Nền công nghiệp dệt may nín thở mong đợi!
Đại dịch Covid-19 lây lan khắp toàn cầu, không chỉ trực tiếp lấy đi mạng sống của nhiều bệnh nhân, mà còn làm phát sinh một virus vô cùng nguy hiểm khác – virus sợ hãi, đình trệ gây nên cuộc khủng hoảng chưa từng có trong ngành công nghiệp dệt may thế giới.
Nửa cuối tháng 3/2020 chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu điêu đứng vì các lệnh hủy, hoãn, giãn đơn hàng đã ký từ các nhà mua, khách hàng. Nhiều tỷ USD nằm trong hàng hóa đã sản xuất phải ở trong kho, hoặc vẫn đang sản xuất trong các nhà máy ,… không thể chuyển hóa thành lương, thành đời sống thường nhật cho người lao động.
Những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn gồm Ấn Độ, Ai Cập, Bangladesh, Ethiopia, Pakistan, Srilanka, Việt Nam… Đại diện các tổ chức dệt may của các quốc gia này đã đồng loạt lên tiếng kêu cứu, khi 100% các nhà máy của họ thiếu việc làm, cạn nguồn tài chính, dẫn đến công nhân và gia đình của họ đứng trước nguy cơ đói, nợ và hàng loạt rủi ro an sinh xã hội khác đi theo.
Bà Smriti Irani – Bộ trưởng danh dự Bộ Dệt May Ấn Độ đã kêu gọi các nhà mua hàng, các chủ thương hiệu toàn cầu không nên hủy bất cứ một hợp đồng nào, dù nhỏ nhất, khi đã hoàn thành sản xuất. Việc giao hàng có thể trì hoãn, thời gian thanh toán có thể nới rộng, nhưng điều cơ bản cần được thống nhất giữa các bên là cần tiếp tục làm việc với nhau.
Tiến sĩ Rubana HAQ – Chủ tịch Hội các nhà xuất khẩu may mặc Bangladesh lại nhấn mạnh rằng, qua nhiều năm, các hãng may mặc đã hưởng lợi nhiều từ nguồn lao động giá rẻ tại Bangladesh, thì nay, trong cơn khủng hoảng đại dịch Covid-19, họ cần có động thái trợ giúp lại công nhân dệt may tại nước này, vốn chỉ có thu nhập chừng 100 USD/tháng.
Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), đất nước với hơn 2,8 triệu người lao động trực tiếp trong ngành dệt may, hơn 6 triệu người phụ thuộc vào doanh thu của ngành công nghiệp dệt may, cho biết: “Tổng số 9 triệu người ở Việt Nam đang đối mặt với khó khăn, bởi tác động từ việc hủy, giãn đơn hàng này, cho dù đã ở điều kiện sống tối thiểu. Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vitas – đại diện cho các DN DMVN mong muốn các đối tác đã đặt hàng, chỉ nên giãn thời gian giao hàng, giảm tối thiểu việc hủy đơn hàng, nhưng cần thanh toán đúng hạn các khoản đối với hàng hóa đã sản xuất xong, chờ ngày xuất khẩu, và hỗ trợ cho các nhà máy may ở Việt Nam trang trải một phần chi phí lương cho người lao động bằng các khoản thanh toán cho đơn hàng đã đặt hàng, nhưng chưa sản xuất do việc giãn thời gian giao hàng.
Ông Wilson Chu – Giám đốc điều hành Li & Fung (Hongkong) cũng đưa ra giải pháp là các nhà mua hãy chuyển đơn hàng, thay vì hủy, trả một phần tiền cho những đơn hàng đã sản xuất, giữ lại vải cho năm tới. Trả tiền trước, nhận hàng sau. Bán hạ giá hàng tại thị trường địa phương để giải quyết sạch hàng tồn kho…
Tiếng kêu cứu khẩn thiết từ chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu cũng bước đầu mang lại kết quả đáng mừng. Các bên đều nhận ra rằng, nguồn lực lao động chính là nguồn sống của toàn chuỗi. Do đó, điều đầu tiên cần làm trong khủng hoảng, là chăm sóc, quan tâm nguồn lực đó. “Công nhân của chúng ta cũng là cuộc sống của chúng ta.” – Ông Imtiaz Shuvo – Giám đốc marketing và bán hàng Tập đoàn Mahdeen khẳng định, và đưa ra những tin vui: “Cuối cùng thì các thương hiệu Inditex, Marks & Spencer, PVH, Target, Kiabi đã quyết định duy trì đơn hàng đã sản xuất, theo tấm gương đáng trân trọng của hãng H & M. Liệu sau đây còn các hãng nào sẽ tiếp tục duy trì sự tồn tại của chuỗi cung ứng may mặc toàn cầu và cuộc sống của công nhân thông qua cam kết của họ? Chúng ta mong và hy vọng sẽ có thêm những tin tốt nữa. Tổng số 6 hãng đã lên tiếng duy trì đơn hàng đã sản xuất.”
Như vậy, 5 hãng danh tiếng đã theo gương của H & M, nhưng còn nhiều các hãng khác nữa chưa có động thái nào trước lời kêu gọi khẩn thiết trên. Và toàn bộ nền công nghiệp dệt may toàn cầu với trị giá xuất khẩu 741,2 tỷ USD/năm này đang nín thở mong đợi!
KBH
(Tổng hợp)