Bản tin pháp luật Tháng 10/2022 (Số 140)
Bản tin pháp luật Tháng 10/2022 (Số 140)
- NGHỊ ĐỊNH:
- Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Theo đó, quy định phạt tiền đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau:
– Phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng với hành vi vi phạm dưới 10 người học;
– Phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng với hành vi vi phạm từ 10 đến dưới 20 người học;
– Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng với hành vi vi phạm từ 20 đến dưới 30 người học;
– Phạt tiền từ 100 đến 120 triệu đồng với hành vi vi phạm từ 30 đến dưới 40 người học;
– Phạt tiền từ 120 đến 150 triệu đồng đối với hành vi vi phạm từ 40 người học trở lên.
(Theo Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi trên).
Mức phạt nêu trên cũng áp dụng với các vi phạm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau đây:
– Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng tên ngành, nghề đào tạo hoặc ngành, nghề đào tạo không được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN, GCN đăng ký hoạt động GDNN, GCN đăng ký bổ sung hoạt động GDNN, GCN đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài;
– Ngành nghề đào tạo không có tên trong quyết định tự chủ mở ngành nghề đào tạo, quyết định tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2022 và thay thế Nghị định 79/2015/NĐ-CP
- Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế
Theo đó, Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, đơn cử như:
– Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm (Trước đó, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm).
Việc tạm nộp thuế TNDN được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021 như sau:
– Tính đến ngày 30/10/2022 người nộp thuế có số thuế tạm nộp 03 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 không thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì không áp dụng quy định tỷ lệ tạm nộp 04 quý tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP (không được thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm).
– Tính đến ngày 30/10/2022, người nộp thuế có số thuế tạm nộp 03 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì được áp dụng tỷ lệ tạm nộp 04 quý không được thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm nếu không tăng thêm số tiền chậm nộp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2022.
- THÔNG TƯ:
- Thông tư số 13/2022/TT-NHNN ngày 28/10/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 06/7/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt
Theo đó, sửa đổi quy định về tài sản bảo đảm đối với khoản cho vay đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
Trường hợp khoản vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 4, điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 08/2021/TT-NHNN, bên đi vay phải sử dụng tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên như sau:
– Cầm cố: Tín phiếu NHNN, trái phiếu Chính phủ (gồm: tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) được Thủ tướng chỉ định phát hành), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn, trái phiếu Chính quyền địa phương trong Danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của NHNN;
– Cầm cố trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc);
– Cầm cố trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt (trừ ngân hàng thương mại quy định tại điểm b Khoản này) và doanh nghiệp khác; (So với hiện hành bỏ quy định: Thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (28/10/2022).
III. QUYẾT ĐỊNH:
- Quyết định số 1747/QĐ-NHNN ngày 17/10/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép
Theo đó, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối thực hiện ấn định tỷ giá mua, tỷ giá bán giao ngay (spot) của đồng Việt Nam với các ngoại tệ theo nguyên tắc sau:
– Đối với Đô la Mỹ: Không được vượt quá biên độ ± 5% (năm phần trăm) so với tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày giao dịch đó.
– Đối với các ngoại tệ khác: Do tổ chức tín dụng được phép xác định.
– Chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán do tổ chức tín dụng được phép xác định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (17/10/2022).
- Quyết định số 1813/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016
Theo đó, quyết định tăng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam, cụ thể:
– Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 như sau:
+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm. (Hiện hành, theo quy định tại Quyết định 1730/QĐ-NHNN ngày 30/9/2022 áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm.)
+ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,5%/năm. (Hiện hành, theo quy định tại Quyết định 1730/QĐ-NHNN áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.)
Lãi suất áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay được ký kết trước ngày 25/10/2022 được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng, thỏa thuận cho vay.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2022 và thay thế Quyết định số 1730/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020