Bản tin pháp luật Tháng 05/2024 (Số 149)
Bản tin pháp luật Tháng 05/2024 (Số 149)
- NGHỊ ĐỊNH:
- Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt
Theo đó, Nghị định này có một số điểm mới so với Nghị định 101/2012/NĐ-CP như sau:
– Bổ sung, làm rõ quy định về tiền điện tử (e-money): định nghĩa, bản chất, hình thức thể hiện, đối tượng cung ứng tiền điện tử và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
– Bổ sung quy định về thanh toán quốc tế: khái niệm, hệ thống thanh toán; hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào VN và VN ra nước ngoài, thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế (Điều 5)…
– Sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán (Điều 9-16): Các bổ sung này được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và sự thay đổi của pháp luật;
– Bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích (Điều 18-20);
– Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 và thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP
- Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo đó, so với Nghị định số 99/2011/NĐ-CP có một số điểm mới sau đây:
– Bổ sung yêu cầu về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng (Điều 6): (i) Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng (NTD), hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau: Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng khác theo quy định của khoản 2 Điều 23 Luật BVQLNTD (quy định mới bổ sung); (ii) trong trường hợp giao kết bằng văn bản giấy, cỡ chữ nhỏ nhất là 12 theo loại chữ Time New Roman (quy định mới bổ sung); (iii) Màu chữ và màu nền thể hiện nội dung văn bản phải tương phản nhau; (iv) Bố cục, thiết kê văn bản phải rõ ràng, dễ theo dõi (quy định mới bổ sung); (v) Bố cục, thiết kế văn bản phải rõ ràng, dễ theo dõi (quy định mới bổ sung); (vi) nội dung phải rõ ràng, dễ hiểu và tuân thủ quy định pháp luật về BVQLNTD.
– Bổ sung quy định về công khai thông tin người kinh doanh trên không gian mạng (bán hàng online) vi phạm quyền lợi NTD (Điều 24): Công khai (tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm; hành vi, địa bàn vi phạm;…) trên phương tiện thông tin đại chúng, tại trụ sở, đăng tải cổng thông tin điện tử của bộ, UBND cấp tỉnh trong thời hạn 30 ngày.
– Bổ sung quy định ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa trong vòng 24 giờ nếu phát hiện có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan NN có thẩm quyền (Điều 17).
– Bổ sung quy định về quy trình đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong giao dịch từ xa (Điều 22).
– Bổ sung quy định về trách nhiệm tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn (Điều 23).
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 và thay thế Nghị định số 99/2011/NĐ-CP.
- Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế
Theo đó, tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước sẽ có 03 nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
– Chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan tư vấn, giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nội bộ của doanh nghiệp:
+ Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc góp ý điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp;
+ Soạn thảo các loại mẫu hợp đồng; có ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo các hợp đồng, dự thảo thỏa thuận do các bộ phận khác của doanh nghiệp soạn thảo trước khi trình Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp; tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng, thỏa thuận của doanh nghiệp;
+ Phổ biến, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp;
+ Tư vấn, thuê tư vấn pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá rủi ro môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp ra nước ngoài; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định về tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp (quy định mới);
+ Tham gia giải quyết tranh chấp, yêu cầu về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp hoặc tham mưu thuê luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
– Chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan tư vấn, giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp tổ chức thực hiện pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp:
+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp (quy định mới);
+ Góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức gửi xin ý kiến; tổng kết, đánh giá pháp luật liên quan đến tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp (quy định mới);
+ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
+ Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; tổng kết, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động trong doanh nghiệp.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định này còn quy định cụ thể hơn tiêu chuẩn, chế độ về ngạch pháp chế viên (bao gồm: pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp; tiêu chuẩn của người đứng đầu tổ chức pháp chế và doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng các tiêu chuẩn chế độ này để lựa chọn bố trí, sử dụng và quyết định chế độ đối với người làm công tác pháp chế.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 02/7/2024.
- THÔNG TƯ:
- Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc cung cấp đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Theo đó, các kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải điều chỉnh từ ngày 26/4/2024 như sau:
– Đối với gói thầu đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đã đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc chưa đăng tải trên Hệ thống) trước ngày 01/01/2024 nhưng đến ngày 26/4/2024 chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì: Phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu để phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu 2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP và Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT (nếu có).
– Đối với gói thầu đã được phê duyệt áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và lập E-HSMST, E-HSMQT, E-HSMT theo quy định của Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT:
+ Trường hợp gói thầu đã đăng tải E-HSMST, E-HSMQT, E-HSMT trên Hệ thống trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến trước ngày 27/02/2024 thì: Tiếp tục tổ chức lựa chọn danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, các nội dung còn phù hợp với Luật Đấu thầu 2023 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT;
+ Trường hợp gói thầu đã đăng tải E-HSMST, E-HSMQT, E-HSMT trên Hệ thống kể từ ngày 27/02/2024 đến trước ngày 26/4/2024 thì: Tiếp tục tổ chức lựa chọn danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP và Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT ;
+ Kể từ ngày 26/4/2024, trường hợp gói thầu chưa lập E-HSMST, E-HSMQT, E-HSMT hoặc đã lập, phê duyệt E-HSMST, E-HSMQT, E-HSMT nhưng chưa đăng tải E-HSMST, E-HSMQT, E-HSMT trên Hệ thống thì phải lập, sửa đổi, phê duyệt lại E-HSMST, E-HSMQT, E-HSMT theo quy định của Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký (26/4/2024).
- Thông tư 25/2024/TT-BTC ngày 23/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về bãi bỏ Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam
Hiện tại, Thông tư số 83/2014/TT-BTC điểm (b) khoản 2 Điều 3 quy định: “Ký hiệu (5) tại cột thuế suất trong Biểu thuế giá trị gia tăng quy định cho các mặt hàng thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% thống nhất ở khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại (bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán mủ cao su sơ chế, nhựa thông sơ chế, bông sơ chế cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại)”.
Theo đó, kể từ ngày 08/6/2024 bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tức quy định trên sẽ bị bãi bỏ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/6/2024.
- Thông tư số 06/2024/TT-BYT ngày 16/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp
Theo đó, tiêu chuẩn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế gồm:
– 05 nhóm tiêu chuẩn xếp hạng: nhóm I về vị trí, chức năng, nhiệm vụ 10 điểm; nhóm II về quy mô và nội dung hoạt động 15 điểm; nhóm III về nhân lực 20 điểm; nhóm IV về khả năng chuyên môn 40 điểm; nhóm V về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị 15 điểm. Tiêu chuẩn cụ thể và mức điểm theo các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
– Điểm số và xếp hạng: Hạng đặc biệt là hạng I đạt 100 điểm và đạt các tiêu chuẩn của hạng đặc biệt; hạng I từ 90 đến 100 điểm; hạng II từ 70 đến dưới 90 điểm; hạng III từ 50 đến dưới 70 điểm; hạng IV dưới 50 điểm.
– Phương pháp tính điểm:
+ Tính điểm theo từng tiêu chuẩn cụ thể trong bảng điểm ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BYT, không vận dụng điểm trung gian, không tính điểm khi các số liệu chưa hoàn chỉnh.
+ Việc xem xét hồ sơ đề nghị xếp hạng căn cứ các tài liệu, số liệu thống kê minh chứng các tiêu chuẩn và kiểm tra thực tế tại đơn vị.
Thực hiện lấy số liệu của 02 năm trước liền kề năm đề nghị xếp hạng và các tài liệu kế hoạch thực hiện của năm để nghị xếp hạng, trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì việc cung cấp số liệu do cấp có thẩm quyền công nhận xếp hạng xem xét, quyết định; minh chứng tiêu chí đề tài nghiên cứu khoa học lấy số liệu trong thời gian giữ hạng đơn vị.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.
- Thông tư số 02/2024/TT-BXD ngày 20/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn
Cụ thể, chi phí lập, thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng khi sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công từ 15/7/2024 được xác định như sau:
– Chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng (đối với các khu vực trong phạm vi phát triển đô thị): xác định bằng 65% chi phí lập quy hoạch chi tiết đô thị. Chi phí lập quy hoạch chi tiết đô thị xác định theo hướng dẫn xác định chi phí lập đồ án quy hoạch chi tiết đô thị hiện hành.
– Chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng (đối với các khu vực trong khu chức năng): xác định bằng 65% chi phí quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng. Chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng xác định theo hướng dẫn xác định chi phí lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng hiện hành.
– Trường hợp cần phải điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng thì chi phí điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng xác định theo hướng dẫn xác định chi phí điều chỉnh cục bộ của đồ án quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng hiện hành.
– Phí thẩm định đồ án quy hoạch tổng mặt bằng xác định theo quy định hiện hành về phí thẩm định các đồ án quy hoạch.
– Chi phí quản lý nghiệp vụ lập quy hoạch tổng mặt bằng và một số khoản chi phí khác xác định theo hướng dẫn có liên quan đến chi phí quản lý nghiệp vụ lập quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng hiện hành.
Việc quản lý chi phí lập, phí thẩm định đồ án quy hoạch tổng mặt bằng; chi phí quản lý nghiệp vụ lập quy hoạch tổng mặt bằng thực hiện theo quy định quản lý chi phí lập quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc theo quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành đối với trường hợp Chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch tổng mặt bằng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2024.