Bồi đắp văn hóa con người dệt may yêu nghề, mến nghiệp, hăng say lao động


Năm 2022 dù gặp rất nhiều khó khăn do biến động của nền kinh tế toàn cầu nhưng Công đoàn Dệt May Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, dồn toàn lực chăm lo, hỗ trợ người lao động với nhiều cách làm sáng tạo; nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đồng hành cùng doanh nghiệp chăm lo và khích lệ NLĐ yên tâm gắn bó với nghề. Trước thềm Xuân mới Quý Mão 2023, Đặc san Dệt May & Thời trang Việt Nam có buổi trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Đồng hành với doanh nghiệp, nâng chất lượng người lao động

*PV: Lời đầu tiên, Đặc san Dệt May & Thời trang Việt Nam xin được chúc mừng tân Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam (DMVN) Phạm Thị Thanh Tâm. Thưa bà, ngành dệt may Việt Nam đang ở trong thời điểm khó khăn, thị trường biến động, nhiều lao động phải nghỉ do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, xin bà chia sẻ cảm xúc của mình trên cương vị mới với nhiều trách nhiệm nặng nề nhằm giữ vững phong trào công nhân, đảm bảo quyền lợi cho người lao động?

Bà Phạm Thị Thanh Tâm: Xin cảm ơn lời chúc của Đặc san Dệt May & Thời trang Việt Nam. Nhận nhiệm vụ tân Chủ tịch Công đoàn DMVN trong thời điểm doanh nghiệp (DN) khó khăn, đơn hàng không đầy tải, đồng nghĩa với việc làm của NLĐ bị thiếu hụt, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, NLĐ mong ngóng tháng lương thứ 13, các khoản thưởng tết của DN và các chính sách chăm lo khác của tổ chức Công đoàn, bản thân tôi rất trăn trở trong việc cùng Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và CĐCS huy động mọi nguồn lực, dành sự quan tâm để đồng hành, chăm lo thiết thực với NLĐ, giúp DN giảm thiểu khó khăn và NLĐ ổn định việc làm, đời sống, yên tâm công tác, gắn bó với nghề, bảo toàn được đội ngũ. Đây cũng là thời điểm Công đoàn DMVN bước vào năm cuối của nhiệm kỳ, bởi vậy nhiệm vụ của tôi là phải tập hợp, đoàn kết, phát huy tốt anh chị em cán bộ công đoàn trong duy trì, đổi mới các hoạt động, nhằm hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ mà nhiệm kỳ 2018-2023 đã đặt ra.

*Nhìn lại một năm của ngành dệt may với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, bà đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của Công đoàn Dệt May Việt Nam năm 2022?

– Tôi cho rằng năm 2022, Công đoàn DMVN đã theo rất sát tình hình SXKD của hệ thống, các yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức để xây dựng và triển khai, điều chỉnh các hoạt động của Công đoàn cho phù hợp và đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác, được thể hiện trên 10 điểm nhấn quan trọng:

  1. Tổ chức thành công Tháng công nhân – Tháng ATVSLĐ 2022 với chủ đề “Công nhân Dệt May: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” với nhiều hoạt động thiết thực như: Phát động CNVCLĐ thi đua lao động phục hồi sản xuất sau dịch bệnh; tổ chức diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp – doanh nghiệp vì công nhân”, chương trình “Cảm ơn thành viên”, đối thoại giữa người sử dụng lao động với cán bộ công đoàn và CNVCLĐ, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia; thăm tặng quà cho 4.385 CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo… với số tiền 3,43 tỷ đồng.
  2. Tổ chức thành công Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May lần thứ III với các nội dung: Trưng bày, triển lãm các mẫu vật, mô hình sáng tạo; giới thiệu sản phẩm, giới thiệu việc làm; thi bảo vệ đề tài giải pháp; biểu diễn ca nhạc, trình diễn thời trang. Có 76 sáng kiến, đề tài, giải pháp công nghệ được tuyển chọn từ vòng sơ loại của các đơn vị đủ điều kiện dự thi cấp ngành.
  3. Triển khai có hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến” của TLĐ. Kết quả đến ngày 10/11/2022, Công đoàn DMVN có 5.433 sáng kiến, giải pháp hữu ích từ cơ sở, đứng thứ 2 trong Khối thi đua và đứng thứ 38/82 đơn vị trong toàn quốc.
  4. Tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS về nghiệp vụ công tác công đoàn và công tác đại hội các cấp; tổ chức chương trình đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ tại 3 miền Bắc – Trung – Nam.
  5. Đổi mới sáng tạo trong công tác truyền thông, ra mắt chương trình “Đọc truyện cho bé” đồng hành cùng đoàn viên NLĐ trong nuôi dạy con trẻ.
  6. Tổ chức các cuộc thi trực tuyến “Bếp nhà Dệt May” (trên mạng xã hội TikTok); “Pháp luật và Cuộc sống”; “Gửi người phụ nữ tôi yêu”; “CNVCLĐ tìm hiểu về giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội”.
  7. Là năm thứ 4 liên tiếp tiến hành xét chọn và tôn vinh 15 Doanh nghiệp vì NLĐ cấp ngành; trong đó, có 6 đơn vị được xét và công nhận là Doanh nghiệp vì NLĐ cấp quốc gia.
  8. Xét chọn và tôn vinh 28 Gia đình dệt may tiêu biểu; trao Giải thưởng Nguyễn Thị Sen – Giải thưởng mang tên Bà tổ nghề May cho 10 Lao động nữ tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành.
  9. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện: Tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện tại ba miền Bắc – Trung – Nam, xây 01 cầu dân sinh tại tỉnh Bạc Liêu và nhiều hoạt động từ thiện vì cộng đồng.
  10. Tiến hành kiện toàn nhân sự Chủ tịch Công đoàn DMVN và thực hiện việc chuyển giao thế hệ một cách trách nhiệm, mang tính kế thừa, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng tổ chức vững bước trên chặng đường mới.

*Xu thế của ngành dệt may Việt Nam đang phát triển theo hướng xanh hóa, bền vững. Để người lao động hiểu và cùng góp sức thực hiện, Công đoàn Dệt May Việt Nam xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào trong năm 2023, thưa bà?

– Phát triển theo hướng xanh hóa, bền vững đang là xu hướng và sự lựa chọn ưu tiên trên toàn cầu bởi những lợi ích kép của nó tác động tích cực đến xã hội và cải thiện môi trường cũng như các bên liên quan, trong đó DN và NLĐ đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi sự đầu tư của DN là rất lớn và cần có đội ngũ lao động phù hợp, chất lượng cao để vận hành nhằm đáp ứng được các yêu cầu về kỷ luật lao động, hiểu rõ quy trình, công đoạn sản xuất và nguyên liệu đầu vào, kiểm soát và duy trì được hệ thống kỹ thuật, ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường,…

Để NLĐ trong ngành hiểu và cùng góp sức thực hiện chiến lược xanh hóa, phát triển bền vững này, Công đoàn DMVN xác định có 3 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo:

Thứ nhất, theo sát chương trình của Tập đoàn và các DN, đẩy mạnh tuyên truyền cho NLĐ hiểu từ các kiến thức cơ bản về xanh hóa, bền vững, đến các yêu cầu đặt ra đối với NLĐ để đáp ứng sự phát triển của DN theo xu hướng này.

Thứ hai, phối hợp với khối trường của Tập đoàn và các DN tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của NLĐ nhằm thích ứng tốt hơn các yêu cầu của vị trí việc làm.

Thứ ba, chia sẻ rộng rãi các mô hình xanh hóa, phát triển bền vững hiệu quả, các phương pháp hay, cách làm tốt trong hệ thống để CĐCS và NLĐ các đơn vị học hỏi, nhân rộng.

Khơi dậy và phát huy sức sáng tạo, tay nghề, trí tuệ của người lao động

*Trên cương vị mới, bà có những giải pháp nào để bồi đắp văn hóa con người dệt may yêu nghề, mến nghiệp, hăng say lao động trong giai đoạn hiện nay?

– Bồi đắp văn hóa con người dệt may yêu nghề, mến nghiệp, hăng say lao động, gắn bó với tổ chức luôn là động lực và mục tiêu theo đuổi của Công đoàn DMVN. Để làm được điều này, tôi sẽ kiên trì thực hiện 3 giải pháp:

Một là, thường xuyên tuyên truyền về lịch sử hình thành và truyền thống của ngành, những phẩm chất đáng quý của con người dệt may là cần cù, khéo léo, sáng tạo, những tấm gương CNLĐ tiêu biểu; nhấn mạnh vai trò quan trọng của NLĐ dệt may trong giải quyết nhu cầu thiết yếu của xã hội là cái mặc, góp phần quan trọng làm đẹp cho xã hội, tô điểm cho dáng vóc, tâm hồn Việt Nam; qua đó, giúp NLĐ thêm hiểu và tự hào, yêu quý công việc mà mình gắn bó.

Hai là, tạo môi trường thi đua một cách lành mạnh, tự giác trong CNLĐ gắn với phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng các điển hình dệt may tiên tiến, để mỗi NLĐ hình thành ý thức lao động khẩn trương, trau dồi tay nghề, năng lực công tác và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ.

Ba là, có cơ chế, chính sách và kiến nghị các cấp có cơ chế chính sách phù hợp để động viên, khích lệ NLĐ yêu nghề, mến nghiệp, hăng say lao động, gắn bó với tổ chức (tuyên dương, khen thưởng, các chính sách đãi ngộ, cơ hội học tập, cơ hội phát triển bản thân,…).

*Xin bà cho biết thêm về giải pháp để thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, khơi dậy và phát huy cao độ tiềm năng, tay nghề, trí tuệ của người lao động?

– Từ nhận thức thi đua chính là cơ sở tạo nên động lực làm việc và sức mạnh, giá trị của tổ chức, trong những năm tới, Công đoàn DMVN sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp nhằm khơi dậy và phát huy cao độ tiềm năng, tay nghề, trí tuệ của NLĐ. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động, các diễn đàn chia sẻ các thao tác, cách làm tiên tiến, đặc biệt là tại cấp ca tổ sản xuất để NLĐ học hỏi tay nghề, kèm cặp lẫn nhau, giúp nhau giỏi một công đoạn, thạo nhiều công đoạn.

Tiếp tục, thành lập tổ hỗ trợ sáng kiến ở từng đơn vị để gợi mở, phát hiện, hướng dẫn NLĐ ghi chép, kê khai, giới thiệu các ý tưởng, sáng kiến, cải tiến trong quá trình làm việc.

Vận động, khuyến khích NLĐ tự cập nhật, trau dồi trình độ để bắt nhịp, nâng cao năng lực thích ứng với các yêu cầu của vị trí việc làm trong thời kỳ chuyển đổi số. Hỗ trợ, đồng hành cùng DN và CĐCS trong việc đào tạo lực lượng nòng cốt để thúc đẩy các hoạt động đổi mới.

Duy trì, cải tiến về cách thức tổ chức các phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi, lao động sáng tạo ở cả cơ sở cũng như cấp ngành để thi đua trở thành ý thức thường trực, việc làm thường xuyên trong CNVCLĐ.

Lựa chọn các tập thể, cá nhân điển hình để tôn vinh ở các cấp. Đề xuất các chính sách chăm lo, thúc đẩy phù hợp đối với những cá nhân đạt thành tích cao như thưởng tay nghề, thưởng sáng kiến, chế độ lên lương sớm,…

Để mỗi người lao động vui đón Tết

*Thưa bà, trước thềm Tết đến, xuân về, Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tập trung chăm lo Tết cho người lao động như thế nào?

– Với phương châm hướng về cơ sở, mọi NLĐ đều được chăm lo, được đón Tết an lành đầy đủ, Công đoàn DMVN tập trung chăm lo cho NLĐ với những nội dung, hoạt động cụ thể:

Quan tâm đến việc thanh toán tiền lương, tiền lương tháng 13, tiền thưởng Quý, thưởng Tết và các khoản thưởng khác theo quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chủ động giám sát để kịp thời phát hiện và có các đề xuất, giải pháp đảm bảo quyền lợi của NLĐ ở các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp cho đoàn viên và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ; NLĐ khuyết tật, NLĐ là nạn nhân chất độc da cam.

Hỗ trợ vé tàu xe, tổ chức “chuyến xe nghĩa tình” đưa NLĐ về quê đón Tết và đón NLĐ trở lại làm việc; đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn DMVN về tổ chức Chương trình “Tết sum vầy – Ngày hội Công nhân  – Phiên chợ nghĩa tình” nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại 6 điểm trên cả nước và các điểm bán hàng ưu đãi lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm cho NLĐ ở các đơn vị.

Ngoài ra, ở cấp cơ sở còn tổ chức tổng kết năm, tiệc tất niên, các hoạt động vui xuân (gói bánh chưng, trò chơi trúng thưởng, liên hoan văn nghệ,… ) để họp mặt NLĐ; bố trí Tết tại chỗ đối với những NLĐ tham gia trực Tết hoặc không có điều kiện về quê đón Tết. Tuyên truyền, vận động NLĐ vui Xuân tiết kiệm, an toàn; chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, không say rượu, đánh bạc hoặc các hoạt động gây mất an ninh trật tự và trở lại làm việc đúng thời gian quy định.

Với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đầu xuân Quý Mão bà có những chia sẻ gì gửi tới Tập đoàn?

Bản thân là người trưởng thành lên từ cơ sở và “chín” dần trong môi trường đào tạo, rèn luyện của Tập đoàn để bổ sung cho Công đoàn, tôi luôn trân trọng môi trường công tác và sự quan tâm, tạo điều kiện của Tập đoàn đối với sự trưởng thành của cá nhân tôi.

Trước thềm năm mới với nhiều thách thức, tôi mong muốn Tập đoàn cùng các DN sớm vượt qua những khó khăn trong SXKD, ổn định được việc làm và đời sống cho NLĐ, tiếp tục phát triển vững mạnh.

Với tư cách là người đứng đầu tổ chức Công đoàn của hệ thống, tôi cam kết cùng với tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và các CĐCS tuyên truyền giáo dục NLĐ, tham gia quản lý, tổ chức các phong trào thi đua; bồi đắp lực lượng lao động dệt may yêu nghề, mến nghiệp, hăng say lao động, gắn bó với tổ chức, tiếp bước xứng đáng hành trình và những thành quả mà các thế hệ CBCNV đã dày công tạo dựng; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, vì sự phát triển của DN và NLĐ.

Nhân dịp tết đến, xuân về, xin thay mặt toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ của hệ thống Công đoàn DMVN chúc Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững! Xin chúc đội ngũ công nhân lao động ngành dệt may và gia đình một năm mới thật đầm ấm, luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc cùng với nhiều thành công và may mắn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Kiều Giang- Thanh Thúy (Thực hiện)

Thực hiện kế hoạch hành động của Công đoàn Dệt May Việt Nam, các công đoàn cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo CNVNLĐ ngành dệt may tại các cơ sở, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 đang tới gần. Đây là những hoạt động thiết thực giúp NLĐ ổn định sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng với việc mang đến một cái Tết ấm  no, an lành cho NLĐ dệt may.

 Bà Trần Quý Dân, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 – CTCP (May 10)

 Mặc dù nửa cuối của năm 2022, ngành Dệt May gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng bị giảm, May 10 cũng là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khi quý 1/2023 một số xí nghiệp thành viên của Tổng Công ty vẫn chưa có đủ đơn hàng sản xuất. Tuy nhiên, không vì khó khăn chung mà các hoạt động chăm lo Tết Quý Mão 2023 bị ảnh hưởng. Được sự đồng ý của Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng Công ty đã đồng ý và hỗ trợ kinh phí cho Công đoàn tổ chức cuộc thi “Tiếng hát CN LĐ May 10” trên toàn hệ thống sau nhiều năm không tổ chức vì dịch bệnh. Đây là cuộc thi tìm ra các nhân tố tham gia tích cực vào các sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ của May 10 trong thời gian tới, đồng thời tạo ra sân chơi cho đoàn viên, NLĐ trong những tháng cuối năm 2023, tiến tới chào mừng Đại hội Công đoàn Tổng Công ty và Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam trong năm 2023.

Bên cạnh tổ chức cuộc thi giọng hát hay, các hoạt động truyền thống khác của May 10 vẫn được duy trì như: phiên chợ ngày Tết, trò chơi dân gian, Ngày hội gói bánh chưng, với sự tham dự của các nghệ nhân đến từ đất Tổ – Phú Thọ. Bên cạnh đó, May 10 cũng sẽ tham gia với Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình với gian hàng giảm giá hàng may mặc của May 10 cho NLĐ với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Ngoài ra, Công đoàn Tổng Công ty cũng đã gửi công văn tới các đơn vị, xí nghiệp thành viên rà soát các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mỗi suất quà dự kiến khoảng 1 triệu đồng/người và tổng kinh phí thực hiện là 300 triệu đồng. Cùng với trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết đến – Xuân về, Công đoàn May 10 cũng thực hiện khoảng 5 – 7 chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê ăn Tết từ trụ sở Tổng Công ty tại Hà Nội.

Có thể nói, mặc dù với những dự báo trong quý 1/2023 không nhiều khởi sắc, Lãnh đạo Tổng Công ty cũng đang rất cố gắng chỉ đạo Phòng Thị trường tìm kiếm thêm các đơn hàng nội địa để NLĐ có thể yên tâm sản xuất. Với vai trò là Công đoàn, ngoài việc cùng các Tổ Công đoàn cơ sở chia sẻ tâm tư nguyện vọng, động viên NLĐ đồng hành, sát cánh cùng Tổng Công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn trong những tháng đầu năm 2023, cùng với đó các hoạt động chăm lo đảm bảo quyền lợi cho NLĐ vẫn được duy trì, không để xảy ra tình trạng công nhân phải nghỉ làm vì không có đơn hàng. Hơn hết, May 10 hiểu rằng tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp ngành May chính là NLĐ, bởi để có một lao động thành thục tay nghề phải mất rất nhiều thời gian đào tạo, do đó Công đoàn cũng sẽ sát cánh cùng với chính quyền để kết nối NLĐ trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Ông Đặng Ngọc Quân, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex)

Với mô hình Tổng công ty có nhà máy, đơn vị thành viên đặt tại nhiều địa phương có những đặc thù về văn hóa khác nhau, Công đoàn Hanosimex đã đề xuất với Cơ quan điều hành kế hoạch nghỉ Tết cho từng đơn vị, phù hợp với kế hoạch SXKD và đặc thù truyền thống của từng địa phương, điều này giúp NLĐ có thời gian tham gia các hoạt động Tết. Ví dụ tại khu vực Nghệ An, thường mồng 4 Tết người dân sẽ tổ chức Lễ mừng thọ trong các gia đình, nếu như mở máy khai xuân vào thời điểm này lượng lao động đi làm trở lại tương đối ít, do đó để phù hợp với truyền thống và văn hóa của từng địa phương, Công đoàn đã đề xuất các phương án nghỉ phù hợp để ít nhất 95% NLĐ quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Bên cạnh phương án nghỉ Tết, hiện Hanosimex cũng cơ bản xong đề án thưởng Tết cho CNVCLĐ trước và sau Tết tại Công ty mẹ với phương án là tháng lương thứ 13 và 0,5 tháng lương (trước đó đã chi 0,3 tháng lương trong năm 2022, tổng chi thưởng năm 2022 là 1,8 tháng lương), tổng kinh phí của riêng công ty mẹ là 55 tỷ đồng. Còn đối với các đơn vị thành viên trực thuộc Hanosimex sẽ có phương án chi thưởng riêng do Lãnh đạo và Công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện. Bên cạnh thưởng Tết, Hanosimex cũng sẽ có một khoản thưởng sau Tết để phần nào giúp NLĐ ổn định thu nhập, động viên NLĐ quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Có thể nói, mặc dù năm 2022 còn tương đối khó khăn, nhưng các chế độ lương thưởng cho NLĐ vẫn được Tổng Công ty chi trả đầy đủ và không để NLĐ nào gặp khó khăn khi Tết đến – Xuân về. Ngoài các khoản thưởng, hiện Công đoàn Tổng Công ty cũng đang triển khai tới các Công đoàn cơ sở, nhà máy, xí nghiệp thành viên… lên danh sách đề xuất các hoàn cảnh khó khăn để trao trợ cấp và tặng quà Tết với kinh phí mỗi phần quà trị giá 300.000 VNĐ. Với NLĐ ở xa, Công đoàn Hanosimex cũng sẽ có kinh phí hỗ trợ tiền tàu xe cho NLĐ về quê ăn Tết.

Ngay trong tháng 12, Tổng Công ty cũng sẽ phối hợp với Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức “Tết sum vầy, Ngày hội Công nhân – Phiên chợ nghĩa tình 2023” tại khu vực Nam Đàn, Nghệ An. Hiện tại ngoài các gian hàng của Công đoàn Dệt May Việt Nam, các đơn vị trong hệ thống của Hanosimex cũng sẽ có thêm khoảng 4 – 5 gian hàng để nâng tổng số gian hàng khoảng 18 đơn vị. Sau một số năm tổ chức, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng đồng giá, có giá trị vài chục nghìn đồng thường thu hút đông đảo NLĐ tới mua. Do đó, năm nay Công đoàn Tổng Công ty cũng sẽ phối hợp với các Công đoàn cơ sở phục vụ các gian hàng 0 đồng, các gian hàng đồng giá có giá chỉ vài chục nghìn từ lợi thế sẵn có, tận dụng được nguồn nguyên phụ liệu Hanosimex tự sản xuất như: mặt hàng khăn mặt và đồ may mặc… Ngoài chương trình Tết sum vầy 2023 của Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam, Hanosimex cũng sẽ triển khai các gian hàng khác với nhiều mặt hàng ưu đãi, gian hàng đồng giá theo chương trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại nhiều địa phương để mang đến những mặt hàng dệt may do Hanosimex sản xuất, phục vụ NLĐ với giá thành phải chăng.

Cũng giống như các đơn vị thành viên của Vinatex, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy và Lãnh đạo Tập đoàn, Hanosimex sẽ đảm bảo và duy trì việc làm cho NLĐ trong thời điểm khó khăn chung của toàn ngành.

Ông Nguyễn Tiến Hậu, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt May Huế (DM Huế)

Với gần 5.000 lao động, việc chăm lo Tết Quý Mão 2023 cho NLĐ được Đảng ủy, Lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm. Mặc dù trong quý 4/2022, các đơn hàng ngành Sợi, ngành May đều bị ảnh hưởng, giá bán sợi đang thấp hơn so với giá nguyên liệu đầu vào… nhưng kết quả SXKD chung năm 2022 của DM Huế đã hoàn thành kế hoạch của Đại hội đồng cổ đông giao, điều này là do kết quả 9 tháng tương đối tốt. Ngoài lương tháng thứ 13, lãnh đạo công ty cũng quyết định thưởng thêm 1 tháng lương cho toàn bộ CBNV và NLĐ.

Thực hiện công văn liên tịch của Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam về việc tổ chức “Tết sum vầy, Ngày hội Công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” tại khu vực Thừa Thiên Huế vào ngày 19 – 20/12/2022, Công đoàn công ty đã thành lập ban tổ chức chương trình, liên hệ với các nhà cung cấp để phục vụ các gian hàng với những mặt hàng thiết yếu được giảm giá từ 5 – 40% cho NLĐ, đây đều là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để NLĐ có thể mua được với giá ưu đãi, góp phần giúp NLĐ có một Tết ấm no, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, Công đoàn công ty cũng sẽ có thêm các gian hàng 0 đồng, các gian hàng đồng giá…  từ sản phẩm và kinh phí của các nhà tài trợ do BTC kêu gọi tại khu vực Huế. Dự kiến, sẽ có khoảng 500 suất quà 0 đồng trao cho những NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các đơn vị trực thuộc hệ thống Công đoàn Dệt May tại khu vực Thừa Thiên Huế.

Riêng đối với Dệt May Huế, Công đoàn công ty cũng chuẩn bị các phần quà trị giá khoảng 1,2 triệu đồng được hỗ trợ từ Công ty, Công đoàn để trao cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động truyền thống của DM Huế trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục được duy trì để NLĐ có thêm kinh phí chuẩn bị Tết. Bên cạnh đó, trong chương trình “Tết xum vầy 2023” ngoài việc rà soát các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để Lãnh đạo Tập đoàn – Công đoàn trao tặng quà, Lãnh đạo và Công đoàn công ty cũng sẽ có thêm những phần quà cho NLĐ được trao trong dịp này. Ngoài việc hỗ trợ quà Tết cho NLĐ, DM Huế vẫn tiếp tục duy trì tổ chức các chuyến xe nghĩa tình dành cho NLĐ và cả gia đình về quê đón Tết, năm nay dự kiến sẽ duy trì khoảng 5 xe 45 chỗ đưa NLĐ ra các tỉnh thành khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh thành phía Nam.

Mặc dù những dự báo của đầu năm 2023 còn tương đối khó khăn, nhất là ngành Sợi nhưng hiện tại công ty vẫn đảm bảo việc làm cho NLĐ hết quý 1/2023. Mục tiêu của DM Huế là duy trì thu nhập bình quân cho NLĐ năm 2023 ở mức 9,22 triệu đồng/người/tháng tương đương năm 2022 và nếu như kết quả SKXD khả quan hơn, thu nhập của NLĐ sẽ được cải thiện hơn.

 Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Hòa Thọ)

Vượt qua năm 2022 đầy thách thức, bằng sự chủ động trong công tác điều hành, cùng với đó là tinh thần, trách nhiệm và kỷ luật của toàn bộ CBNV-NLĐ Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đã hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2022 với doanh thu hợp nhất ước đạt 5.027 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 300 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2022, Tổng Công ty sẽ trích khoảng 110 tỷ đồng để chi trả tháng lương thứ 13 cho toàn bộ NLĐ, bên cạnh đó tùy thuộc vào kết quả SXKD của các đơn vị thành viên, lãnh đạo các đơn vị sẽ quyết định chi trả thêm từ 1 tới 2 tháng lương ngoài tháng lương thứ 13 để động viên, khích lệ NLĐ.

Với khoảng 12.000 lao động trong toàn bộ hệ thống Tổng Công ty, việc chăm lo Tết cho NLĐ là một trong những hoạt động quan trọng của Công đoàn trong những tháng cuối năm. Ngoài chế độ lương thưởng, Công đoàn Tổng Công ty cũng sẽ phối hợp với Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức “Tết sum vầy, Ngày hội Công nhân – Phiên chợ nghĩa tình 2023” tại khu vực Đà Nẵng trong khuôn viên của Tổng Công ty. Ngoài các gian hàng và chương trình ưu đãi, Tổng Công ty cũng sẽ có ưu đãi riêng cho NLĐ mua sắm tại siêu thị Hòa Thọ dành riêng cho CBNV-NLĐ của Tổng Công ty. Đây là việc dựa trên lợi thế có sẵn trong hệ thống của Hòa Thọ, nhằm thực hiện tốt hơn công tác chăm lo cho NLĐ bên cạnh các hoạt động “truyền thống” như: ăn sáng, nước uống, chăm sóc y tế… được Tổng Công ty duy trì trong nhiều năm qua.

Ngoài các hoạt động chăm lo Tết, rà soát các hoàn cảnh khó khăn để trao quà. Công đoàn Tổng Công ty cũng sẽ tổ chức tiệc tất niên và các chuyến xe nghĩa tình đưa người lao động về quê ăn Tết. Mặc dù nhiều DN trong ngành xảy ra tình trạng thiếu đơn hàng nhất là ngành Sợi trong quý 1/2023, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Lãnh đạo Tổng Công ty đã chỉ đạo các phòng/ban chức năng ký kết đủ hợp đồng cho các đơn vị trong toàn hệ thống, đảm bảo thu nhập và ổn định sản xuất cho gần 12 nghìn lao động.

Có thể nói, với danh hiệu “doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” cấp Công đoàn ngành, được nhận bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Dệt May Hòa Thọ mong muốn sẽ tiếp tục phát triển, gây dựng vị thế, tiếp tục là địa chỉ tin cậy cho NLĐ gắn bó, gửi gắm niềm tin. Với sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đây là những phần thưởng cao quý để Hòa Thọ hướng tới sự phát triển bền vững, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Bà Huỳnh Thị Hồng Cúc, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May Nhà Bè – CTCP (Nhà Bè)

Năm 2022, mặc dù dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhưng nền kinh tế còn nhiều khó khăn bất ổn do giá nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá tăng… kéo theo chi phí sản xuất tăng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Nhưng với sự nỗ lực đoàn kết vượt qua khó khăn, May Nhà Bè đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Kết quả SXKD ước tính: Doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 161% so với năm 2021; Lợi nhuận 60 tỷ đồng, tăng 205%; Thu nhập NLĐ bình quân đạt 11,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 125% so với năm 2021, đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ ngày càng được nâng lên.

Để đạt được những kết quả trên ngoài sự nỗ lực đưa ra những giải pháp kịp thời, quyết liệt từ Ban lãnh đạo còn có sự đồng hành của Công đoàn Tổng Công ty với những chương trình thi đua lao động sản xuất, phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… cùng với các chính sách chăm lo thiết thực về mọi mặt giúp NLĐ yên tâm lao động sản xuất, đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong những năm qua, phong trào hoạt động Công đoàn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, sự ủng hộ và tạo điều kiện của Ban Lãnh đạo Tổng Công ty và Công đoàn Dệt May Việt Nam. Cùng với chính quyền, Công đoàn Nhà Bè đã phát động các phong trào thi đua ngay từ những tháng đầu năm 2022 với Chủ đề “Tốc độ – Hiệu quả – Chuyên nghiệp” chào mừng các ngày lễ lớn trong năm… Đẩy mạnh các phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động, qua các đợt thi đua năng suất lao động tăng từ 10 – >20%. Trong 10 tháng năm 2022, đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong phong trào thi đua lao động với số tiền gần 6,5 tỷ đồng. Đồng thời, Công đoàn phối hợp với các đơn vị phòng ban, phát động phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến góp phần mang lại hiệu quả sản xuất, tăng năng suất và doanh thu. Tính đến tháng 10 năm 2022 đã có 18 sáng kiến cải tiến được áp dụng làm lợi hàng chục tỷ đồng cho công ty… giúp NLĐ nâng cao thu nhập, từ đó yên tâm gắn bó và cống hiến vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP (Việt Thắng):

Xác định con người là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững của Tổng Công ty, chính vì vậy trong chiến lược phát triển của Việt Thắng, Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã cùng với BCH Công đoàn quan tâm, chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, trên cơ sở đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người lao động.

Do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, tình hình SXKD, nhất là ngành Sợi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt từ quý 3/2022 giá bán sợi ngày càng giảm, sản xuất phải bố trí lao động luân phiên đã gây nên những áp lực cho người lao động cũng như doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Công đoàn Tổng Công ty xác định cần phải ổn định sản xuất thông qua việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng và chăm lo tốt cho NLĐ. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, kết nối giữa chính quyền và NLĐ, Công đoàn Việt Thắng đã triển khai duy trì bữa ăn giữa ca, phục vụ ăn sáng miễn phí, nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động; Bổ sung thêm tiền lương cho người lao động, hỗ trợ công nhân có con gửi nhà trẻ, mẫu giáo 100.000 đồng/cháu/tháng, hỗ trợ tiền xe đi làm; Tặng quà các dịp lễ, Tết, sinh nhật; Trợ cấp kịp thời cho người lao động bị ốm đau, thai sản và bệnh hiểm nghèo… Hàng năm, Công đoàn tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… đã làm lợi cho Tổng Công ty hàng chục tỷ đồng, qua đó thu nhập của NLĐ cũng được nâng lên.

Bên cạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… cũng được đẩy mạnh, thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn tham gia tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần xây dựng môi trường làm việc thân thiện, ổn định nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhờ đó thu nhập bình quân của NLĐ được cải thiện đạt 10,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,3% so với năm 2021.

Trong thời gian tới, Công đoàn sẽ tiếp tục phối hợp cùng chính quyền xây dựng nhiều chương trình hoạt động thiết thực, thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, các phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật… góp phần tăng năng suất lao động, nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao giúp cho Tổng Công ty hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội đồng cổ đông giao.

Nhóm PV


Các tin khác