Bản tin pháp luật Tháng 06/2022 (Số 137)
Bản tin pháp luật Tháng 06/2022 (Số 137)
- NGHỊ ĐỊNH:
- Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
Theo đó, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
– NSDLĐ hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó;
– NSDLĐ có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó;
– NSDLĐ hoạt động trong KCN, KCX nằm rên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022 và thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
- Nghị định số 41/2022/NĐ-CP ngày 20/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó,
– Thay Mẫu số 01/TB-SSĐT tại Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hoá đơn, chứng từ bằng Thông báo về việc tiếp nhận và kết quả xử lý về việc hoá đơn điện tử đã lập có sai sót (Mẫu số 01/TB-HĐSS).
– Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội như sau:
“4. Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hoá đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hoá, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ thì trên hoá đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định tại khoản 3 Điều này”.
Như vậy, theo quy định này cơ sở kinh doanh không phải lập hoá đơn riêng cho hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (20/6/2022).
- THÔNG TƯ:
- Thông tư số 09/2022/TT-BCT ngày 01/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/20215/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Công thương uy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc
Theo đó, ban hành Quy tắc cụ thể mặt hàng (HS 2017) thay thế Quy tắc cụ thể mặt hàng (Phụ lục II) ban hành kèm theo Thông tư 40/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015.
Quy tắc cụ thể mặt hàng (HS 2017) quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư 09/2022/TT-BCT được xây dựng trên cơ sở Hệ thống Hài hòa (HS 2017).
Trường hợp có bất kỳ sự khác biệt nào giữa phần mô tả tại Phụ lục này với phần mô tả tại văn kiện pháp lý của Hệ thống Hài hòa do Tổ chức Hải quan Thế giới xây dựng, phần mô tả tại Hệ thống Hài hòa của Tổ chức Hải quan Thế giới được áp dụng.
Quy tắc xuất xứ cụ thể hoặc bộ quy tắc xuất xứ cụ thể áp dụng cho một phân nhóm HS riêng biệt được xây dựng liền kề ngay phân nhóm đó.
Khi một phân nhóm HS cụ thể áp dụng tiêu chí xuất xứ lựa chọn, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong các tiêu chí lựa chọn đó.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2022.
- Thông tư số 10/2022/TT-BCT ngày 01/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương sửa đổi Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xử hàng hoá trong Hiệp định Thương mại hàng háo ASEAN
Theo đó, C/O mẫu D theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 19/2020/TT-BCT (mẫu cũ) được cấp đến hết ngày 31/10/2022.
C/O mẫu D này được cơ quan hải quan chấp nhận trong thời hạn quy định tại Điều 15 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 19/2020/TT-BCT.
Trước đó, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 1683/TCHQ-GSQL ngày 12/5/2022 về thời gian chuyển đổi thực hiện C/O mẫu D mới.
Trong đó, hướng dẫn thực hiện đối với C/O mẫu D (bao gồm C/O truyền qua hệ thống một cửa quốc gia (C/O điện tử) và C/O bản giấy) cụ thể như sau:
– Đối với C/O được cấp trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/5/2022 đến hết ngày 31/10/2022, cơ quan hải quan chấp nhận C/O mẫu D mẫu cũ và C/O mẫu D mới.
– Đối với C/O mẫu D được cấp kể từ ngày 01/11/2022, cơ quan hải quan chỉ chấp nhận C/O mẫu D được cấp theo mẫu mới.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/7/2022.
- Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
Theo đó, nội dung chi hỗ trợ phát triển KH&CN của DN gồm:
– Trang bị cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hoạt động KH&CN của DN;
– Mua quyền sử dụng, quyền sở hữu: Bí quyết công nghệ; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích;…
– Mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động SXKD để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn…
– Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động KH&CN của DN;
– Chi đào tạo nhân lực KH&CN của DN;
– Chi cho hoạt động sáng kiến;
– Chi cho hoạt động hợp tác về KH&CN với các tổ chức, cá nhân, DN trong nước và nước ngoài;
– Chi cho đánh giá, thử nghiệm, giám định, kiểm định, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới;…
– Chi tài trợ, hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2022.
- Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước thời hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Theo đó, Điều 5 quy định về lãi suất rút trước hạn tiền gửi của tổ chức, cá nhân gửi tiền tại TCTD (khách hàng) như sau:
– Rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
– Rút trước hạn một phần tiền gửi:
+ Đối với phần tiền gửi rút trước hạn: TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi;
+ Đối với phần tiền gửi còn lại: TCTD áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2022 và thay thế toàn bộ Thông tư số 04/2021/TT-NHNN.
- Thông tư số 30/2022/TT-BTC ngày 3/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030
Theo đó, các nội dung hỗ trợ như sau:
- Đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ, thạc sĩ:
– Học phí và các khoản có liên quan đến học phí: Tối đa không quá 25.000 USD/người/năm hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại. Trường hợp học phí cao hơn 25.000 USD/người/năm thì mức chênh lệch do người học tự chi trả hoặc do cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học chi trả theo chế độ chi tiêu của đơn vị.
– Chi phí làm hộ chiếu, visa: Theo mức quy định của Nhà nước.
– Sinh hoạt phí: Cấp theo thời gian học thực tế ở nước ngoài, cấp theo quý hoặc 06 tháng/lần theo mức quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bảo hiểm y tế bắt buộc: Không quá 1.000 USD/người/năm.
– Tiền vé máy bay đi và về (hạng phổ thông): Thực hiện thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu NSNN.
– Chi phí đi đường: Cấp 1 lần với mức khoán là 100 USD/người/toàn bộ thời gian đào tạo.
– Các khoản chi khác phát sinh trong quá trình đào tạo: Chi phí chuyển và nhận tiền quan NH; Chi phí xử lý các rủi ro;…
- Đối với phương thức đào tạo tiến sĩ tập trung toàn thời gian trong nước:
– Học phí: Thực hiện theo mức quy định của cơ sở giáo dục đại học, không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
– Hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học:
+ Hỗ trợ thực hiện thực hiện luận án, tham gia hội thảo, hội nghị trong nước: Nhóm ngành y dược, thể dục, thể thao, nghệ thuật là 20 triệu/người/năm; Nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nông, lâm, thuỷ sản là 18 triệu/người/năm; Nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác là 13 triệu/người/năm. Thời gian hỗ trợ không quá 4 năm.
+ Hỗ trợ kinh phí để người học đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2022.