HTU khai giảng năm học 2024 – 2025 và Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam


Sáng 11/11 tại Hà Nội, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) tổ chức khai giảng năm học 2024 – 2025 và Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024). Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Chủ tịch Hội đồng trường tới dự và đánh trống khai giảng năm học mới.

Văn nghệ chào mừng buổi Lễ

Toàn cảnh buổi Lễ

Cùng dự có bà Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; Lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn; Lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may lớn khu vực miền Bắc. Về phía HTU có đại diện Ban giám hiệu HTU các thời kỳ; TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU, các thầy cô trong Ban giám hiệu và giảng viên, sinh viên nhà trường.

TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU phát biểu khai giảng năm học 2024 – 2025

Phát biểu khai giảng năm học mới và kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường đã dành lời chúc tốt đẹp nhất tới hơn 1.000 tân sinh viên Đại học khóa 9 và Cao đẳng khóa 20 của HTU.

TS. Hoàng Xuân Hiệp nhắn nhủ: “Hy vọng các tân sinh viên sẽ sớm nhận thấy hành trình mới của mình tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thật ý nghĩa và xứng đáng để trải nghiệm học tập và nghiên cứu khoa học tại trường- một cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng, luôn chủ động và nỗ lực thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho gần 4.000 sinh viên trong khả năng của mình. Ngay từ thời điểm khai giảng này, các em cần lập kế hoạch học tập cụ thể, phát huy sự sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và đặc biệt là trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp. Việc học không chỉ dừng lại ở nhớ được các kiến thức có sẵn, mà còn là hành trình dùng những kiến thức có được để giải quyết vấn đề thực tiễn, đó cũng chính là quá trình phát triển năng lực của bản thân từ khi còn ngồi trong giảng đường đại học. Hãy là những người trẻ sống có trách nhiệm, tự chủ, luôn nỗ lực làm giàu thêm hành trang của mình không chỉ bằng tri thức, kỹ năng chuyên môn, tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế mà còn bằng tình bạn, sự sẻ chia và các mối quan hệ xã hội”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc trang bị kỹ năng mềm trong quá trình 4 năm tu dưỡng và rèn luyện tại HTU, TS. Hoàng Xuân Hiệp dẫn chứng những số liệu về kết quả khảo sát của Nhà trường đối với sinh viên ra trường. Trong đợt khảo sát tháng 7/2024 về tình  hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học khóa 4 (tốt nghiệp tháng 7/2023) đối với 852 sinh viên. Kết quả, có 792 em trả lời bài khảo sát, 769 người có việc làm (chiếm 97,1%) với mức lương trung bình là 9 triệu đồng/tháng; 51,3% sinh viên có thu nhập từ 8-12 triệu đồng/tháng; 9,5% có thu nhập hơn 12 triệu đồng/tháng trong đó bạn có thu nhập cao nhất  là 40 triệu đồng/tháng. Cũng qua kết quả khảo sát cho thấy, 12 tháng sau tốt nghiệp, có 6,38% sinh viên giữ vị trí quản lý và 82,9% sinh viên đảm nhiệm vị trí cán bộ kỹ thuật và 4,2% sinh viên tự khởi nghiệp kinh doanh.

Tặng hoa tri ân Ban giám hiệu HTU các thời kỳ và đại diện các Khoa

Đối với các giảng viên, thầy cô đang công tác tại HTU, Hiệu trưởng HTU cũng chia sẻ về mô hình dạy học trong bối cảnh mới, mô hình thầy giáo biết 10 để dạy 1 không còn tối ưu trong bối cảnh hiện nay khi mà chỉ 6-12 tháng thì lượng thông tin trên thế giới đã tăng gấp đôi. Mặt khác, với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo như ChatGPT là một điển hình thì người học có thể tiếp cận thông tin hết sức chủ động và nhanh chóng chứ không chỉ tiếp nhận thông tin trong lớp học. Chính vì vậy nếu giảng viên giảng dạy theo hướng thuần túy truyền thụ kiến thức là hoàn toàn không còn phù hợp mà cần thiết phải chuyển căn bản sang hướng dẫn sinh viên phát triển năng lực và phẩm chất của mình. Người thầy phải có khả năng định hướng, tạo cảm hứng cho sinh viên tự tìm hiểu, áp dụng  kiến  thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn để từ đó phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tế.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường đánh trống khai giảng năm học mới

… và phát biểu chỉ đạo

Đánh trống khai giảng năm học mới và chúc mừng tập thể Ban giám hiệu, giảng viên nhà trường nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường chia sẻ, chọn dệt may là ngành học đại học là lựa chọn không phải dễ dàng đối với các em tân sinh viên khi mà những năm qua những thông tin trên các thông tin đại chúng bức tranh xuất khẩu dệt may không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, đây vẫn là một ngành đóng vai trò trọng điểm trong xuất khẩu của cả nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, có tỷ trọng xuất siêu lớn nhất cả nước nhiều năm. Với những quốc gia phát triển, hiện nay nhiều nước vẫn còn sản xuất dệt may, do đó dư địa của ngành dệt may tại Việt Nam có thể tiếp tục phát triển trong 20 – 30 năm tới. Sản xuất dệt may sẽ không chỉ đơn thuần làm gia công để xuất khẩu mà sẽ tiến lên sản xuất hiện đại để tiệm cận với mức thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 USD/người/năm. Do đó, sẽ cần tới đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cao, được trang bị đầy đủ các kiến thức về AI, tự động hóa, robot và chuyển đổi số… để chuyển đổi ngành dệt may sang ngành có trình độ tự động hóa cao, thu nhập có sự cạnh tranh sòng phẳng với các ngành sản xuất ô tô, linh kiện bán dẫn… để tồn tại trong nền kinh tế thị trường.

“Với những điều kiện như thế, đội ngũ nhân sự làm dệt may cần nâng tỷ trọng trình độ cao so với suốt hơn 30 năm qua. Nếu như trước đây một doanh nghiệp may chỉ cần 3-4 lao động có trình độ đại học thì nay đến tổ sản xuất cũng cần tới các kỹ sư tự động hóa cao, điều khiển được các thiết bị tự động, mạng máy tính, AI để sản xuất không ngừng. Cơ hội ở phía trước là rất lớn đối với các tân sinh viên, nhưng các em chỉ có 4 năm rèn luyện trong nhà trường. Do đó, ngay từ những ngày đầu nhập học, các em cần thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ, những người có xuất phát điểm nhanh hơn sẽ là những người có lợi thế khi tham gia thị trường lao động. Hãy cố gắng để trở thành “người chạy nhanh nhất”, tiết kiệm tối đa thời gian, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình học tập tại nhà trường để khi gia nhập thị trường lao động có thể được doanh nghiệp đón nhận ngay”, Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Đối với các giảng viên, CBNV nhà trường, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho rằng, hoạt động theo mô hình trường công lập tự chủ tài chính là một mô hình giáo dục đào tạo đặc biệt, do đó mỗi quyết sách Hội đồng trường, Ban giám hiệu đưa ra đều tương đối khó khăn. Nhưng trong khó khăn sẽ trưởng thành, nếu như không có sự đồng lòng của đội ngũ giảng viên, CBNV trong những năm qua thì có thể HTU cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong hoạt động. Tuy nhiên, HTU đã vượt qua, đổi mới chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên cũng đã được nâng lên về chuyên môn để đáp ứng với các chương trình đào tạo thực nghề, thực nghiệm, được doanh nghiệp dệt may đón nhận. Từ đó cũng xây dựng năng lực cạnh tranh cho HTU khác với các trường đại học khác có chương trình đào tạo dệt may.

“Chúng ta là những người làm dệt may, dạy dệt may chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp này sẽ được chuyển hóa về chất trong từng thầy, cô. Đây cũng là sự hy vọng của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đối với HTU trong suốt gần 60 năm xây dựng và phát triển. Các thầy cô đi trước dạy tốt, thì mới có những lứa sinh viên, kỹ sư chất lượng. Trong 20 năm tới, việc chuyển đổi ngành dệt may sang số hóa, xanh hóa là điều tất yếu. Vì thế, những người có “trí tuệ mới” do các thầy cô đào tạo mới đáp ứng được các điều kiện của doanh nghiệp đặt ra. Nghề giáo là lao động liên tục và cực nhọc nhất, bởi cần liên tục trang bị kiến thức mới để chuẩn bị giáo trình, chương trình đào tạo cho các thế hệ sinh viên. Tôi mong rằng, các thầy các cô tiếp tục cố gắng đồng hành vì các thế hệ tiếp theo, vì sự phát triển bền vững của HTU trong thời gian tới”, Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Đại diện Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam trao học bổng cho Quỹ học bổng doanh nghiệp của nhà trường

Tặng thưởng sinh viên thủ khoa đầu vào năm học 2024-2025 cho em Nguyễn Thị Kim Xuyến – lớp DHM3-K9

Cũng trong dịp này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các đơn vị thành viên đã trao học bổng cho Quỹ học bổng doanh nghiệp của nhà trường. Cụ thể, Vinatex trao tặng quỹ số tiền hơn 300 triệu đồng; Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ 40 triệu đồng; Công đoàn Dệt May Việt Nam 25 triệu đồng; Sợi Phú Bài 15 triệu đồng, Hanosimex, May 10, Đông Xuân mỗi đơn vị 10 triệu đồng… Nhà trường cũng đã chúc mừng và tặng thưởng sinh viên thủ khoa đầu vào năm học 2024-2025 cho em Nguyễn Thị Kim Xuyến – lớp DHM3-K9 khoa Công nghệ May.

Quang Nam


Các tin khác