Bản tin pháp luật Tháng 03/2020 (Số 111)


  1. Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư tối đa là 20 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình duyệt.

Như vậy, thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đã được rút ngắn 10 ngày so với quy định hiện hành tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015.

Thời gian trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư đối với một số nội dung khác vẫn được giữ nguyên, đơn cử như:

  • Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư tối đa là 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định.
  • Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu là 30 ngày, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho đến ngày có thời điểm đóng thầu (Nhà đầu tư phải nộp hồ sơ dự sơ tuyển trước thời điểm đóng thầu).

Nghị định 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 20/4/2020 và thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015.

  1. Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/03/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.

Theo đó, Nghị định quy định rõ, khi ký ban hành văn bản hành chính bằng giấy, thì phải dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai. (Trước đây Nghị định 110/2004/NĐ-CP chỉ quy định khi ký không được dùng bút chì, không dùng mực đỏ hoặc mực dễ phai, dẫn đến người ký văn bản có thể dùng mực đen…).

Đối với văn bản điện tử, người có thẩm quyền sẽ thực hiện ký số.

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi quy định về các loại văn bản hành chính, cụ thể bỏ các loại văn bản sau khỏi danh sách các loại văn bản hành chính: bản cam kết, giấy chứng nhận, giấy đi đường, giấy biên nhận hồ sơ.

Nghị định 30/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

  1. Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

Theo đó, các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Thứ nhất, tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
  • Thứ hai, tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
  • Thứ ba, giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
  • Thứ tư, thị phần kết hợp của doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế.

Nghị định 35/20020/NĐ-CP này có hiệu lực từ ngày 15/5/2020.

  1. Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ về việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, chỉ cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng cho công tác phòng, chống dịch trong nước).

Quy định trên không áp dụng với hoạt động xuất khẩu của:

  • Doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
  • Doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 01/3/2020.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính ban hành hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-1.

  1. Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4/2020:

  • Dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người/phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…
  • Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
  • Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
  • Hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ TP Hà Nội, TP HCM đến các nơi khác trên toàn quốc…
  1. Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Nội dung dự thảo Nghị định đều là những giải pháp cấp bách cần phải sớm ban hành. Do vậy, ngày 26/3/2020, Bộ Tài chính đã khẩn trương tổng hợp ý kiến và trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC.

Dưới đây là nội dung tóm tắt của dự thảo Nghị định:

Phạm vi áp dụng: Nghị định này quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

Đối tượng áp dụng:

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau:

– Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (trừ sản xuất ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống).

– Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau: Vận tải đường sắt; vận tải hành khách bằng xe buýt; vận tải đường bộ khác; vận tải đường thủy; vận tải hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; Dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; Giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim.

Danh mục ngành kinh tế nêu trên được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

– Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (tất cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không phân biệt ngành kinh tế hiện chiếm khoảng 93% số doanh nghiệp trong cả nước).

Về thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu):

Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức nêu tại mục 2 nêu trên. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp:

Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 và số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được quy định tại mục 2 nêu trên. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 vào Ngân sách Nhà nước thì doanh nghiệp, tổ chức được bù trừ với số phải nộp của các loại thuế khác.

Về thuế đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh:

Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế nêu tại mục 2 (a, b) nêu trên. Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn trước ngày 15 tháng 12 năm 2020.

Về tiền thuê đất:

Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm mà trên Quyết định, Hợp đồng cho thuê đất có mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế nêu tại mục 2 (a, b) nêu trên. Riêng với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì được gia hạn toàn bộ tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp. Thời gian gia hạn là 05 tháng, kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2020.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đa ngành

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế thuộc đối tượng được gia hạn thì:

– Doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn toàn bộ số thuế giá trị gia tăng, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

  1. Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế Thu nhập cá nhân.

Cụ thể, tại dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, dự kiến sẽ tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như sau:

  • Bản thân người nộp thuế: Tăng từ mức 09 triệu đồng/tháng(108 triệu đồng/năm) lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm). Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế dự kiến tăng 03 triệu đồng/tháng.
  • Người phụ thuộc: Nâng từ mức 3,6 triệu đồng/thángcho mỗi người phụ thuộc lên 4,4 triệu đồng/tháng, tăng 800.000 đồng.

Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua, tối thiểu phải có thu nhập 11 triệu đồng/tháng (trường hợp không có người phụ thuộc) mới phải nộp thuế TNCN.

Bộ Tài chính đề xuất sẽ áp dụng Nghị quyết này trong kỳ tính thuế năm 2020.

Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh (9 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc) sẽ được xác định số thuế TNCN phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới tại Nghị quyết này khi quyết toán thuế TNCN năm 2020 (Quý I/2021).

  1. THÔNG TƯ
  1. Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/03/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao sổ gốc, chứng từ bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Theo đó, việc chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân được quy định như sau:

  • Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định 23/2015.
  • Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
  • Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình.
  • Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

Ngoài ra, Thông tư còn quy đinh Mẫu lời chứng trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản thừa kế hoặc từ chối nhận di sản thừa kế.

Thông tư 01/2020/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 20/4/2020 và thay thế Thông tư 20/2015/TT-BTP ngày 29/12/2015.                                                                                                                           

  1. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo đó, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) đối với khách hàng mà:

  • Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kề từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19; và
  • Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực ngày 13/3/2020.

  1. Thông tư số 06/2020/TT-BCT ngày 24/03/2020 của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Theo đó, Bộ Công Thương bổ sung quy định về De Minimis hàng dệt may tại Điều 29 Thông tư 03/2019/TT-BCT. Cụ thể, Bộ giải thích khái niệm “xe toàn bộ” (wholly formed) tại khoản 3 là: toàn bộ quá trình sản xuất và công đoạn hoàn thiện, bắt đầu từ ép đùn sợi filament, dải, màng hoặc tấm, và bao gồm cả kéo căng sợi filament hoặc cắt màng hoặc tấm thành dải, hoặc công đoạn kéo các loại xơ thành sợi, hoặc cả hai, và cuối cùng thu được sợi thành phẩm (a finished yarn) hoặc sợi chập (plied yarn).

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thay thế 04 phụ lục tại Thông tư 03/2019/TT-BCT bằng các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể, các phụ lục bị thay thế bao gồm: Phụ lục III – Trường hợp ngoại lệ áp dụng De Minimis, Phụ lục IV – Mẫu C/O CPTPP của Việt Nam, Phụ lục V – Mẫu Tờ khai bổ sung C/O mẫu CPTPP của Việt Nam, Phụ lục VI – Hướng dẫn kê khai C/O mẫu CPTPP và Tờ khai bổ sung.

Thông tư 06/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 08/5/2020.

III. QUYẾT ĐỊNH & CÔNG VĂN

  1. Quyết định số 870/QĐ-BYT ngày 12/03/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắng, kháng khuẩn.

Theo đó, cấu trúc yêu cầu đối với khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn phải có tối thiểu 3 lớp:

  • Lớp ngoài cùng là lớp có tính kháng nước, kháng giọt bắn đường hô hấp hoặc kết hợp kháng khuẩn.
  • Các lớp còn lại là lớp lọc, kháng khuẩn (lớp kháng khuẩn là vải kháng khuẩn, nano bạc, than hoạt tính hoặc tương đương.

Bên cạnh đó, quy định chung về yêu cầu kỹ thuật đối với khẩu trang vải kháng giọt bắn đường hô hấp, kháng khuẩn gồm:

  • Không được gây dị ứng da cho người đeo.
  • Bề mặt phải sạch sẽ, không còn đầu chỉ xơ vải và không có lỗi ngoại quan.
  • Dây đeo được kết cấu chắc chắn.
  • Kiểu dáng, kích thước phải đảm bảo che kín mũi và miệng, các mép khẩu trang phải ôm khít khuôn mặt người đeo, không tạo khe hở.

Quyết định 870/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

  1. Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/03/2020 của Bộ Lao động thương binh và xã hội về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Theo đó:

  • Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào Điều 98 Bộ Luật lao động 2012 (BLLĐ) để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc {do lỗi của Người sử dụng lao động (NSDLĐ) hay Người lao động (NLĐ) hay do nguyên nhân khách quan} để xác định trả lương ngừng việc cho NLĐ.
  • Đối với NLĐ thuộc trường hợp sau đây thì tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 BLLĐ (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng):
  • NLĐ là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp (DN) làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
  • NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
  • NLĐ phải ngừng việc do DN hoặc bộ phận DN không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những NLĐ khác trong cùng DN, bộ phận DN đó đang trong thời gian cách ly hoặc chưa được quay trở lại DN làm việc.
  • Đối với DN gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, NSDLĐ có thể tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với Hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định tại Điều 31 BLLĐ:

Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của DN thì NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo Điều 32 BLLĐ.

Nếu DN phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 BLLĐ.

  1. Công văn số 972/BHXH-TCKT ngày 25/03/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hằng tháng qua hệ thống bưu điện trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

 Theo đó, từ tháng 4/2020, cơ quan bưu điện tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hằng tháng bằng tiền mặt tận nhà cho các đối tượng sau đây:

  • Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH (người hưởng) từ 80 tuổi trở lên.
  • Người hưởng dưới 80 tuổi ốm đau, đi lại khó khăn, không tự đến hoặc không ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tại các cơ sở bưu điện đã báo với cơ quan bưu điện để được chi trả tận nhà.
  • Người hưởng bị bệnh mãn tính đang được điều trị ngoại trú đã báo với cơ quan bưu điện để được chi trả tận nhà.

Thời gian chi trả thực hiện theo quy định và tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.

  1. Công văn số 245/TLĐ ngày 18/03/2020 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là những doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên.

Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31/12/2020.

Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn phải nghiêm túc thực hiện và báo cáo tình hình vào ngày 10 hàng tháng về Tổng liên đoàn.

  1. Công văn số 897/TCT-QLN ngày 03/03/2020 của Tổng Cục Thuế  về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, người nộp thuế (NNT) thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC (văn bản hợp nhất 14/VBHN-BTC ngày 15/5/2017) được gia hạn nộp thuế.

Để được giải quyết gia hạn nộp thuế, NNT phải lập và gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp (thành phần hồ sơ thực hiện theo Khoản 3 Điều 31 Thông tư 156).

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo triển khai việc thực hiện miễn tiền chậm nộp thuế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như sau:

+        NNT phải nộp tiền chậm nộp được quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp thuế do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

+        Để được giải quyết miễn tiền chậm nộp, NNT phải lập hồ sơ đề nghị miễn tiền chậm nộp gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (thành phần hồ sơ thực hiện theo Khoản 3 Điều 35 Thông tư 156).

Thủ trưởng cơ quan thuế đã ban hành thông báo tiền chậm nộp có quyền ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp cho NNT.

  1. Công văn số 1519/BYT-MT ngày 24/03/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn đeo khẩu trang phòng chống bệnh COVID-19 cho người dân và cộng đồng.

Theo đó, hướng dẫn cách đeo khẩu trang để phòng chống bệnh COVID-19 như sau:

  • Bước 1: Rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn trước khi đeo khẩu trang.
  • Bước 2: Xác định phần trên, dưới của khẩu trang. Xác định mặt trong, ngoài theo đường may hoặc mặt đậm hơn ở bên ngoài.
  • Bước 3: Đeo và điều chỉnh để khẩu trang che kín mũi, miệng đảm bảo không có khe hở giữa mặt và khẩu trang.

Các tin khác