Cải thiện môi trường kinh doanh: Theo cấp số nhân mới thành công


Nếu công chức, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan vẫn trì trệ, thụ động, thiếu đổi mới, sáng tạo; nếu số cải cách, thay đổi hàng năm vẫn “đếm được trên đầu ngón tay”, nếu còn “tư duy cục bộ, lợi ích cá nhân”… thì cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ không đạt được mục tiêu ASEAN – 4.

Không có sự tích cực năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức với tinh thần của Chính phủ liêm chính,
kiến tạo, hành động và phục vụ người dân và DN thì môi trường
kinh doanh 
của Việt Nam khó có thể đạt mục tiêu. Ảnh: TN

Mới là phép cộng giản đơn

4 năm, Chính phủ liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đánh giá cao, đem lại kết quả đáng ghi nhận.

Thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam đã tăng 9 bậc, từ vị trí 91 năm 2016 lên vị trí 82 năm 2017 – vị trí cao nhất mà Việt Nam đạt được trong 10 năm trở lại đây.

“Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện còn rất chậm, kết quả đạt được hàng năm chỉ là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay. Một rào cản đối với DN được xóa bỏ, một thay đổi tạo thêm thuận lợi cho DN là kết quả của nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi trong nhiều năm của nhiều bên, nhất là của cộng đồng DN”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận định.

Tham vọng trở thành một trong các nước ASEAN – 4 là một kỳ công lớn

“Việt Nam là một nước cạnh tranh và thực sự sẵn sàng hành động nhằm hướng đến hội nhập vào thị trường toàn cầu. Sự phát triển hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là thành quả của sựhoạtđộng này, dù vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Tham vọng trở thành một trong các nước ASEAN – 4 là một kỳ công lớn.

Theo chỉ số hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Malaysia, dẫn trước cả Switzerland, Netherlands và ngay cả Pháp, thực sự là mộtchiềuhướng nhất định cho thách thức này. Việt Nam đã tăng 9 bậc kể từ năm 2015 và hiện đang đứng ở vị trí 82 trong tổng số 190 quốc gia. Tuy nhiên, tiềm năng của Việt Nam cần được xem xét ở vị trí cao hơn và chúng tôi rất sẵn sàng chia sẻ tham vọng này cùng các cộng sự Việt Nam.

Hiệp định EVFTA sẽ làm thay đổi mãi mãi mối quan hệ kinh tế giữa Liên minhchâuÂu và Việt Nam. Và hiện nay, Việt Nam đang trong tư thế sẵn sàng, với Nghị quyết 19 và các thay đổi về chính sách khác. Việc nới lỏng giấy phép, thúc đẩy các quy trình, bảo hộ đầu tư và tinh giản các quy định về đối tác công tư, đều là những mục tiêu đầy tham vọng”.

(Ông Võ Quang Huệ, Phó Chủ tịch EuroCham)

Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ hạng 82. Để đạt mục tiêu ASEAN – 4, Việt Nam phải xếp thứ 43. Đây là khoảng cách rất lớn.

“Việt Nam mới đi được một nửa chặng đường đến ASEAN – 4 thôi”, ông Cung nói và cho biết thêm, có đến 31,3% nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 19 năm 2016 chưa thực hiện được.

Phí “đang có nhiều tiểu lộ”

Đáng lưu ý, còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù đã nêu liên tục trong các Nghị quyết 19 qua các năm vẫn chưa bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu.

“Điểm đanh” có thể nhắc đến: Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP (ngày 20/11/2013); Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, ngày 12/11/2013 quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; Thông tư số 19/2012/TT-BYT, ngày 9/11/2012 về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

“Chưa giảm được số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu từ khoảng 30 – 35% xuống còn 15% là món nợ lớn đối với DN”, người đứng đầu CIEM nhấn mạnh.

Cùng băn khoăn về chất lượng văn bản “rất có vấn đề”, nhất là các thông tư hướng dẫn, theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ngành Dệt May có lưu lượng xuất nhập khẩu rất lớn, hàng năm phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông, xuất nhập khẩu gần 1,7 triệu tấn xơ sợi, hàng trăm ngàn container hàng may mặc, nguyên phụ liệu… nhưng thủ tục hành chính, pháp lý vẫn gây nhiều khó khăn, tốn kém cho DN. Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan quy định các biểu mẫu rất phức tạp, nếu mã hàng nhiều màu, nhiều size thì số biểu mẫu có thể lên đến 500.

Ông Trường còn cảm thán về việc phí “đang có nhiều tiểu lộ”, thậm chí đến tận cấp xã cũng ban hành phí, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, DN “trở tay không kịp”. “DN hy vọng các nút thắt chính sách dần được gỡ bỏ, thay vì cởi nút này thì lại xuất hiện nút khác”, vị đại diện Hiệp hội Dệt may nhấn mạnh.

Còn “tư duy cục bộ”, cải cách sẽ “dậm chân tại chỗ”

Vì thế, nếu công chức, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan vẫn trì trệ, thụ động, thiếu đổi mới, sáng tạo; nếu số cải cách, thay đổi hàng năm vẫn “đếm được trên đầu ngón tay”; nếu còn “tư duy cục bộ, lợi ích cá nhân” thì Việt Nam sẽ không thể cán đích ASEAN – 4.

“Chỉ thực hiện theo cách truyền thống, chỉ có sự tích cực của các hiệp hội DN và cộng đồng DN, mà không có sự tích cực năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân và DN thì khó có thể đạt mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Vậy đâu là giải pháp căn cơ? Theo TS Nguyễn Đình Cung, “cần hành động trên nhiều tuyến, có phối hợp chặt chẽ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, “sự chủ động vào cuộc” của những người đứng đầu, yêu cầu trách nhiệm giải trình đối với họ… để có được kết quả theo cấp số nhân thì mới có hi vọng thành công”.

DN và hiệp hội DN cần chủ động kiên trì cung cấp chứng cứ, khó khăn, vướng mắc đến cơ quan có thẩm quyền. “Báo chí, truyền thông đóng vai trò hết sức tích cực trong việc làm sống động quá trình triển khai Nghị quyết 19, làm cho nó luôn nóng và thu hút sự quan tâm của xã hội, khích lệ thêm sự tham gia của cộng đồng DN”, Viện trưởng CIEM nói.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN, nhanh chóng loại bỏ rào cản.

“Rào cản lớn nhất là tư duy cục bộ, lợi ích cá nhân. Cơ quan nào cũng muốn ban hành chính sách ra, mình phải có quyền, song nếu nhìn rộng ra tại sao thế giới người ta làm đơn giản hơn mà hiệu quả hơn? Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, còn nếu né tránh sẽ không bao giờ sửa được. Cái này Chính phủ đặt ra rất cương quyết, phải xử lý nghiêm những nơi, những cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.

DN muốn có thông tin phải “đầu tư” quan hệ

Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 chỉ ra, những “xu hướng đáng lo ngại”. Đứng đầu là tính minh bạch. Chỉ tiêu tiếp cận của các văn bản quy phạm pháp luật hiện dừng ở mức 3,1 điểm, thấp hơn năm 2006 (3,15 điểm). Mối quan hệ cá nhân với công chứcNhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Chiphí không chính thức chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí diễn biến theo xu hướng tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008 – 2013. Trung bình có khoảng 66% DN tại tỉnh trung vị phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức, cao hơn 12 – 15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008 – 2013.

Kết quả điều tra cũng cho thấy sự sụt giảm ở lĩnh vực chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai và thiết chế pháp lý. Cho dù nhiều chương trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính được công bố và thực hiện trong những năm qua, song tỷ lệ DN đánh giá “thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn” vẫn tiếp tục tụt giảm, từ 62% (năm 2013) xuống 51% (năm 2015) và 49% (năm 2016). Các thủ tục hành chính trên suốt chặng đường hoạt động dường như chưa bao giờ thôi là “gánh nặng” đối với DN.

Theo Thanhtra.com.vn


Các tin khác