Bản tin pháp luật Tháng 03/2021 (Số 122)


Bản tin pháp luật Tháng 03/2021 (Số 122)

  1. NGHỊ ĐỊNH:
  2. Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ quy định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hoà giải, đối thoại tại Toà án và thù lao cho Hoà giải viên tại Toà án.

Theo đó, Hòa giải viên sẽ được trả thù lao theo từng vụ việc sau khi đã tiến hành phiên hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Mức thù lao theo khung được quy định cụ thể như sau:

– Đối với các vụ Hòa giải thành, đối thoại thành: Hòa giải viên được hưởng thù lao từ 1.000.0000 đồng/01 vụ việc đến tối đa 1.500.000 đồng/01 vụ việc;

– Đối với các vụ việc Người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện; đơn yêu cầu: Hòa giải viên được hưởng thù lao từ 500.000 đồng/01 vụ việc đến dưới 1.000.000 đồng/01 vụ việc;

Đối với các vụ việc chấm dứt hòa giải theo quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hòa giải viên được hưởng 500.000 đồng/ 01 vụ việc.

Tòa án nơi giải quyết vụ việc hòa giải, đối thoại chi trả thù lao cho Hòa giải viên sau khi tiến hành hòa giải, đối thoại và chám dứt hòa giải theo quy định tại Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

            Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2021.

  1. Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

            Theo đó, bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, cụ thể như sau:

– Không thu thuế đối với hàng hoá thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế:

+ Hoàn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu phải tái nhập khẩu;

+ Hoàn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu phải tái xuất khẩu;

+ Hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu;

+ Hoàn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm;

+ Hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc xuất khẩu, nhập khẩu ít hơn so với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu.

– Không thu thuế đối với hàng hoá không phải nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu:

+ Hoàn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu phải tái nhập khẩu;

+ Hoàn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu phải tái xuất khẩu.

Người nộp thuế nộp hồ sơ không thu thuế cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hoá đã thông quan.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/04/2021 và bãi bỏ các Thông tư: Thông tư số 90/2011/TT-BTC, Thông tư số 201/2012/TT-BTC, Thông tư số 81/2013/TT-BTC và Thông tư số 116/2013/TT-BTC.

  1. Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

            – Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm: Bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

– Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm 04 loại:

+ Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm.

+ Tài sản bán trong hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu;

+ Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ.

+ Tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

– Quy định về xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm bao gồm: Biện pháp bảo đảm xác lập theo thoả thuận (cầm cố tài sản; tín chấp tài sản; đặt cọc, ký cược; ký quỹ; bảo lưu quyền sở hữu; bảo lãnh; tín chấp.

– Quy định về cầm giữ tài sản gồm bảo đảm quyền cầm giữ; thực hiện quyền cầm giữ.

– Quy định về xử tài sản bảo đảm. Quy trình về trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2021.

  1. THÔNG TƯ:
  2. Thông tư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/03/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

            Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến hồ sơ, thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế từ khâu: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; xác nhận thông tin thực hiện nghĩa vụ thuê ; bù trừ tiền thuế, tiền phạt, hoàn thuế; miễn thuế, giảm thuế; khoanh, xoá nợ tiền thuế;…

Thông tư quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng về trách nhiệm của người nộp thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết.

Người nộp thuế có quyền lựa chọn nhiều phương thức giao dịch như: Trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Cổng dịch vụ công quốc gia Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN được Tổng cục Thuế chấp nhận kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…

Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 03/05/2021 và thay thế Thông tư số 110/2015/TT-BTC và Thông tư số 66/2019/TT-BTC


Các tin khác