Top sự kiện tiêu biểu Vinatex năm 2024
Sản xuất vải chống cháy, tìm cơ hội tại thị trường ngách
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Coats (Vương Quốc Anh) đã thực hiện Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong sản xuất vải và trang phục chống cháy. Đây là bước đi thử nghiệm để nghiên cứu và tìm kiếm thị trường ngách, một hướng đi thoát khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường ngày càng cạnh tranh gay gắt, mở ra hướng đi mới cùng Tập đoàn Coats với doanh thu năm 2025 dự kiến là 4 triệu USD.
Khai trương Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex
Việc thành lập Vinatex PD&B là bước đi mới của Vinatex, hướng tới việc hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển đổi sang tự sản xuất, thiết kế (ODM). Với các đơn vị sản xuất nguyên phụ liệu, sự phát triển của Trung tâm PD&B cũng là bước tiến quan trọng giúp cho việc sản xuất các mặt hàng vải dệt thoi, dệt kim có thể bước chân ra ngoài thế giới.
Hoàn thành vượt mức kế hoạch SXKD – tăng thu nhập người lao động:
Năm 2024, ngành Dệt May Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt May nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thị trường đem lại. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Tập đoàn đã kịp thời dự báo và đưa ra các giải pháp bám sát diễn biến thị trường. Kết quả, doanh thu của Tập đoàn ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; Thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023.
Đổi mới đánh giá hoạt động người đại diện thông qua hoạt động tại đơn vị
Tổ chức 3 đoàn công tác làm việc trực tiếp tại 19 đơn vị thành viên để phân tích hoạt động người đại diện thông qua việc điều hành hoạt động của đơn vị (Quản trị chung, thị trường, sản xuất, tài chính và nhân lực). Có thư quản lý để ghi nhận đóng góp của Tập đoàn và khuyến nghị cải thiện.
Cập nhật thông tin thị trường từ các hội thảo, ấn phẩm chuyên đề
Định kỳ hàng tháng Vinatex Định kỳ hàng tháng cung cấp các thông tin nghiên cứu thị trường thông qua các cuộc hội thảo, trong các cuộc họp sơ kết, tổng kết và gửi bài, video qua email. Nhiều hội thảo do trực tiếp lãnh đạo Tập đoàn, các chuyên gia hàng đầu về kinh tế trình bày và cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường để các doanh nghiệp thành viên chủ động ứng phó trước những biến động khó lường do thị trường mang lại.
Lần đầu tiên, Vinatex xây dựng và phát hành ấn phẩm về thị trường, định hướng xây dựng kế hoạch 2025 gửi đến các doanh nghiệp trong hệ thống với những nội dung phân tích chuyên sâu về thị trường nguyên liệu, kinh tế thế giới và Việt Nam, dự báo thị trường dệt may năm 2025, các yếu tố đầu vào và mục tiêu SXKD năm 2025; từ đó đưa ra các lưu ý với doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch năm.
Quy tụ nhiều doanh nghiệp tham gia Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt May – Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2024 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội
Triển lãm trưng bày những xu hướng, công nghệ mới nhất trong sản xuất nguyên liệu dệt may và các loại vải đa dạng, đồng thời tập trung vào các thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế về thiết bị, máy móc dệt may. Triển lãm đón tiếp gần 20.000 lượt khách tham quan thương mại, mang lại cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, cập nhật thông tin, học hỏi kinh nghiệm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tại thị trường dệt may của khu vực phía Bắc.
“Xanh hóa và phát triển bền vững” trong Lao động sáng tạo ngành Dệt May Việt Nam năm 2024
Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May Việt Nam năm 2024 diễn ra với các nội dung bảo vệ đề tài giải pháp, trưng bày các mô hình, mẫu vật sáng tạo với chủ đề “Xanh hóa và phát triển bền vững”, triển lãm ảnh về đề tài Lao động sáng tạo, khen thưởng các tập thể/cá nhân lao động sáng tạo tiêu biểu. Từ hơn 1.700 sáng kiến được ứng dụng, làm lợi gần 58 tỷ đồng tại cấp cơ sở, đã chọn lựa ra 73 đề tài lọt vào vòng chung khảo để tổ chức bảo vệ, giới thiệu, chia sẻ tại Ngày hội.
Âm vang thanh âm trên đường tơ- sông lụa
Tổ chức thành công Hội diễn văn nghệ ngành Dệt May Việt Nam tại 3 miền gồm những ca khúc mới sáng tác về ngành với sự tham gia biểu diễn của gần 1.200 đoàn viên công đoàn đến từ các CĐCS. Qua đó, mỗi cán bộ, đoàn viên, CNLĐ dệt may hôm nay và mai sau luôn sáng mãi niềm tin, tình yêu công đoàn, lòng yêu nghề, mến nghiệp; để giai điệu tự hào về Công đoàn Việt Nam, về ngành Dệt May Việt Nam mãi mãi ngân vang trên đường tơ sông lụa.
Làm tốt các hoạt động xã hội từ thiện vì cộng đồng, chăm lo người lao động
Quyên góp, hỗ trợ NLĐ và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ với số tiền thu được là 4,65 tỷ đồng; tổ chức “Hành trình đỏ” Bắc, Trung, Nam hiến máu tình nguyện, với sự hưởng ứng của 1.250 đoàn viên, NLĐ, tiếp nhận 1.200 đơn vị máu; cùng nhiều hoạt động vì cộng đồng, an sinh xã hội khác như phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, nuôi trẻ mồ côi, hỗ trợ đồng bào khó khăn…
Tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình”: Có trên 1.990 cán bộ, đoàn viên, NLĐ được Công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 NLĐ được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho NLĐ dự kiến là trên 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở).