Ấn tượng Hội diễn văn nghệ ngành Dệt May Việt Nam


Tối 14/6, tại Nhà hát Quân đội (Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Hội diễn văn nghệ ngành dệt may lần thứ nhất năm 2024 (Khu vực miền Nam) kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024) do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức.

Đến dự có ông Huỳnh Thanh Xuân- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam; ông Lê Trung Hải- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cùng lãnh đạo Cơ quan điều hành Tập đoàn, đại diện lãnh đạo, công đoàn các đơn vị tham gia Hội diễn và đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động đến theo dõi, cổ vũ chương trình.

Với chủ đề “Thanh âm trên đường tơ sông lụa”, Hội diễn thu hút 280 cán bộ, đoàn viên, người lao động đến từ 10 đơn vị tham gia với 30 tiết mục đặc sắc nhất được lựa chọn từ cơ sở.

Nhân dịp này, bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam đã ôn lại lịch sử hình thành, phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong 95 năm qua.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm nhấn mạnh, có thể khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử của tổ chức, Công đoàn Việt Nam đã luôn đồng hành với sự phát triển của đất nước, chứng tỏ được vai trò và sứ mệnh của mình, là tổ chức có đầy đủ bản lĩnh và năng lực đại diện cho NLĐ; tập hợp, dẫn dắt đoàn viên, CNVCLĐ cả nước phát huy vai trò tiên phong, hạt nhân chính trị, đoàn kết, đấu tranh, thi đua sản xuất, viết nên trang sử hào hùng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, xứng đáng với lòng tin yêu của các cấp ủy Đảng, chính quyền và NLĐ.

Là tổ chức Công đoàn của một ngành có truyền thống đấu tranh cách mạng, với đội ngũ CNLĐ cần cù, chịu thương chịu khó, năng động, sáng tạo; sự đồng lòng nhất trí của tập thể cán bộ, đoàn viên, NLĐ; sự quan tâm giúp đỡ của Tổng liên đoàn LĐVN, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam và cấp ủy, chính quyền các cấp, Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn nỗ lực, sáng tạo khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các yêu cầu nhiệm vụ; tiếp tục thêu truyền thống, dệt tương lai, vì sự phát triển của từng NLĐ, từng DN và của ngành; đóng góp thiết thực, hiệu quả vào hoạt động công đoàn và phong trào công nhân cả nước.

Bà Tâm cũng cho biết, Hội diễn văn nghệ ngành dệt may lần thứ nhất được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, đồng thời lan tỏa sâu rộng, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào trong CNVCLĐ qua các ca khúc sáng tác về ngành dệt may, những tác phẩm tái hiện truyền thống hào hùng qua các chặng đường lịch sử 95 năm xây dựng và trưởng thành của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Qua đó, mỗi cán bộ, đoàn viên, CNLĐ dệt may hôm nay và mai sau luôn sáng mãi niềm tin, tình yêu công đoàn, lòng yêu nghề, mến nghiệp; để giai điệu tự hào về Công đoàn Việt Nam, về ngành Dệt May Việt Nam mãi mãi ngân vang trên đường tơ sông lụa.

Đến với Hội diễn, mỗi đội đã trình diễn 3 tiết mục ca, múa, nhạc gồm các thể loại tốp ca, đồng ca, hợp ca, hợp xướng; song ca, tam ca, tứ ca và đơn ca ca ngợi về ngành nghề, con người dệt may Việt Nam; ca ngợi giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Mỗi tiết mục đều toát lên tinh thần hứng khởi, giàu cảm xúc và ý nghĩa với sự đầu tư chỉn chu về nội dung, trang phục và kỹ thuật biểu diễn.

Ban tổ chức đã trao hai giải nhất cho đội diễn của Tổng Công ty CP May Việt Tiến và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cùng với đó là 2 giải nhì, 2 giải ba, 4 giải khuyến khích và 4 giải chuyên đề cho các đội.

Nhân dịp này, trong niềm tự hào về tổ chức, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã tiến hành tôn, vinh khen thưởng 10 tập thể điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 11 tập thể tổ chức tốt các hoạt động trong tháng công nhân; 10 tập thể thực hiện tốt chế độ chính sách và ATVSLĐ.

Một tiết mục văn nghệ tại hội diễn

Trao thưởng cho các tập thể tiêu biểu, các đội diễn 

N.G

 


Các tin khác