, năng lượng; giảm lượng CO2,…
- Khả năng tái tạo: xác định bằng tỷ lệ phần trăm của các nguồn năng lượng tái tạo so với tổng năng lượng được sử dụng trong quá trình sản xuất và/hoặc trong một sản phẩm.
- Khả năng tái chế: là tỷ lệ phần trăm vật liệu tái chế có trong thành phần của sản phẩm và tỷ lệ phần trăm sản phẩm có thể được tái chế sau khi sử dụng.
- Giảm sử dụng các chất độc hại: định lượng việc giảm sử dụng các chất độc hại theo danh mục RoHS (Restriction of Certain Hazardous Substances – các chất độc hại cần hạn chế).
- Tái sử dụng: xác định lượng nguyên liệu được tái sử dụng trong toàn chuỗi cung ứng cũng như trên một sản phẩm.
- Tái sản xuất: định lượng sản phẩm được tái sản xuất.
- Tân trang: định lượng số lượng các chi tiết (hoặc các thành phần) của sản phẩm có thể được phục chế lại mà không nhất thiết phải trải qua tất cả các giai đoạn tái sản xuất.
- Tuổi thọ của sản phẩm: xác định khả năng kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Số liệu này có thể thu được từ thông tin người tiêu dùng hoặc từ chính hệ thống thông tin của công ty như: tuổi thọ trung bình, thời hạn cần bổ sung, thay thế hoặc mua mới sản phẩm.
- Cấu trúc và sự đa dạng của các bên có liên quan trong chuỗi sản xuất của công ty: đây là một chỉ số định tính. Chỉ số này được xác định bằng các thông tin như cấu trúc của công ty, các hoạt động kinh doanh hợp tác hay cộng sinh giữa công ty với những công ty khác có liên quan trong chuỗi cung ứng, vị thế của các bên liên quan trong chuỗi giá trị tuần hoàn.
Trụ cột Tài chính tập trung vào các nội dung sau:
- Kết quả tài chính:
- Giảm chi phí: Giá trị (được tính thành tiền) mà mô hình KDTH thu được nhờ giảm các chi phí liên quan đến nguyên liệu, năng lượng…
- Khả năng tạo doanh thu: Chỉ tiêu này có thể được đo lường bằng (i) Lợi thế cạnh tranh: thị phần của mô hình KDTH so với các đối thủ cạnh tranh (ii) Rủi ro: vạch ra những rủi ro liên quan đến các mô hình KDTH (iii) Doanh thu mới: các khoản thu mới từ mô hình KDTH.
- Khả năng sinh lời: Lợi nhuận ròng của tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)
- Các mức thuế và quy định: là chỉ số định tính, nhằm mục đích xác định các mốc thuế hoặc quy định hỗ trợ cho mô hình KDTH.
- Đầu tư tuần hoàn: định lượng các khoản đầu tư cho hoạt động đổi mới mô hình kinh doanh, bao gồm cả chi phí quản lý và vận hành, bảo trì…
Trụ cột Xã hội bao gồm các chỉ tiêu:
- Khả năng tạo việc làm: số lượng việc làm mới phát sinh từ mô hình KDTH
- Thu nhập do việc làm mới tạo ra: Giá trị thu nhập (tính bằng tiền) do công việc mới tạo ra từ mô hình KDTH.
- Nhân lực tham gia trong mô hình tuần hoàn: tỷ lệ vị trí công việc trong công ty có liên quan đến KDTH.
- Tư duy của khách hàng: bao gồm các chỉ số định tính, xác định các đặc điểm của tập khách hàng, các lợi ích được tạo ra cho khách hàng, cung cấp các thông tin giúp khách hàng đưa ra quyết định mua hàng…
- Sự tham dự của các bên trong quá trình ra quyết định: mô tả một cách định tính các bên liên quan tham gia vào mô hình kinh doanh chung và những người tham gia hiệu quả vào việc ra quyết định của tổ chức.
- Thay đổi về tư duy/ Văn hoá: mô tả quá trình thay đổi văn hóa và tư duy do việc thực hiện mô hình KDTH trong công ty.
Cơ hội bền vững từ áp dụng chỉ số dễ hiểu, dễ sử dụng
Bộ chỉ số này đã được áp dụng tại ba doanh nghiệp Brazil trong đó có Malwee – một Tập đoàn sản xuất dệt may lớn, giúp phát hiện những đổi mới mà doanh nghiệp có được nhờ áp dụng KTTH, điều mà các chỉ số thông thường không đo lường được. Đồng thời, việc áp dụng các chỉ số này cũng giúp các công ty chủ động trong việc xây dựng mô hình KDTH, xác lập chiến lược, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng… Trong trường hợp cụ thể của Công ty Malwee, các kết quả phản hồi cho thấy Malwee có các hoạt động mang tính tuần hoàn như: sử dụng chất thải bông làm nguyên liệu thô cho một công đoạn sản xuất khác, mang tính chất đầu vào tuần hoàn cho sản xuất; chất thải tạo ra được tái chế và họ đang phát triển các dự án để khép kín chu trình; tăng tuổi thọ cho thiết bị thông qua quá trình tái sản xuất… Như vậy, mô hình tuần hoàn của Malwee được xếp vào nhóm phục hồi và kéo dài vòng đời sản phẩm, đồng thời nhóm cũng đưa ra những kết quả để công ty tham khảo trong việc áp dụng các chỉ số KTTH.
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2017 của trường Quản lý MIT Sloan với 60.000 doanh nghiệp trên toàn cầu, kết quả cho thấy 90% giám đốc điều hành coi trọng tính bền vững, trong đó 60% đã xây dựng chiến lược bền vững và 50% các tổ chức đã thay đổi mô hình kinh doanh của họ để đáp ứng các cơ hội bền vững. Như vậy, các doanh nghiệp đã và đang nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc thực hiện các mô hình KDTH . Việc áp dụng các chỉ số đề xuất trong nghiên cứu sẽ giúp cải thiện hiệu quả của công ty theo các nguyên tắc của KTTH và tính bền vững. Các chỉ số này cũng có thể sử dụng để phân tích và đánh giá hiệu quả mô hình KDTH hiện tại của doanh nghiệp, đánh giá các mục tiêu KTTH đã đạt được và cải thiện lợi nhuận cho tất cả các bên liên quan tham dự vào chuỗi cung ứng.
Các chỉ số hoàn toàn mới được trình bày trong nghiên cứu này có những ưu điểm vượt trội so với các chỉ số trong các tài liệu trước đây, đó là: có định dạng đơn giản và trực quan, dễ hiểu và dễ sử dụng; có thể áp dụng trong nhiều ngành nghề với các loại hình kinh doanh khác nhau; bao gồm tất cả các nguyên tắc KTTH nhưng lại không hạn chế phạm vi của KTTH như các chỉ số thông thường khác. Hy vọng, với những chỉ dấu này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ dần dần làm quen với các khái niệm của KTTH, đồng thời có những điều chỉnh phù hợp trong mô hình kinh doanh để từng bước tiếp cận với sản xuất tuần hoàn bền vững.
Bài: Đỗ Phương Nga