BIẾN NGUY CƠ THÀNH CƠ HỘI


Những khó khăn cho doanh nghiệp may Việt Nam do đại dịch Covid-19 không bất biến, nếu như chúng ta biết dịch chuyển. Hãy dịch chuyển thời gian nghỉ do thiếu việc làm, thành thời gian đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. 

Hiện nay các doanh nghiệp ngành may Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc thiếu đơn hàng do 3 nguyên nhân chính, thứ nhất đó là sức mua của các thị trường giảm do dịch Covid 19. Các khách hàng tại Mỹ và Châu Âu giảm bớt hoặc cắt hẳn một số đơn hàng đã đặt. Nguyên nhân thứ hai đó là, ngành May xuất khẩu Việt Nam hiện bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong đó chủ yếu là nguồn cung từ Trung Quốc. Do thời gian cách ly tại Trung Quốc do dịch Covid-19 đã làm nguyên phụ liệu giao hàng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và giao hàng của các doanh nghiệp Việt, vì thế các đơn hàng này bị hủy bỏ. Nguyên nhân thứ ba đó là, giá nhân công của thị trường Việt Nam cao hơn các nước trong nhóm đầu xuất khẩu hàng dệt may, bao gồm Bangladesh và Ấn Độ. Đây cũng là nguyên nhân khiến các khách hàng lựa chọn Ấn độ và Bangladesh là nơi sản xuất thay thế cho Việt Nam.

Sau đợt dịch này, có thể các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản sẽ cơ cấu lại thị trường cung ứng. Họ có thể giảm nhập khẩu từ Trung Quốc và chuyển sang một số nước khác (trong đó có Việt Nam). Tuy nhiên, dù có “san trứng vào nhiều giỏ” thì họ vẫn không thể bỏ qua quy luật giá trị mà thị trường đòi hỏi, đó là:

  • Hàng tốt;
  • Giao đúng thời gian;
  • Giá Rẻ

Vậy ngành may Việt Nam cần làm gì để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới, và nhà nước cần có chính sách hỗ trợ gì để duy trì lực lượng lao động nghề may, giúp cho ngành Dệt May Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 45 tỷ, 50 tỷ rồi 60 tỷ USD trong những năm tới, nhất là sau dịch Covid–19 này, thị trường nhập khẩu hàng may mặc thế giới có thể cơ cấu lại vùng và quốc gia cung cấp hàng may mặc thời trang?

Là người làm quản lý nhiều năm trong ngành May, tôi đưa ra những đề xuất như sau:

Hiện nay, năng suất lao động bình quân ngành May còn khá thấp (bằng khoảng 60 – 70% của Trung Quốc và Thái Lan). Nguyên nhân của tình trạng này là trình độ tay nghề công nhân thấp (số người được qua đào tạo chính quy chỉ chiếm 20 – 30% tổng số lao động của doanh nghiệp); Thiết bị, công nghệ kỹ thuật lạc hậu so với khu vực và thế giới (do thiếu vốn và sự hỗ trợ của nhà nước).

Để có thể cạnh tranh giành lại thị trường với Ấn độ và Bangladesh thì các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam phải đầu tư tăng năng suất lao động.

  • Nếu tập trung cho việc đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động thì năng suất có thể tăng thêm 7 – 10%/năm.
  • Nếu đầu tư thiết bị, công nghệ và kỹ thuật thì năng suất lao động có thể tăng thêm 10 – 15% /năm.
  • Nếu nhà nước có chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào ngành Dệt, nhuộm, hoàn tất, để đáp ứng hầu hết nhu cầu nguyên phụ liệu cho ngành May xuất khẩu, thì ngành Dệt May Việt Nam có thể tăng thêm 30 – 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sau 3 năm (do được hưởng ưu đãi thuế quan của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản).

Trước mắt, khi đối mặt với vấn đề NÓNG là doanh nghiệp bị thiếu việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì doanh nghiệp và nhà nước cần làm gì?

  • Nếu doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc thì vẫn phải trả lương ngừng việc (= 50% lương tối thiểu). Doanh nghiệp không có tiền thì được vay lãi suất 0% – không thế chấp – từ ngân hàng chính sách xã hội.
  • Người lao động ngừng việc thì chính phủ sẽ hỗ trợ 50% lương tối thiểu (khoảng 1,8 tr đ/ng/tháng).
  • Nếu doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động thì phải trả trợ cấp thôi việc mỗi năm làm việc là 0,5 tháng lương. Và nhà nước phải trả trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp đào tạo nghề… theo luật định.

Vậy ta nên làm thế nào để vẫn giữ được lao động, đồng thời lại nâng được khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp sau khi dịch Covid kết thúc?

Thiết nghĩ, Chính phủ nên hướng cho các doanh nghiệp ngành May chuyển thời gian nghỉ việc thành thời gian đào tạo lại nghề. Thời gian này Chính phủ vẫn hỗ trợ 50% lương tối thiểu cho số lao động học nghề. Đồng thời, giao cho ngành lao động địa phương kiểm tra, giám sát thời gian và số lượng lao động đào tạo. Việc này sẽ rất hiệu quả vì vừa quan tâm được doanh nghiệp và người lao động; vừa giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng lao động; vừa tạo được sự ổn định xã hội.

Bài: Ông Nguyễn Xuân Dương

Chủ tịch HĐQT May Hưng Yên


Các tin khác