Bản tin pháp luật Tháng 04/2020 (Số 112)
NGHỊ ĐỊNH & NGHỊ QUYẾT, QUYẾT ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Nghị định số 37/2020/NĐ-CP ngày 30/03/2020 của Chính phủ bổ sung danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-Cp ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Theo đó, bổ sung các hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015, gồm:
Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Quy định này được bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 33 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.
Nghị định 37/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2020.
Nghị định số 39/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020 của Chính phủ ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa CuBa giai đoạn 2020-2023.
Từ ngày Nghị định này có hiệu lực, rất nhiều hàng hóa được áp dụng mức thuế suất 0% để thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba giai đoạn 2020 – 2023 như:
Cá voi, cá nục heo và cá heo (động vật có vú thuộc bộ cá voi Cetacea);
Lợn biển và cá nược (động vật có vú thuộc bộ Sirenia);
Hải cẩu, sư tử biển và hải mã (con moóc) (động vật có vú thuộc phân bộ Pinnipedia) (Mã hàng 0106.12.00)…
Trong đó, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Hiệp định phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này;
Được nhập khẩu từ Cuba vào Việt Nam;
Được vận chuyển trực tiếp từ Cuba vào Việt Nam (không đi qua lãnh thổ của một Nước không phải là thành viên…).
Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Mẫu VN-CU.
Nghị định 39/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/5/2020.
Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nghề nêu tại Điều 2 Nghị định này sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đơn cử như:
Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất ô tô và xe có động cơ khác…
Các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch…
Kinh doanh vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hộị; hoạt động kinh doanh bất động sản…
Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Ngoài ra, quy định này còn áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19.
Nghị định 41/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8/4/2020.
Nghị định số 46/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan
Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) là hệ thống công nghệ thông tin tích hợp do các nước thành viên ASEAN thiết lập và kết nối, trao đổi thông tin với nhau để thực hiện thủ tục quá cảnh điện tử, kiểm soát sự vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ các nước thành viên ASEAN.
Doanh nghiệp được miễn bảo lãnh nhiều hành trình khi quá cảnh nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Được công nhận doanh nghiệp quá cảnh ưu tiên;
Doanh nghiệp có đăng ký dịch vụ vận tải hoặc kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của pháp luật;
Doanh nghiệp không nợ quá hạn quá 90 ngày tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và không bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong lĩnh vực hải quan trong thời hạn 02 năm liên tục.
Ngoài ra, hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS chỉ được đưa từ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN hoặc đưa từ các nước thành viên ASEAN vào Việt Nam qua 03 cửa khẩu quốc tế: Cầu Treo (Hà Tĩnh); Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh).
Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó hăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, các đối tượng người lao động (NLĐ) sau đây sẽ được hỗ trợ tiền:
NLĐ làm việc theo HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương từ 01 tháng trở lên do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch, không có doanh thu, không có nguồn tài chính để trả lương:
Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 3 tháng.
NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm:
Mức hỗ trợ là 01 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng.
Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng được hỗ trợ tiền như người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo…
Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/04/2020:
Là Người lao động (NLĐ) tạm hoãn Hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ việc không hưởng lương, NLĐ được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
Thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ, từ 01 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020; và
Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/4/2020 đến ngày 01/6/2020.
Đang tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doah nghiệp, số dư đến 31/3/2020) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thủ tục thực hiện như sau:
Doanh nghiệp lập danh sách NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương đủ điều kiện nêu trên, đề nghị công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan BHXH xác nhận danh sách (trong thời gian 03 ngày làm việc).
Doanh nghiệp gửi hồ sơ (theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định) đề nghị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở.
14 mẫu hồ sơ để các nhóm đối tượng thực hiện khai báo, đề nghị nhận hỗ trợ gửi tới các cơ quan có thẩm quyền sau đây:
– Mẫu số 01: Danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
– Mẫu số 02: Đề nghị hỗ trợ (Dành cho hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm).
– Mẫu số 03: Đề nghị hỗ trợ (Dành cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp).
– Mẫu số 04: Đề nghị hỗ trợ (Dành cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm).
– Mẫu số 05: Danh sách rà soát đối tượng người có công được hỗ trợ do đại dịch COVID-19 (cấp huyện).
– Mẫu số 06: Danh sách hỗ trợ người có công gặp khó khăn do đại dịch COVID19 (cấp tỉnh).
– Mẫu số 07: Danh sách đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
– Mẫu số 08: Danh sách người thuộc hộ nghèo hưởng chính sách hỗ trợ.
– Mẫu số 09: Danh sách người thuộc hộ cận nghèo hưởng chính sách hỗ trợ.
– Mẫu số 10: Bảng tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng chính sách hỗ trợ.
– Mẫu số 11: Đề nghị vay vốn hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động.
– Mẫu số 12: Danh sách người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (của doanh nghiệp).
– Mẫu số 13: Danh sách người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc.
– Mẫu số 14: Danh sách người lao động ngừng việc (cấp tỉnh).
Quyết định 15/2020/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2020.
THÔNG TƯ
Thông tư số 07/2020/TT-BCT ngày 30/03/2020 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2015/TT-BCT ngày 24/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện quy tắc xuất xứ trong hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN-ÚC-NIU DI- LÂN.
Bộ Công Thương sửa đổi quy định về thời hạn cấp C/O tại Phụ lục III, Thông tư 31/2015/TT-BCT. Cụ thể, C/O phải được cấp trong thời gian sớm nhất, nhưng không quá 03 ngày làm việc, tính từ sau ngày xuất khẩu; theo quy định cũ, thời hạn này được tính từ ngày xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bổ sung thêm quy định về hướng dẫn cách hiểu các quy định liên quan đến việc thực thi Quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nội dung hướng dẫn này sẽ được các nước thành viên thống nhất hoặc luân phiên thống nhất tại các phiên họp thực thi của Tiểu ban Quy tắc xuất xứ hàng hóa (SC-ROO), Ủy ban Hàng hóa (CTG) và Ủy ban Hỗn hợp (FJC) trong khuôn khổ thực thi Hiệp định. Nội dung hướng dẫn nêu trên còn được dùng làm căn cứ để các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thực hiện.
Thông tư 07/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/10/2015.
Thông tư số 13/2020/TT-BTC ngày 06/03/2020 của Bộ Tài Chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dựng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ Tài chính bổ sung trường hợp từ chối tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức cá nhân, cụ thể: cơ quan hải quan có thể từ chối nhận đơn nếu hồ sơ nộp bổ sung quá thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo nộp bổ sung.
Bên cạnh đó, ngoài 03 trường hợp chấm dứt áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát theo quy định cũ, Thông tư còn bổ sung thêm trường hợp: cơ quan hải quan có cơ sở xác định chứng từ trong hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát không còn hiệu lực hoặc giả mạo. Ngoài ra, khác với quy định cũ, người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan có thể gia hạn khi hết thời hạn (nếu có lý do chính đáng) với điều kiện nộp thêm tiền hoặc chứng từ bảo lãnh.
Thông tư 13/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/4/2020.
Thông tư số 01/2020/TT-BXD ngày 06/4/2020 của Bộ Xây Dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Theo đó, quy định bổ sung về an toàn cháy đối với các nhà thuộc nhóm F1.2 (khách sạn, ký túc xá,…), F4.3 (các cơ sở của các cơ quan quản lý, văn phòng,…) và nhà hỗn hợp có chiều cao từ 50 m đến 150 m, đơn cử:
Các gian phòng tập trung đông người:
Có số chỗ ngồi cố định từ 300 đến 600 chỗ – không được đặt ở độ cao trên 15 m;
Có số chỗ ngồi cố định từ 150 đến 300 chỗ – không được đặt ở độ cao trên 40 m,
Có số chỗ ngồi cố định từ 100 đến 150 chỗ – không được đặt ở độ cao trên 50 m.
Các gian phòng công cộng đặt ở độ cao trên 50 m thì số chỗ ngồi cố định không được vượt quá 100.
Hành lang phải được phân chia thành các khoang ngăn cách nhau bằng vách ngăn cháy loại 1; cửa ngăn cháy lắp đặt trên các vách ngăn cháy phải có cơ cấu tự đóng, các khe cửa phải được che kín (trừ phần chân)…
Thông tư 01/2020/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và thay thế Thông tư 07/2010/TT-BXD ngày 28/7/2010.