Cái giá phải trả cho môi trường từ việc nhuộm mầu


COVID- 19 khiến sức mua sắm đồ thời trang giảm hẳn. Người tiêu dùng còn chuyển xu hướng mua sắm các sản phẩm hợp thời trang với giá rẻ. Trong thời đại của mạng xã hội, sản phẩm may mặc từ các nhà bán lẻ hay hãng thời trang cũng nhanh chóng được quảng bá thông qua những người nổi tiếng để tạo ra xu hướng ăn mặc mới. Cứ mỗi mùa qua đi, vòng xoay thời trang lại ngắn lại.

Hình ảnh: Cùng với quá trình hoàn thiện, nhuộm là quá trình gây ô nhiễm và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất liên quan đến sản xuất hàng may mặc. Nguồn: Sưu tầm

Theo Quỹ Ellen Macarthur, các hãng thời trang giá rẻ thường đưa ra những khẩu hiệu kêu gọi phát triển bền vững, nhưng thực tế không thể chối cãi rằng mỗi năm ngành công nghiệp may mặc thời trang tiêu tốn khoảng 93 tỷ mét khối nước (tương đương 21 nghìn tỷ gallon nước).

Thực tế cho thấy, các nhà bán lẻ và hãng thời trang càng thúc ép các nước như Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam….đẩy nhanh sản xuất hàng may mặc cung cấp cho họ, thì khả năng duy trì tính bền vững càng trở nên khó khăn. Và các con sông ở các nước này – đặc biệt là ở Trung Quốc –  nhuốm một màu đen như mực do chứa chất thải hoá học từ nhuộm vải.

Ma Jun –  một trong những nhà môi trường hàng đầu của Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi biết rằng ngành công nghiệp thời trang cần phải có những mầu sắc tươi mới nổi bật cho mỗi mùa”.

Việc duy trì một nhà máy xử lý chất thải tiêu chuẩn toàn cầu rất tốn kém và các nhà sản xuất nguyên phụ liệu thời trang không được các hãng hỗ trợ chi phí.

Vì vậy, cách đơn giản và không tốn kém nhất là nhuộm vải một lần, sau đó nước thải chứa đầy hoá chất sẽ được thải ra sông hồ gần các nhà máy. Các hãng càng muốn các sản phẩm giá rẻ, kèm theo chính phủ thiếu giám sát, vấn đề này sẽ càng trở nên nghiêm trọng.

Chất thải ở trong nước tập trung dầy đến mức ánh sáng không thể xuyên qua bề mặt, làm giảm khả năng quang hợp của thực vật. Nồng độ oxy trong nước thấp hơn, giết chết các loài động thực vật biển.

Bà Sarah Obser –  Trưởng bộ phận Bền vững tại PFI Hong Kong, một công ty chuyên thực hiện các cuộc kiểm tra môi trường và nhà máy ở châu Á, cho biết khi đã có trong nước thải, hóa chất nhuộm rất khó loại bỏ.

Bà Sarah nói thêm: “Các vật liệu không bị biến chất nên vẫn tồn tại trong môi trường.

Trong số vô số loại thuốc nhuộm, thuốc nhuộm azo – thuốc nhuộm tổng hợp gốc nitơ – đã được ngành công nghiệp thời trang và các nhà môi trường chứng nhận kiểm duyệt. Chúng thường được sử dụng trong sản xuất hàng may mặc và tạo ra các màu đậm như đỏ tươi hoặc vàng.

Ô nhiễm nguồn nước do ngành công nghiệp hóa chất dệt may gây ra là một thách thức to lớn đối với các nước sản xuất hàng may mặc, trong đó lớn nhất là ở châu Á –nơi có nguồn lao động dồi dào giá rẻ.

Nhà môi trường Ma –  người sáng lập Viện Các vấn đề Môi trường và Công cộng (IPE) có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, “nhiều sông hồ ở Trung Quốc – nơi tiếp nhận chất thải từ các nhà sản xuất hàng may sẵn nhiều nhất thế giới – đã bị ô nhiễm đến mức nhiều sinh vật trong nước đã chết”.

Ông Ma cho biết thêm: “Một số hồ ở Trung Quốc bị ô nhiễm thuốc nhuộm này đến mức cho thấy các chỉ số ô nhiễm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của chúng tôi”.

Công nhân và những người dân sinh sống gần các nhà máy thường phải chịu đựng sự ô nhiễm.

Một người dân sống ở Savar, Bangladesh cho biết: “Nước ô nhiễm gây lở loét trên cơ thể, những người rửa tay hoặc mặt trong nước đã bị sốt và kích ứng da”.

Ở những quốc gia như Bangladesh – nơi có nhiều nhà máy xanh được chứng nhận LEED nhất thế giới, môi trường nơi đây cũng đang bị huỷ hoại. Các nhà lãnh đạo ngành dệt may địa phương kêu gọi các hãng thời trang cần đẩy mạnh và hỗ trợ chính quyền trong công tác duy trì sự bền vững.

Các quốc gia sản xuất hàng may mặc khác cũng đang từng bước thực hiện việc này. Ở Trung Quốc, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã, nhiều chính sách môi trường mới cứng rắn đã được ban hành trong vài năm gần đây. Năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã công bố một mức thuế bảo vệ môi trường mới nhằm cắt giảm lượng xả thải gây ô nhiễm.

Ông Ma cho biết vẫn còn vô số vấn đề tồn đọng, chẳng hạn như các nhà máy xử lý tập trung của Trung Quốc đôi khi không thể đối phó với lượng nước thải được tạo ra từ các khu công nghiệp mới xây dựng của nước này. Còn các nhà máy đã vận hành từ trước với quy trình xử lý tốn kém, thường xây dựng các đường ống xả bí mật hoặc xả nước thải vào ban đêm để tránh bị phát hiện.

Các chuyên gia tin rằng việc này nên xuất phát từ các hãng thời trang lớn. Các hãng  nên có cách xử lý  đến các nhà máy để khuyến khích họ xây dựng kế hoạch xử lý nước thải hoặc đầu tư công nghệ không hoá chất thông qua cam kết kí hợp đồng dài hạn với các nhà máy ngay cả chi phí bị tăng lên.

Tuy nhiên, việc loại bỏ các hóa chất độc hại của ngành công nghiệp thời trang có thể vẫn gặp phải khó khăn hơn khi chứng nghiện mua sắm quần áo của chúng ta vẫn còn gia tăng. Theo báo cáo của “Pulse of the Fashion” năm 2017, lượng tiêu thụ quần áo dự kiến ​​tăng 63%, lên 102 triệu tấn một năm vào năm 2030.

Người dịch: Lê Nguyên Hương

https://www.textiletoday.com.bd/environmental-cost-color/


Các tin khác