Vinatex tổ chức hội thảo chuyên đề tháng 10


Sáng 2/10, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 10 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại hơn 20 điểm cầu. Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cùng lãnh đạo Cơ quan điều hành, lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

Tại Hội thảo, ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó Chánh VP HĐQT Vinatex đã cập nhật những thông tin nổi bật về thị trường tháng 9/2024. Theo đó, sau khi FED hạ lãi suất 0,5% vào đầu tháng 9 khiến cho lạm phát của Hoa Kỳ có xu hướng giảm, cùng với đó, khả năng sẽ có đợt giảm tiếp theo vào cuối năm. Lạm phát của EU cũng có xu hướng giảm, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng tại 2 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam được cải thiện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các yếu tố về thiên tai, bất ổn chính trị, bất cập về chính sách ở một số quốc gia cạnh tranh tiếp tục là cơ hội cho DN dệt may Việt Nam đón đơn hàng dịch chuyển. Cùng với các yếu tố về mùa vụ, lễ hội và dịp cuối năm, các chính sách giảm giá, kích thích tiêu dùng của các hãng cũng sẽ mang tới mùa mua sắm cuối năm nhộn nhịp hơn. Mặt khác, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm, giúp tiết kiệm chi phí cho DN.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, DN dệt may cũng đối mặt với nhiều thách thức khi Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia bị CBP kiểm tra trong việc thực thi đạo luật chống cưỡng bức UFLPA tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu tìm ra cách để thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan hải quan Hoa Kỳ, do đó việc thực thi đạo luật này sẽ được siết chặt hơn trong thời gian tới. Cùng với đó, tỷ giá Việt Nam đồng có xu hướng tăng so với USD, trong khi các quốc gia cạnh tranh tiếp tục phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh; Lạm phát ở Nhật Bản và Trung Quốc có xu hướng tăng, dự báo sức tiêu dùng suy giảm ở 2 thị trường này. Ngoài ra, các yếu tố về xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng gây ra sự bất ổn, ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu…

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đã đưa ra một số nhận định về tác động của việc FED cắt giảm lãi suất. Theo đó, ngày 19/9, FED giảm lãi suất 0,5% đưa mức điều hành về 4,75 -5% sau hơn 3 năm, và có khả năng FED sẽ giảm tiếp 0,5% trong 2 kỳ họp còn lại trong năm 2024, 1% trong năm 2025 và 0,5% năm 2026 để giữ lãi suất quanh 3% trong những năm tiếp theo. Với đà cắt giảm này, FED kỳ vọng vào việc hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ (lạm phát về mức mục tiêu mà không suy thoái). Tâm lý tiêu dùng của người dân Mỹ tích cực hơn do chi phí vay thấp hơn, gảm tác động của lãi suất thẻ tín dụng, cũng như thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thường có tác động chậm (thay đổi lãi suất cần vài tháng để chuyển hóa tác động toàn bộ vào nền kinh tế) dẫn tới áp lực lên tiêu dùng dự kến vẫn kéo dài đến hết năm 2024.

Đối với DN dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt kỷ lục 4,66 tỷ USD trong tháng 8, trong đó đi Mỹ đạt 1,9 tỷ USD cũng là mức kỷ lục theo tháng từ trước tới nay. Dự kiến, các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội (nhưng đơn giá chưa cải thiện). Nhu cầu và đơn giá chỉ thực sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt. Tuy nhiên, DN cần rất thận trọng với kịch bản quá mua của năm 2022, cũng như các yếu tố về bầu cử, căng thẳng địa chính trị vẫn là những rủi ro với tâm lý của người tiêu dùng.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nêu nhiệm vụ trong xây dựng kế hoạch SXKD năm 2025

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu thông tin tại Hội thảo, trong 9 tháng năm 2024, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 13.036 tỷ đồng, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 72,8% so với kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 490 tỷ đồng, bằng 170,1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 89,1% so với kế hoạch. Tuy nhiên, các DN vẫn phải chịu nhiều áp lực khi thị trường chưa có cải thiện đáng kể, với ngành May áp lực về thời gian giao hàng, đơn giá chưa cải thiện, chất lượng sản phẩm yêu cầu khắt khe hơn; Với ngành Sợi, mặc dù đã giảm lỗ 80-85% so với năm 2023, nhưng các DN vẫn gặp nhiều khó khăn, bất lợi do phải đối mặt với sự trồi sụt của giá bông và chưa có sự cải thiện về giá bán sợi…

Đặt ra nhiệm vụ quý 4/2024, xây dựng kế hoạch SXKD năm 2025 và giao nhiệm vụ đối với các đơn vị trọng yếu, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh, các DN cần đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, cam kết hoàn thành kế hoạch SXKD được giao. Với các đơn vị có kết quả tốt, còn dư địa tăng lợi nhuận cần tiếp tục gia tăng hiệu quả. Với các DN ngành Sợi, cần tập trung mọi nguồn lực để tối ưu chi phí trong hoạt động SXKD… Cùng với đó, trong quý 4, các DN cần tập trung chăm lo đời sống, thu nhập cho người lao động, chuẩn bị chu đáo để NLĐ yên tâm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Công tác chuyển đổi số (CĐS) cần tiếp tục đẩy mạnh, Cơ quan điều hành Tập đoàn sẽ có buổi hội thảo để đánh giá chương trình CĐS năm 2024, một số mô hình DN đã chuyển đổi thành công, cũng như các DN chưa thực hiện để có kế hoạch thực hiện CĐS trong năm 2025.

Với công tác xây dựng kế hoạch SXKD năm 2025, Lãnh đạo Tập đoàn nhận định, các dự báo hiện nay chỉ mang tính thời điểm, diễn biến thị trường biến đổi rất nhanh, do đó kế hoạch xây dựng cần sát nhất với hoạt động SXKD của từng đơn vị, bám theo các văn bản hướng dẫn, tài liệu dự báo, phân tích thị trường của Tập đoàn.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đưa ra một số nhận định về thị trường quý 4/2024. Cụ thể: (1) Lãi suất giảm, kỳ vọng tiếp tục giảm có yếu tố tích cực cho tác động cải thiện cầu; (2) Nguồn tiết kiệm của người dân Mỹ có biểu hiện giảm, tăng tiêu dùng bằng thẻ tín dụng ghi nợ; (3) Lạm phát chưa về đến mức mục tiêu, dẫn đến vẫn có xu thế kiểm soát giá hàng hóa, khó có cơ hội tăng giá bán/tăng giá mua; (4) Châu Âu là “vùng mờ” về khả năng phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ trong trung hạn; (5) Nhật Bản thay đổi tiếp cận chính sách, chấp nhận lạm phát, mất giá Yên để có tăng trưởng kinh tế.

Các điểm cần tập trung theo dõi – phân tích: (1) Nỗ lực tái phục hồi sau khủng hoảng chính trị của Bangladesh; (2) Nỗ lực vượt qua tình trạng “đình lạm” và các rào cản phi tài chính ở Trung Quốc; (3) Nguy cơ Trung Quốc tiếp tục đẩy ra hàng hóa giá thấp nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm dự trữ và Nhân dân tệ yếu; (4) Cầu 2025 khó có đột biến về giá trị, số liệu tiêu thụ tăng nhưng khó cải thiện giá; (5) Tính bền vững lực cầu không cao do tiêu dùng từ thẻ tín dụng đang chiếm tỷ lệ cao, nhạy cảm với chính sách tiền tệ.

Lãnh đạo Tập đoàn cũng đưa ra một số dự báo bước đầu cho năm 2025: (1) Tổng cầu cải thiện nhẹ, kỳ vọng quay về mức 2022; (2) Nguyên liệu phục hồi giá (bông, dầu) do sản lượng sản xuất suy giảm, ngược chiều với nhu cầu tiêu dùng cải thiện; (3) Đơn giá chưa tăng nhưng khó có xu thế giảm; (4) Ngành sợi nhiều khả năng phục hồi cầu trên nền giá bông trung bình (1,8 USD/kg bình quân), dầu thấp, xu thế sợi pha vẫn lớn hơn.

Với các thông tin về thị trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex đề nghị các đơn vị thành viên cần triển khai một số nội dung: (1) DN tập trung làm việc với các khách hàng lớn cho kế hoạch 2025. Cung cấp thêm các thông tin sơ cấp cho VP HĐQT củng cố dự báo và chạy mô hình hồi quy; (2) Tham khảo tỷ lệ phân bổ đơn hàng đi các quốc gia của các nhãn hàng, so sánh với 2023 và 2024; (3) Tiếp tục giải pháp đảm bảo sản lượng trên nền lao động giảm 10% so với 2024; (4) Tính toán giá thành trên nền lương tối thiểu tăng 6% và điện tăng 5%.

Cũng tại Hội thảo, bà Thái Thị Phương Thanh – Phó Trưởng Ban Tổng hợp Pháp chế đã trình bày về tình hình nguyên phụ liệu (bông, xơ, sợi) tháng 9/2024; bà Nguyễn Thanh Ngân – Phó Trưởng Ban Đầu tư và Phát triển trình bày về nội dung DN dệt may Việt Nam trước yêu cầu kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính theo Quyết định số 13/2024- QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

PV

 


Các tin khác