Bản tin pháp luật Tháng 10/2020 (Số 118)


Bản tin pháp luật Tháng 10/2020 (Số 118)

  1. Nghị định số 113/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điểm Đ Khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng.

Theo đó, hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng (TKXD) triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng (GPXD) gồm:

  • Hồ sơ theo Điều 29 Nghị định 59/2015/NĐ-CP :
  • Tờ trình thẩm định thiết kế theo Mẫu số 06 (Phụ lục II Nghị định 59);
  • Thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế, tài liệu khảo sát xây dựng liên quan;
  • Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kèm theo hồ sơ thiết kế cơ sở được phê duyệt hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình, trừ công trình nhà ở riêng lẻ;
  • Bản sao hồ sơ về điều kiện năng lực của các chủ nhiệm, chủ trì khảo sát, TKXD công trình; văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có);
  • Báo cáo tổng hợp của chủ đầu tư về sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với hợp đồng;
  • Dự toán xây dựng công trình với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách;
  • Giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp GPXD theo Điều 3 Nghị định 53/2017/NĐ-CP .
  • Văn bản theo yêu cầu tại Điểm b Khoản 3, Điểm b Khoản 5, Điểm b Khoản 6 Điều 95; Khoản 4 Điều 96 Luật Xây dựng 2014 (nếu có).

Nghị định 113/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 18/9/2020 đến hết 31/12/2020.

  1. Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 9/10/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định sửa đổi như sau: Bổ sung vào khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP nội dung sau:

“h) Lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.”

Nghị định 121/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 9/10/2020.

  1. Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăn gkys sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Theo đó, quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và cơ quan BHXH được quy định như sau:

–       Sau khi được cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện (VPĐD), cơ quan ĐKKD chia sẻ cho cơ quan BHXH các thông tin sau:

  • Thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, VPĐD.
  • Thông tin về tổng số lao động dự kiến, ngành, nghề kinh doanh, phương thức đóng BHXH của doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD.

–       Khi có sự thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD cơ quan ĐKKD chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, VPĐD cho cơ quan BHXH.

–       Mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia BHXH.

–       Khi doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD đóng BHXH, cơ quan BHXH chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng BHXH cho cơ quan ĐKKD để thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Nghị định 122/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

  1. Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

Cụ thể, bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hoá đơn điện tử như sau:

“2. Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020.”

“4. Kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành.”

Như vậy, không còn bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ ngày 01/11/2020.

Đồng thời các Nghị định 51/2010/NĐ-CP , Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30/06/2022.

Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP trước ngày 01/07/2022.

Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2022.

  1. Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.

Theo đó, hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm sau:

  • Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.
  • Cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.

Ngoài ra, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vi phạm một trong những hành vi sau đây sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo:

  • Cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại đủ điều kiện thụ lý.
  • Cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
  • Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc.

Nghị định 124/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2020 và thay thế Nghị định 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012.

  1. Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Theo đó, không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong các trường hợp sau đây:

  • Thuộc các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định tại Điều 9 Nghị định 125/2020;
  • Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
  • Đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định tại Điều 8 Nghị định 125/2020 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
  • Cá nhân vi phạm đã chết, mất tích; tổ chức vi phạm đã bị giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 41 Nghị định 125/2020;
  • Căn cứ xác định cá nhân chết, mất tích; tổ chức bị giải thể, phá sản theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 125/2020;
  • Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020.

  1. Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế.

Theo đó, trong thời gian người nộp thuế (NNT) tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thì:

  • NNT không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp NNT tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
  • NNT không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn; trường hợp NNT được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hóa đơn theo quy định thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
  • NNT phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc, thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế và xử lý hành vi vi phạm về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

  1. Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Nghị định 128 quy định về hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trong đó:

  • Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định tại Nghị định 128 bao gồm: Vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục hải quan; vi phạm các quy định của pháp luật về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hàng hóa XNK; vi phạm các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hàng hóa XNK. Đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hàng hóa XNK, quá cảnh, phương tiện vận tải XNC, quá cảnh xảy ra trong lĩnh vực hải quan thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
  • Hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật vi phạm hành chính, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật…
  • Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Luật Hải quan, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
  • Mức phạt tiền được quy định tại Nghị định 128 tùy vào mức độ vi phạm, hành vi vi phạm mà cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định phạt tiền tối thiểu 500 nghìn đồng và tối đa 100 triệu đồng hoặc 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế.

Nghị định 128 có hiệu lực từ ngày 10/12/2020


Các tin khác