Rộn ràng không khí mở máy khai xuân Ất Tỵ 2025


Ngày 01/2, Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) do ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT và ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc đã tới chúc Tết, mở máy khai xuân tại Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định và Công ty TNHH MTV Dệt 8-3.

Tại Nam Định, đoàn công tác đã tới dâng hương Tổ nghề và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Dệt May. Chủ tịch Lê Tiến Trường đã ghi sổ lưu bút với ý nguyện tập thể Vinatex sẽ tiếp nối truyền thống, trở thành tập thể “Cởi mở- Dân chủ- Tinh hoa” cùng đồng lòng phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lãnh đạo Tập đoàn dâng hương và ghi lưu bút tại Bảo tàng Dệt May 

Sau khi dâng hương, đoàn công tác đã tới chúc Tết, thăm hỏi động viên CBNV và NLĐ tại Nhà máy Sợi Hòa Xá, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco). Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường cho biết, năm 2024 là một năm đổi mới của Natexco với những đổi mới “tự thân” và cũng có những đổi mới nhờ vào sự chỉ đạo của Tập đoàn và sự hỗ trợ các đơn vị thành viên trong hệ thống. Nhờ đó, Natexco đã có sự thay đổi bước đầu, tiến bộ hơn trong tổ chức sản xuất, quản lý vận hành… Đồng thời, với dự án vải chống cháy giữa Vinatex và Tập đoàn Coats, Natexco cũng có sự nỗ lực đáng ghi nhận khi Tập đoàn Coats đã lựa chọn Việt Nam là đơn vị sản xuất sản phẩm vải chống cháy duy nhất để đưa ra toàn cầu sau khi triển khai thử nghiệm tại 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Sau Hội nghị toàn cầu của Tập đoàn Coats, Coats Việt Nam đã ký kết ngay các văn bản để Vinatex có thể triển khai những đơn hàng trong năm 2025, dự kiến quy mô đơn hàng có thể tăng lên 10 triệu USD so với cam kết của Coats là 5 triệu USD, đồng thời xem xét sản xuất sợi chống cháy ngay tại Việt Nam thay vì phải nhập khẩu như hiện nay. Nếu như Việt Nam có thể sản xuất sợi, đây sẽ là thế mạnh khi Việt Nam là quốc gia duy nhất có đầy đủ chuỗi cung ứng từ sợi – dệt – nhuộm – may so với các quốc gia khác mà Coats đã thử nghiệm cho mặt hàng này.

Với ngành Sợi của Natexco, nhờ sự hỗ trợ cả về nhân lực, vật lực của Tập đoàn, của các đơn vị thành viên trong hệ thống và sự bứt phá nội tại đã có sự tiến bộ rõ rệt về chất lượng, sản lượng sản phẩm. Cùng với sự hỗ trợ của nhóm Kinh doanh trong tháng 1/2025, Natexco đã có đủ đơn hàng tới hết tháng 4/2025, cũng như tiết kiệm được 60% những khâu không mang lại giá trị trong sản xuất so với thời gian trước đó. Cùng với đó, đội ngũ nhân sự của Natexco cũng có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, tiệm cận với các đơn vị ngành sợi lớn như Hòa Thọ, Vinatex Phú Hưng, Sợi Phú Bài…

“Có thể nói, với sự hỗ trợ từ bên ngoài và nỗ lực từ bên trong đã tạo ra xuất phát điểm mới trong năm 2025 cho Natexco, giúp đơn vị tự tin, chủ động hơn so với những năm trước, bao gồm cả ngành Sợi, ngành Dệt. Tuy nhiên, sự thành công trong năm 2025 còn phụ thuộc vào bàn tay và đội ngũ nhân sự của Dệt May Nam Định khi thời gian hỗ trợ của Tập đoàn và các đơn vị trong hệ thống không còn nhiều. Thời gian tới, Natexco sau khi tiếp quản cần phải tự chủ, chủ động trong sản xuất, điều hành và kinh doanh, tiếp tục giữ vững và định vị được chất lượng của ngành Sợi. Tiến tới năm 2026, Natexco là đơn vị tự chủ hoàn toàn, không còn là đơn vị cần sự hỗ trợ của Tập đoàn như thời gian vừa qua” – Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu bấm nút mở máy khai xuân tại Nhà máy Sợi Hòa Xá

Lãnh đạo Tập đoàn trao quà Tết cho người lao động

Cũng trong dịp này, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đã bấm nút mở máy khai xuân tại Nhà máy Sợi Hòa Xá; Trao quà tết động viên NLĐ đã trở lại làm việc ngay trong những ngày đầu của năm mới Ất Tỵ.

Lãnh đạo Tập đoàn kiểm tra công tác vận hành sản xuất

Lãnh đạo Tập đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng Ban lãnh đạo, CBNV Natexco

Náo nức khí thế ra quân đầu năm mới, chị Trần Thị Huyền- Giám đốc Nhà máy Sợi Hòa Xá cho biết, sự quan tâm của Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định là động lực để tập thể hơn 200 CBNV-NLĐ Nhà máy quyết tâm thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Mỗi người lao động sẽ nỗ lực thi đua đổi mới, sáng tạo và không ngừng học hỏi để cải tiến cách làm mới, phương thức sản xuất mới, phát huy cao nhất hiệu quả của 3,1 vạn cọc sợi.

Tại Nhà máy Sợi Yên Mỹ, Công ty TNHH MTV Dệt 8-3, thăm chúc Tết và triển khai nhiệm vụ đầu năm tới Lãnh đạo, CBNV và NLĐ Công ty, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho biết, Dệt 8-3 và Natexco là 2 đơn vị mở máy sản xuất sớm nhất của Tập đoàn tại khu vực miền Bắc. Sau 3 năm khó khăn nhất của ngành Sợi, kéo dài từ nửa cuối năm 2022 tới nay, những nỗ lực của các đơn vị ngành Sợi đã cho thấy sự kiên cường của các đơn vị sản xuất sợi trong hệ thống, mặc dù liên tục phải xuất dưới giá thành để duy trì việc làm cho NLĐ. Thực tế cho thấy, chưa có công nghệ kéo sợi nào mới ngoài công nghệ kéo sợi nồi cọc để sản xuất ra vải, do đó khi thị trường khởi sắc thì những đơn vị nhẫn nại nhất, kiên cường nhất sẽ có những cơ hội để quay lại thị trường.

Với những yêu cầu mới ngày càng khắt khe về chất lượng, xuất xứ, thì Dệt 8-3 cần chuẩn bị tốt hơn về vấn đề truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng tốt, giá thành hợp lý cho thị trường chính là Trung Quốc. Cùng với đó, dự án nhà máy 1 cũng đã hoạt động được 10 năm và chuẩn bị hết vòng đời khấu hao của nhà máy. Do đó, ban lãnh đạo công ty cần lên phương án đầu tư chiều sâu, tính toán các phương án để nâng cao tự động hóa, giảm bớt các khâu cần nhiều nhân công như: đóng gói, chuyển từ máy thô sang máy con… khi tình hình tuyển dụng lao động ngày càng khó khăn, nhất là khu vực Hưng Yên có sự cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt. Cùng với đó, tính toán lại mặt hàng có thể cân nhắc đa dạng hóa sản phẩm thay vì một mặt hàng cho cả 2 nhà máy, 1 nhà máy sản xuất sợi cotton chi số thấp Ne 8-10 và 1 nhà máy chi số cao hơn Ne từ 20 tới 22 để giảm bớt lao động khi sợi chi số thấp có sản lượng cao, cần nhiều lao động trong vận hành sản xuất.

Chủ tịch Lê Tiến Trường tặng quà cho Ban Lãnh đạo Dệt 8-3

Giao nhiệm vụ cho Dệt 8-3, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho biết ngay trong ngày đầu năm mới, Ban lãnh đạo Công ty cần lên ngay phương án tái cấu trúc nhà máy số 1 và số 2 về công nghệ sau khi nhà máy số 1 hết khấu hao, có sự dịch chuyển mặt hàng, chi số sợi giữa 2 nhà máy để tham gia sâu hơn vào thị trường, khai thác tối đa công suất khi ổn định được lực lượng lao động… để báo cáo Ban SXKD Sợi và Lãnh đạo Tập đoàn tính toán các phương án cho hoạt động SXKD của Dệt 8-3 trong thời gian tới.

Lãnh đạo Tập đoàn trao đổi về công tác đầu tư chiều sâu tại Nhà máy Sợi số 1

Đến mở máy sản xuất từ 7h sáng ngày 01/2, anh Nguyễn Đăng Phương- bộ phận bông chải ghép thô Nhà máy Sợi Yên Mỹ bộc bạch, khí thế ra quân đầu năm sôi nổi, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo Nhà máy và mỗi người lao động vào một năm linh hoạt vượt khó, sáng tạo để nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng. Mong rằng Nhà máy sẽ có bước phát triển, người lao động có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo.

PV


Các tin khác