Bản tin pháp luật Tháng 04/2021 (Số 123)


Bản tin pháp luật Tháng 04/2021 (Số 123)

I. NGHỊ ĐỊNH:

1. Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 36/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

            Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020 về điều kiện đầu tư kinh doanh; bảo đảm đầu tư kinh doanh; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư; hoạt động đầu tư ra nước ngoài; xúc tiến đầu tư.

            Tại tiểu mục III, mục B về ngành, nghề ưu đãi đầu tư của Phụ lục II về danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư thì khi đầu tư vào sản xất dệt may, sợi, thêu ren, đan lát thuộc ngành, nghề nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định này, Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.

            Cùng với đó tại Phụ lục III về danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư cũng quy định 55 tỉnh, địa bàn là địa bàn ưu đãi đầu tư với hai tiêu chí là địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn mà khi đầu tư vào các địa bàn này sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định này, Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.

            Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/03/2021.

2. Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

            Theo đó, từ cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định pháp luật.

            Ngoài ra, các đối tượng được khai thác và sử dụng dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước thì không cần sự đồng ý như:

            – BHXH Việt Nam (phục vụ hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành);

            – Bộ LĐ-TB&XH (phục vụ quản lý về bảo hiểm xã hội, việc làm và an sinh xã hội);

            – Bộ Y tế (phục vụ quản lý trong lĩnh vực y tế bao gồm cả các thông tin, dữ liệu về bảo hiểm y tế);

            – Văn phòng Chính phủ (phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ);

            – Bộ TT&TT (kết hợp với các nguồn dữ liệu khác tạo ra các thông tin gia tăng phục vụ mục đích tham mưu, hỗ trợ ban hành chính sách trong Chính phủ điện tử, Chính phủ số);

            – Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (phục vụ quản lý trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng);

            – Các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

            Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021.

3. Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

            Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp được: Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại VN thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.

            – Đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm:

            + Ủy ban MTTQVN các cấp;

            + Cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang;

            + Cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; quỹ từ thiện, nhân đạo;

            – Hồ sơ xác định chi phí ủng hộ, tài trợ được trừ gồm: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ hoặc văn bản, tài liệu (giấy/điện tử) xác nhận khoản chi có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận; kèm hóa đơn, chứng từ hợp pháp của khoản chi.

            Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/03/2021 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và năm 2021.

4. Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

            Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước, nhóm công ty, doanh nghiệp quốc phòng an ninh và công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước.

            – Một số quy định về doanh nghiệp nhà nước: Cách thức xác định tỉ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do NN nắm giữ tại doanh nghiệp (Điều 7); Quy chế hoạt động của BKS, thành viên BKS (Điều 10); Cổ phần ưu đãi biểu quyết (Điều 11); Sở hữu chéo giữa các công ty trong nhóm công ty (Điều 12).

            – Công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước: Nguyên tắc thực hiện công bố thông tin (Điều 20); Hình thức và phương tiện công bố thông tin (Điều 21); Tài khoản công bố thông tin của doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp (Điều 22); Các thông tin công bố định kỳ (Điều 23); Các thông tin công bố bất thường (Điều 24); Thực hiện công bố thông tin (Điều 25); Tạm hoãn công bố thông tin (Điều 26).

            Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2021 và thay thế Quyết định 35/2013/QĐ-TTg, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, Nghị định số 93/2015/NĐ-CP, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP.

5. Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

            Theo đó so với Nghị định số 27/2015/NĐ-CP có một số quy định mới sau đây:

            – Quy định rõ việc việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng được áp dụng trong cả thời gian hợp đồng được gia hạn.

            – Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá hợp đồng được điều chỉnh trong trường hợp sau:

            + Khi Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;

            + Khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;

            + Các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

            – Đối với hợp đồng trọn gói, bổ sung thêm 2 trường hợp được điều chỉnh hợp đồng sau:

            + Khi Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;

            + Khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.

            Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2021 và thay thế một phần Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

6. Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

            Theo đó:

            – Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế:

            + Hoạt động xuất bản; điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;

            + Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế TNDN của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng);

            + Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất mô tô, xe máy;

            + Thoát nước và xử lý nước thải…

            – Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế:

            + Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin;

            + Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng…

I. THÔNG TƯ:

1. Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/04/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôn tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

            Theo đó, miễn, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được quy định như sau:

            – TCTD, chi nhánh NH nước ngoài miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) mà:

            + Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021;

            + Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid – 19.

            – Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư 03 thực hiện đến ngày 31/12/2021.

            Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/05/2021.

2. Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/04/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.

            Theo đó, các biểu mẫu được ban hành mới theo quy định tại Luật đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đơn cử một số mẫu áp dụng đối với nhà đầu tư như:

            Mẫu A.I.1: Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư theo Điểm a khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư, khoản 1 Điều 36 Nghị định 31/2021;

            Mẫu A.I.2: Đề xuất dự án đầu tư (Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập) theo Điểm b khoản 2 Điều 33 Luật đầu tư;

            Mẫu A.I.3: Đề xuất dự án đầu tư (Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do nhà đầu tư đề xuất) theo Điểm d khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư;

            Mẫu A.I.4: Đề xuất dự án đầu tư (Dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư) theo Khoản 1 Điều 36 Nghị định 31/2021;

            Mẫu A.I.5: Văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư theo Khoản 3 Điều 29 Luật đầu tư, các khoản 1 và 2 Điều 30 Nghị định 31/2021;

            Mẫu A.I.6: Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo các khoản 2 và 4 Điều 35 Nghị định 31/2021;…

            Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/04/2021.

3. Thông tư số 26/2021/TT-BTC ngày 07/04/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn công tác kế toán khi thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

                Theo đó, khi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) chuyển đổi phải lập báo cáo tình hình tài chính dựa trên khuôn mẫu doanh nghiệp tại 2 thời điểm:

            – Thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL sau khi đã hạch toán đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến xử lý tài chính để xác định giá trị đơn vị theo quy định.

            – Tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (CTCP) sau khi đã hạch toán kết quả xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyển đổi thành CTCP theo quy định làm căn cứ bàn giao sang CTCP.

            Các bước thực hiện lập báo cáo tình hình tài chính bao gồm:

            – Thực hiện các bước khóa sổ kế toán theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

            – Lập báo cáo tình hình tài chính theo mẫu B01/BCTC quy định tại chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

            – Phân tích số liệu chi tiết căn cứ sổ sách kế toán, văn bản xác định lại giá trị tài sản để chuyển đổi, hồ sơ về kết quả xác định giá trị ĐVSNCL và các tài liệu có liên quan khác.

            – Lập bảng chuyển đổi số liệu theo quy định tại Thông tư này.

            – Căn cứ số liệu Bảng chuyển đổi số liệu và hướng dẫn lập các chi tiêu chi tiết trên Báo cáo tình hình tài chính theo khuôn mẫu doanh nghiệp thực hiện tổng hợp chỉ tiêu theo hướng dẫn tại Phụ lục 02.

            Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021.


Các tin khác