Năng suất lao động tổng hợp: Chìa khóa cạnh tranh của Vinatex


Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Với cùng hệ thống máy móc thiết bị và nguồn lực, nhân sự, vì sao một số doanh nghiệp có hiệu quả vượt trội, trong khi doanh nghiệp kia lại khó khăn hoặc phát triển chậm hơn rất nhiều lần? Các nhà kinh tế đã chỉ ra có 3 yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp: Vốn + Lao động + TFP. Vậy TFP là gì và TFP có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của các doanh nghiệp Vinatex?

Tầm quan trọng của TFP

Năng suất lao động tổng hợp- TFP (Total factor productivity) là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động. Như vậy, TFP đại diện cho sự tiến bộ về khoa học, công nghệ, trình độ  lao động và quản lý của mỗi doanh nghiệp.

TFP gồm 4 nhóm nội dung:

  • Năng suất kỹ thuật: là sự tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực đầu vào để tạo ra lượng sản phẩm đầu ra tối đa.
  • Năng suất công nghệ: ứng dụng công nghệ hiện đại để tối đa hóa sản lượng đầu ra hoặc tối thiểu hóa chi phí đầu vào. Bao gồm:

+ Công nghệ tiên tiến: sử dụng máy móc với phần mềm hiện đại để tăng năng suất và kiểm soát chất lượng.

+  Tăng tự động hóa, giảm sự phụ thuộc con người.

+ Đổi mới sáng tạo: đổi mới qui trình sản xuất thông qua đơn giản hóa thao tác sản xuất phức tạp, ví dụ: bằng ke, dưỡng… trong May.

+ Đào tạo phát triển nhân sự: để sử dụng hiệu quả thiết bị và công nghệ.

+ Quản lý thông tin và dữ liệu: sử dụng thông tin để tối ưu hóa qui trình và ra quyết định.

  • Năng suất quản lý: là việc sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào như kinh doanh, nhân sự, tài chính, công nghệ thông tin để tạo ra kết quả tốt nhất, bao gồm:

+ Năng suất có được từ qui trình kinh doanh và hệ thống quản lý tối ưu. Năng lực quản lý chuỗi cung ứng …

+ Khả năng phân tích và quản lý dữ liệu làm cơ sở cho tốc độ ra quyết định nhanh.

+ Phòng ngừa được rủi ro từ bên ngoài và bên trong có thể xảy ra.

+ Các kỹ năng quản lý chung và công tác đào tạo.

  • Năng suất đổi mới sáng tạo: là việc tạo ra và triển khai các ý tưởng sản phẩm mới, qui trình mới… nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và cải thiện năng lực cạnh tranh, bao gồm:

+ Khả năng tạo ra các sản phẩm mới với tốc độ nhanh nhất, nghiên cứu phát triển (R&D).

+ Triển khai với năng suất cao các sản phẩm không truyền thống.

+ Khả năng khai thác và xử lý dữ liệu lớn từ quá khứ để tổ chức thực hiện các sản phẩm mới; Khả năng tiếp thu công nghệ mới.

+ Quản lý tập trung – giao diện thân thiện với toàn chuỗi cung ứng.

Đánh giá mức độ đạt được trong 4 nhóm nội dung TFP với các doanh nghiệp thuộc Vinatex

Quá trình vận hành của các doanh nghiệp cho thấy, nhóm năng suất kỹ thuật và năng suất công nghệ đã và đang được Vinatex và các đơn vị thành viên khai thác tối đa. Còn nhóm năng suất quản lý và năng suất đổi mới sáng tạo cần phải tiếp tục tìm giải pháp để ứng dụng vào công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Khuyến nghị chuyển đổi số để cải thiện TFP

Đối với các doanh nghiệp có quy mô doanh thu lớn và phức tạp, số lượng nhân viên quản lý cần tương tác lớn, chuỗi cung ứng  phức tạp và yêu cầu rõ ràng về quản lý chất lượng thì sau khi tự phát triển ERP và đến một giai đoạn nhất định cần tính toán thuê giải pháp quản trị ERP tiên tiến để bắt nhịp với yêu cầu tăng trưởng.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này cần tiếp cận giải pháp quản trị mới, tiệm cận tiến tới cùng ngôn ngữ quản trị của thế giới, đồng thời cần đánh giá khả  năng hấp thụ kỹ năng số của nhân viên và thường xuyên cập nhật kỹ năng số cho đội ngũ nhân viên. Tìm kiếm người phụ trách chuyển đổi số là người có vai trò quyết  định quan trọng trong quá trình kinh doanh của công ty và phụ trách công nghệ để số hóa.

Đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để tự phát triển sẽ phối hợp  cùng Tập đoàn với các giải pháp mua chung hoặc thuê phát triển chung. Giải pháp này có ưu điểm giá hợp lý và tận dụng được nguồn nhân sự về công nghệ, nhân sự về quản trị nghiệp vụ để phát triển.

Đây là cách thức tiếp cận nhanh nhất để tận dụng được năng lực sẵn có giữa các đơn vị trong công tác chuyển đổi số. Cần có người phụ trách chuyển đổi số là người có vai trò quyết định quan trọng trong quá trình  kinh doanh của công ty. Sử dụng phần mềm theo hướng SAAS Software as a Service (một mô hình cung cấp phần mềm dưới dạng dịch vụ qua internet. Trong mô hình này, các ứng dụng phần mềm được chạy từ trên đám mây và cung cấp cho người dùng cuối thông qua trình duyệt web hoặc ứng dụng di động).

Tối ưu mô hình tổ chức để có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ

Việc tìm hiểu các mô hình vận hành mới kết hợp với mô hình hiện tại giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng phối hợp vận hành – vừa thực hiện nhiệm  vụ SXKD, vừa chuyển đổi số.

Mô hình theo chức năng đang được vận hành phổ biến hiện nay đang dần bộc lộ các ưu, nhược điểm như sau:

Ưu điểm

  • Chuyên môn hóa, tập trung kỹ năng chuyên sâu;
  • Cải thiện hiệu quả công việc và năng suất;
  • Quản lý dễ dàng, cấu trúc rõ ràng, dễ kiểm soát;

Nhược điểm

  • Thiếu linh hoạt, cứng nhắc, khó khăn thích nghi với thay đổi của thị  trường và khách hàng;
  • Giao tiếp kém, thiếu phối hợp, nhiều rào cản;
  • Chậm đổi mới, do quá tập trung vào chuyên môn cụ thể;
  • Xung đột lợi ích giữa các bộ phận do mục tiêu và ưu tiên khác nhau;

Vinatex coi việc đào tạo và phát triển bộ máy quản lý là yếu tố then chốt để có khả năng thích nghi với việc xây dựng và vận hành các giải pháp mới. Trong đó, tập trung vào đào tạo kỹ năng và kiến thức nghề với các kỹ năng số cần thiết như, quản lý dự án, làm việc  nhóm, hiểu và sử dụng các giải pháp phần mềm quản trị. Việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ gắn theo ví trí và ngành nghề trong sự thay đổi cách thức quản trị mới.

Chương trình đào tạo sẽ tập trung vào nội dung: Thiết kế các khóa học tập trung vào kỹ năng chuyên môn mới, kỹ năng mềm và công nghệ mới, Agile Scrum, OKR… với phương pháp đào tạo linh hoạt bằng hình thức trực tuyến, youtube, trực tiếp, kèm cặp và hướng dẫn tại chỗ để tối ưu thời gian. Cùng với đó là hướng đến chương trình phát triển nhân viên theo cách thức: Chương trình cố vấn: Ghép đôi nhân viên mới với những người có kinh nghiệm để chia sẻ kiến thức và kỹ năng; Kế hoạch phát triển cá nhân: Trao quyền cho đội ngũ nhân sự trẻ tự xây dựng đề tài, xây dựng nhóm (có thể bao gồm cả người bên ngoài công ty)…

Doanh nghiệp tiếp cận TFP thế nào?

TFP là chìa khóa cạnh tranh của doanh nghiệp. Để cải thiện TFP, khuyến nghị các doanh nghiệp cần:

+ Rà soát, đánh giá mức độ đạt được, tính sẵn sàng, chỉ tiêu đo lường của 4 nhóm nội dung của TFP để xây dựng kế hoạch hành động phù hợp.

+ Đối với ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo cần ưu tiên rà soát nhân sự để có giải pháp triển khai.

+  Đánh giá mức độ phức tạp và ưu tiên để chuyển đổi số từng hoạt động cụ thể.

+ Có giải pháp và cần đầu tư kinh phí thích đáng vào nhân sự cho các vấn đề đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

+ Tìm hiểu các giải pháp quản lý để bổ  sung vào mô hình hiện tại để có thể  triển khai đổi mới sáng tạo.

+ Xây dựng chỉ tiêu đo lường và đánh giá hiệu quả đối với từng nhóm nội  dung triển khai.

Bài: Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex


Các tin khác