Bản tin pháp luật Tháng 04/2022 (Số 135)


Bản tin pháp luật Tháng 04/2022 (Số 135)

I. NGHỊ ĐỊNH:

  1. Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/04/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19

            Theo đó, ngân sách nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 bao gồm:

Tiền khám bệnh, tiền giường và dịch vụ kỹ thuật. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;

Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng trong các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chưa được ban hành giá. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

Dịch vụ kỹ thuật không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở đó hoặc của bệnh viện chủ quản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (29/4/2022).

II. THÔNG TƯ:

  1. Thông tư số 24/2022/TT-BTC ngày 07/04/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ công trình xây dựng tại doanh nghiệp

            Theo đó,

– Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 48/2019/TT-BTC:

+ Ghép điểm a, b khoản 1 Điều 5 Thông tư số 48/2019/TT-BTC như sau: Đối tương lập dự phòng là các loại chứng khoán do tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đang được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên TTCK trong nước, được tự do mua bán trên thị trường và giá chứng khoán thực tế trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoản đang được hạch toán trên sổ kế toán.

+ Bổ sung: Đối tượng lập dự phòng nêu trên không bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.

– Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư số 48/2019/TT-BTC về mức trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán:

+ Bỏ quy định về mức trích lập dự phòng giảm giá đối với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh.

+ Đối với trái phiếu doanh nghiệp bổ sung quy định như sau: Trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết, đăng ký giao dịch, giá trái phiếu trên thị trường là giá giao dịch gần nhất tại Sở Giao dịch chứng khoán trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính. Trường hợp không có giao dịch trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp không thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư này.

Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/05/2022.

  1. Thông tư số 25/2022/TT-BTC ngày 28/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán

            Theo đó, so với Thông tư số 272/2016/TT-BTC, Thông tư này bổ sung thu phí giám sát chứng khoán phái sinh:

Phí giám sát chứng khoán phái sinh đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC): 10% doanh thu giá dịch vụ quản lý vị thế/giá dịch vụ bù trừ và giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ.

Phí giám sát chứng khoán phái sinh đối với Sở Giao dịch chứng khoán: 10% doanh thu giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh.

Bổ sung thu phí giám sát hoạt động chứng khoán đối với ngân hàng thanh toán như sau:

– Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm: 0,001% giá trị bù trừ, thanh toán ròng/ngày thanh toán, tối đa 1.000.000 đồng/ngày.

– Đối với trái phiếu doanh nghiệp: 0,0001% giá trị bù trừ, thanh toán ròng/ngày thanh toán, tối đa 100.000 đồng/ngày.

Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022 và thay thế Thông tư số 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016.

III. QUYẾT ĐỊNH:

  1. Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia

            Theo đó, lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm mục đích:

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về Chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (22/04/2022).

  1. Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030

            Theo đó, mục tiêu là hoàn thiện hệ thống chính sách thuế phù hợp với tiêu chuẩn thông lệ quốc tế, bao gồm: Thuế VAT; thuế TTĐB; Thuế XK, NK; thuế TNDN, thuế TNCN, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp; thuế BVMT và các khoản phí, lệ phí khác. Cụ thể:

– Thuế VAT: mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hoá dịch vụ không chịu thuế VAT và nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%, tiến tớibản áp dụng một mức thuế xuất; nghiên cứu tăng thuế suất theo lộ trình…

            – Thuế XK, NK: đơn giản biểu thuế NK, phấn đấu; nghiên cứu, sửa đổi chính sách thuế XK, NK để thúc đẩy XK, phát triển công nghiệp mũi nhọn

– Thuế TNDN: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp

– Thuế TNCN: Rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế phù hợp với thu nhập chịu thuế

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (23/4/2022).


Các tin khác