Ấn Độ “nóng mặt” khi Trump kéo giật nước này khỏi vị thế một quốc gia đang phát triển


Tổng thống Donald Trump đã mở một mặt trận tiềm năng khác trong cuộc chiến thương mại của ông vào thứ Sáu vừa qua, chấm dứt vị trí là một quốc gia đang phát triển của Ấn Độ và do đó loại bỏ ngoại lệ cho phép nước này xuất khẩu gần 2.000 sản phẩm sang Mỹ miễn thuế.

 “Tôi xác định Ấn Độ không đảm bảo với Mỹ sẽ cung cấp quyền truy cập công bằng và hợp lý vào các thị trường của mình,” ông Trump tuyên bố. – “Do đó, việc chấm dứt chỉ định Ấn Độ là một quốc gia đang phát triển được hưởng lợi sẽ có hiệu lực từ ngày 5 tháng 6 năm 2019.”

Hành động này đã được chính quyền ông Trump báo trước trong nhiều tháng, nhằm chấm dứt chế độ ưu đãi của Ấn Độ theo Hệ thống Ưu đãi Tổng quát, một chương trình đã tồn tại hàng thập kỷ được thiết kế để thúc đẩy phát triển kinh tế trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa

Ấn Độ đáp trả rằng họ đã đưa ra các giải pháp cho Mỹ trong các cuộc thảo luận thương mại song phương, nhưng đều không được chấp nhận. Trong khi nước này tiếp tục nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Mỹ, các quyết định thương mại của họ sẽ dựa trên các “mệnh lệnh và mối quan tâm phát triển” của riêng mình, Bộ trưởng thương mại của Ấn Độ nói.

Chính quyền Trump cho biết, những lo ngại về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa của Mỹ được xuất khẩu sang Ấn Độ đã khiến họ rút các lợi ích, bao gồm việc bỏ thuế đối với khoảng 5,7 tỷ đô la nhập khẩu trong năm 2017.

Sự việc này là bước tiếp theo động thái của Trump tháng Năm vừa qua: chấm dứt chế độ thương mại ưu đãi đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia hưởng lợi lớn thứ năm của chương trình – cho phép một số nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ bán sản phẩm miễn thuế ở Mỹ – trong năm 2017 với 1,7 tỷ đô la nhập khẩu. Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất với 5,7 tỷ đô la nhập khẩu vào Hoa Kỳ, theo thông tin từ một Báo cáo nghiên cứu dịch vụ phát hành vào tháng Giêng.

Thông báo chấn động nói trên của Nhà Trắng được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai sau chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử quốc gia vào tuần trước.

Các nhà lập pháp Ấn Độ qua sự kiện trên đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm năng. Theo ông Randeep Surjewala, phát ngôn viên của Đảng Quốc hội, quyết định của ông Trump là quyết định tăng gấp đôi gánh nặng sau khi quốc gia này chịu thua áp lực của Mỹ.

Trong số các ngành có nguy cơ cao nhất sẽ là nông nghiệp, phụ tùng ô tô và dược phẩm, Surjewala nói. “Chúng tôi kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi đưa ra tuyên bố toàn diện về vấn đề này đối với quốc gia và chỉ ra con đường cho công chúng tiến lên để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và thương mại nghiêm trọng này”, ông Surjewala nói với các phóng viên ở New Delhi.

Các nhà xuất khẩu Ấn Độ có thể phải từ bỏ lợi ích trị giá 260 triệu USD sau khi bị Mỹ chấm dứt ưu đãi, Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ cho biết.

Trong thực tế, thì cảnh báo Nhà Trắng có thể cắt giảm ưu đãi của Ấn Độ đã được đưa ra nhiều tháng trước, nhưng chính quyền Trump đã quyết định thông báo chính thức sau cuộc bầu cử của Ấn Độ để tránh làm tổn thương ông Modi về mặt chính trị.

Người đại diện thương mại Mỹ – Robert Lighthizer – ngày càng khó chịu trước các rào cản và tập quán thương mại của Ấn Độ, đã thất vọng từ lâu với quốc gia tự coi mình là một quốc gia đang phát triển tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tuy nhiên đầu tuần này Trump đã loại Ấn Độ khỏi danh sách giám sát tiền tệ của các đối tác thương mại lớn – Ấn Độ đã được thêm vào danh sách một năm trước – và Ngoại trưởng Michael Pompeo đã gọi quốc gia này là “đồng minh tuyệt vời”.

Thông báo tháng Ba vừa qua đã cho Ấn Độ hai tháng để giải quyết vấn đề của chính quyền trước khi ông Trump chấm dứt ưu đãi thuế quan.

Tuyên bố do Nhà Trắng ban hành hôm thứ Sáu cũng chỉ định các sản phẩm pin mặt trời và máy giặt từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu thuế do Trump áp đặt vào năm 2018. Cả hai quốc gia này đã được miễn thuế nhờ vị thế là các nước đang phát triển.

Dan Anthony, giám đốc điều hành Liên minh GSP, một tập đoàn thương mại, nói rằng quyết định này ‘sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ phải trả hơn 300 triệu đô la thuế quan mỗi năm.”

“Không có ai chiến thắng trong quyết định ngày hôm nay,” Anthony nói thêm. “Các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ trả nhiều tiền hơn, trong khi một số nhà xuất khẩu của Mỹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rào cản tiếp cận thị trường hiện tại ở Ấn Độ và những đối tượng khác, bao gồm cả nông dân, rất có thể là đối tượng phải chịu mức thuế trả đũa mới.”

Theo Bloomberg


Các tin khác