Doanh nghiệp thuộc Vinatex tại Huế cần thiết kế mô hình tổ chức linh hoạt, nhanh nhạy, quyết đoán
Chiều 04/02/2025 (tức mùng 7 tết), đoàn công tác của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) với sự tham dự của ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc, ông Phạm Văn Tân- Phó Tổng Giám đốc thường trực và ông Nguyễn Đức Trị- Phó Tổng Giám đốc đã đến thăm và làm việc với các đơn vị thuộc Tập đoàn tại TP. Huế.
Thay mặt Lãnh đạo Tập đoàn, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch Hội đồng Quản trị gửi tới toàn thể Lãnh đạo, CBNV và người lao động lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc các doanh nghiệp có 1 năm kinh doanh nhất bản vạn lợi, qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai.
Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh, ngoại trừ các tỉnh phía Bắc thì Huế là địa điểm đầu tiên mà Lãnh đạo Tập đoàn lựa chọn để đến thăm và làm việc trong những ngày đầu xuân. Bởi lẽ đây là nơi duy nhất trên cả nước, các doanh nghiệp đã cùng nhau tổ chức buổi gặp mặt đầu xuân thân mật, đầm ấm và đoàn kết. Đây cũng là biểu tượng để lan tỏa, nhân rộng trong toàn Tập đoàn về sự gắn bó, đoàn kết, hội tụ. Cũng nhân dịp này, Lãnh đạo Tập đoàn trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Bá Quang- nguyên Chủ tịch Công ty CP Dệt May Huế, ông Hoàng Văn Thám- nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Bài và các thế hệ lãnh đạo các thời kỳ đã hết sức quan tâm, nhiệt tình với các doanh nghiệp nơi đây. Tập đoàn hết sức tự hào khi Vinatex có vốn ở 3 đơn vị trên địa bàn Huế thì cả 3 đơn vị đều có hiệu quả trong năm 2024. Nếu tính đến các đơn vị liên kết thì Tập đoàn có 8 đơn vị. Điều đáng mừng, trong năm 2024, không có địa bàn nào mà cả 100% đơn vị đều hoạt động có hiệu quả. Lãnh đạo Tập đoàn ghi nhận và trân trọng cảm ơn Lãnh đạo các doanh nghiệp, toàn thể CBNV, người lao động vì những đóng góp tại địa bàn Huế đối với các cổ đông, trong đó cổ đông hưởng lợi nhiều nhất là cổ đông Vinatex.
Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex chúc Tết các đơn vị thành viên tại TP. Huế
Năm 2025 được dự báo có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với 2024. Tuy nhiên cơ hội chỉ thực sự thăng hoa tạo nên thành quả với những ai biết tận dụng cơ hội, có khả năng tổng hợp sức mạnh của mình và tập thể để nắm bắt nhanh thời cơ. Kết quả đáng tự hào năm 2024 của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Huế có lẽ là lời chúc mừng tốt đẹp nhất đối với các doanh nghiệp của Vinatex trên địa bàn Huế nhân dịp năm mới, là lời chúc mừng đối với TP. Huế khi được nâng cấp thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 01/01/2025. Cũng chính vì điều này mà trách nhiệm của chúng ta đối với tỉnh, với địa phương, nay là thành phố lại càng phải cao hơn. Đóng góp ngân sách, sản xuất xanh, sạch, chăm lo tốt cho người lao động sẽ thành những tiêu chí quan trọng mà chúng ta cần phấn đấu nhiều hơn so với những năm còn là 1 tỉnh, có các huyện, thậm chí còn có huyện nghèo như A Lưới. Khi đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì không thể kéo dài việc không tự chủ được ngân sách mà thuế VAT và thuế thu nhập là nguồn chính từ các doanh nghiệp. Trên địa bàn Huế, 70% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là dệt may. Chính vì thế, trách nhiệm của chúng ta ngày càng nặng nề hơn và vì thế đòi hỏi phải sáng tạo hơn. Không thể duy trì phương thức cũ trong điều kiện mới. Thời cơ nhiều, thách thức cũng không ít, cơ hội có nhưng thường rất nhanh, ngắn, vì thế Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn các doanh nghiệp thuộc Vinatex tại Huế thiết kế mô hình tổ chức thật linh hoạt và nhanh nhạy, quyết đoán, không thể nằm ở vùng an toàn trong nhiều năm. Chúng ta sẽ phải có những đổi mới và mong muốn các đơn vị kể cả các đơn vị liên kết cùng suy nghĩ về con đường hiện đại hóa ngành sợi, ngành dệt may tại khu vực TP. Huế. 12 đơn vị sợi của Tập đoàn trong 2 năm qua với xấp xỉ 1 triệu cọc sợi, 20 nhà máy trên cả nước thực tế đang sinh hoạt như một mô hình công ty chung. Mua bán nguyên liệu, lựa chọn thời điểm đàm phán đầu tư, đàm phán phụ tùng, tất cả đều làm chung và đều có lợi. Minh chứng là năm qua, hệ thống đầu tư tại Hòa Thọ, Phú Hưng, Phú Bài đều có ưu đãi rất tốt từ phía nhà cung cấp. Tập đoàn muốn nhấn mạnh rằng, Tập đoàn không chỉ ủng hộ các công ty con của Tập đoàn mà sẵn sẵng hỗ trợ các đơn vị liên kết (Phú Việt, Phú Mai, Phú Nam,…). Quan trọng là các đơn vị kinh doanh thành công. “Bần cư trung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm”. Khi thành công, giàu có thì nhiều khách hàng, đối tác, hệ thống tài chính và người sẽ luôn tìm đến với chúng ta. Vì thế, chúng ta phải quyết tâm để thành công để chăm lo cho người lao động, chăm lo cho chính mình, chăm lo cho địa phương và tạo được vị thế vững vàng.
Năm 2025 mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt là sự quay trở lại của ngành sợi, nhất là sợi cotton, cotton sạch. Xu hướng của thế giới hiện nay là tái chế và tuần hoàn nhưng chi phí tái chế, tuần hoàn quá lớn. Chính sản phẩm cotton thuần là sản phẩm luôn phân hủy hoàn toàn, là sản phẩm sạch dù không tuần hoàn nhưng ko tạo thành rác thải. Đây chính là lợi thế của các doanh nghiệp sợi trên địa bàn Huế. Sản phẩm cotton có cơ hội quay trở lại nhưng phải quay trở lại với xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và là bông hữu cơ, bông sạch, không tạo rác thải nguy hại cho thế giới. Đây là những nhìn nhận mới, hướng đi mới mà chúng ta có thể kiên định trong hệ thống công nghệ sản xuất của mình, nâng cao chất lượng, nâng cao trình độ tự động hóa, tiếp tục giảm lượng lao động trên cọc sợi, vươn tới ngưỡng thu nhập 700 USD/người/tháng vào năm 2030. Đây cũng là xu hướng phát triển của thành phố, của cả nước và chúng ta không thể nằm ngoài xu hướng đó. Ngành dệt may tăng trưởng 8% về doanh thu thì không có ý nghĩa lớn nhưng tăng trưởng 8% về giá trị gia tăng thì ý nghĩa rất lớn, nhất là giá trị gia tăng trên đầu người. Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn các đơn vị hãy chuyển hóa sự đoàn kết gắn bó đó thành hành động cụ thể trong sản xuất kinh doanh, để cùng tiến, cùng có lợi.
Năm 2025, Tập đoàn dự kiến xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển ngành sợi tại Huế. Đây là vấn đề hết sức khó, bởi lẽ sau khi nghiên cứu xong thì phải tính toán triển khai hàng loạt trên 12 doanh nghiệp sợi như thế nào. Chúng ta phải tìm con đường để ít bị ảnh hưởng của giá nguyên liệu, ảnh hưởng của thị trường lớn từ Trung Quốc. Quan trọng nhất là đầu bài cho nghiên cứu phát triển ngành sợi là gì, từ đó dẫn đến quyết định đầu tư mặt hàng gì, chuyển giao cho ai. Rất mong các cán bộ đã có thâm niên, kinh nghiệm trong ngành sợi cùng tham gia với Tập đoàn để tìm ra đối tượng nghiên cứu.
Ngành may cất cánh được ở nhiều nơi là vì làm được ODM, FOB thực sự. Nhiều đơn vị có những trung tâm thiết kế riêng như Phong Phú Quốc tế, Việt Tiến. Cùng với việc nghiên cứu phát triển sợi thì Dệt May Huế cần nâng cao công suất của hệ thống dệt kim, nhuộm bằng những công nghệ mới tiết kiệm nước, xả thải ít, hạn mức xả thải không thay đổi nhưng sản lượng tăng gấp đôi gấp ba, làm chủ được thêm vải dệt kim, nhất là vải dệt kim bằng các loại sợi tổng hợp, là lợi thế riêng có của Dệt May Huế để hướng tới các sản phẩm ODM. Chúng ta có rất nhiều cơ hội để phát triển, tiếp cận công nghệ mới, chấp nhận đầu tư để chuyển đổi mô hình. Trong ngày đầu năm mới, chúng ta cùng nhìn về một năm với rất nhiều nhiệm vụ khả thi để cùng tiếp tục phấn đấu cho khu vực Huế là trái ngọt cả Tập đoàn, của cổ đông và người lao động tại khu vực Huế.
Lãnh đạo Tập đoàn chúc Tổng giám đốc 3 doanh nghiệp dệt may của Tập đoàn tại Huế lãnh đạo bằng năng lực, không bằng quyền lực, lãnh đạo bằng uy tín, không bằng uy quyền, lãnh đạo bằng pháp lý rõ ràng nhưng không được quên đạo lý. Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đồng hành hoạt động thành công, gắn bó với tình nghĩa vững bền.
PV