Vinatex triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024 và đánh giá người đại diện vốn tại doanh nghiệp
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024 và đánh giá người đại diện vốn Vinatex tại doanh nghiệp. Dự và chủ trì Hội nghị có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex; ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vinatex. Tham dự Hội nghị có bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam, lãnh đạo Cơ quan điều hành, các Ban chức năng của Tập đoàn cùng 49 người đại diện vốn của Vinatex tại 25 đơn vị thành viên.
Nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu khai mạc Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, sau 2 năm, Tập đoàn tiếp tục tổ chức hội nghị người đại diện vốn tại doanh nghiệp. Hội nghị lần này là dịp Vinatex tri ân người đại diện vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp đã nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo trải qua một năm sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn-năm 2023. Người đại diện vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp cũng đang thể hiện tính chất chủ đạo cho sự vận hành tại các doanh nghiệp ở địa phương. Thành quả của Tập đoàn trong năm 2023 dù thấp hơn so với các năm trước nhưng đây là kết quả từ sự nỗ lực toàn diện của tất cả các doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn, mà vai trò nòng cốt, lan tỏa, hạt nhân của các phong trào là người đại diện vốn. Lãnh đạo Tập đoàn tự hào khi đội ngũ người đại diện vốn ở các doanh nghiệp đều đang đóng vai trò chủ chốt, quyết định đường hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các cổ đông, người lao động tại các doanh nghiệp trân trọng và đánh giá cao.
Hiện nay, với chiến lược sản xuất, đặc điểm, môi trường kinh doanh, khách hàng có nhiều thay đổi, sự vận hành của hệ thống các doanh nghiệp cũng cần phải có sự đổi mới nhất định để đáp ứng yêu cầu mới, đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Năm 2024 là năm đầu tiên, Tập đoàn tổ chức đi đánh giá trực tiếp tại đơn vị sau 15 năm tổ chức hoạt động đánh giá và quản lý người đại diện vốn tại doanh nghiệp. Tập đoàn thực hiện 19 cuộc đánh giá tại doanh nghiệp, thảo luận với người đại diện về những khó khăn, thách thức, giải pháp mang tính đặc thù của từng doanh nghiệp, từ đó đánh giá người đại diện cũng cụ thể, chính xác hơn. Với mục tiêu người đại diện vốn tại doanh nghiệp là chủ thể phục vụ, Công ty mẹ Tập đoàn sẽ nỗ lực để phục vụ tốt nhất người đại diện vốn ở tất cả các đơn vị, làm việc thuận lợi, có đường hướng rõ ràng, minh bạch, tốc độ, giải quyết kịp thời những yêu cầu của người đại diện, là trách nhiệm của Công ty mẹ.
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2024
Tại hội nghị, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex trình bày báo cáo sơ kết công tác sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cầu dệt may bị tác động mạnh bởi sự bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới và mặt trái của kiểm soát lạm phát của các quốc gia. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, ảnh hưởng đến cầu dệt may và làm tăng chi phí. Lạm phát đang giảm nhưng còn xa mục tiêu của nhiều quốc gia, Fed vẫn đang duy trì mức lãi suất cao (5,25% – 5,5%), EU đã thoát khỏi suy thoái nhưng chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn, xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn, xu hướng phân mảnh cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn gia tăng, nhiều quốc gia tăng các chính sách bảo hộ.
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm có những tín hiệu khởi sắc, tăng trưởng GDP đạt 6,42% so với cùng kỳ năm trước, lãi suất cho vay ở mức thấp nhưng điều kiện vay vốn siết chặt, khó tiếp cận.
Môi trường ngành với tổng cầu dệt may không tăng nhưng lượng đơn hàng của Việt Nam tăng khoảng 5% do Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh trong 5 tháng đầu năm, trong khi các quốc gia khác trước đây đã phá giảm giá mạnh, hiện hết dư địa; xu hướng dịch chuyển đơn hàng may mặc từ Trung Quốc sang Việt Nam do Mỹ tăng cường giám sát theo đạo luật UFLPA; doanh nghiệp ở Bangladesh đối mặt với nhiều cuộc đình công do đời sống người lao động thấp, số liệu xuất nhập khẩu của nước này không đáng tin cậy.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 8.468 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch năm, bằng 98% so với cùng kỳ, lợi nhuận ước đạt 283 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm, tương đương 163% so với cùng kỳ.
Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, trong 6 tháng cuối năm, với ngành may, đơn hàng dồi dào nhưng doanh nghiệp lại thiếu lao động để triển khai, khó khăn để chuyển đổi phương thức sản xuất CM sang FOB/ODM cũng như triển khai sản xuất đơn hàng khó, yêu cầu cao… Ngành sợi khó khăn chuyển đổi năng lực sản xuất hiện tại để đáp ứng nhu cầu các mặt hàng sợi chi số cao, sợi recycle, sợi compact…; việc cấp hạn mức cho các đơn vị sợi đến nay vẫn còn thấp so với nhu cầu, lãi suất vay cao.
Về tài chính, tỷ giá các quốc gia cạnh tranh dự kiến phá giá đồng tiền 10-15% trong 6 tháng cuối năm trong khi Việt Nam đã hết dư địa; lãi suất vay USD sẽ giảm, do triển vọng Fed hạ lãi suất vào tháng 9/2024, lãi suất vay VND dự kiến tăng khoảng 1%-1,5% trong 6 tháng cuối năm do mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tăng. Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp chưa được cải thiện.
Tổng Giám đốc Vinatex nhấn mạnh, toàn Tập đoàn phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, duy trì ổn định lực lượng lao động trong toàn hệ thống, đặc biệt là các đơn vị may, tăng cường các giải pháp cải thiện năng suất và chất lượng, chú trọng số hóa công tác quản trị, ưu tiên quan tâm quản trị dòng tiền để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục đồng hành với hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trọng yếu theo hình thức giao ban hàng tháng để giải quyết ngay vướng mắc; tiếp tục cung cấp thường xuyên thông tin thị trường làm định hướng cho các đơn vị; thành lập các tổ giám sát đối với các đơn vị đang trong tình trạng yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả Công ty mẹ; Tăng cường hoạt động quản trị các khối sản xuất chính; bảo đảm dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị dòng tiền trên nguyên tắc mở rộng hạn mức, đa dạng ngân hàng và quản trị chặt chẽ dư nợ, giám sát chặt tình hình sản xuất kinh doanh, cân đối dòng tiền của đơn vị trọng yếu, đặc biệt là đơn vị khó khăn, đảm bảo dòng tiền luân chuyển. Các đơn vị có hiệu quả, dòng tiền cùng phối hợp nhịp nhàng với Tập đoàn để tạo lợi thế số lớn khi làm việc với các tổ chức tín dụng.
Hướng tới sự phát triển bền vững của Tập đoàn và từng doanh nghiệp
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex báo cáo đánh giá hoạt động của người đại diện vốn Vinatex tại doanh nghiệp năm 2023
Tại Hội nghị, sau khi báo cáo đánh giá hoạt động của người đại diện vốn Vinatex tại doanh nghiệp năm 2023, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định, người đại diện vốn Vinatex tại các doanh nghiệp là những cán bộ có chuyên môn sâu về ngành dệt may, có thời gian gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, gắn bó với Tập đoàn và chia sẻ với các doanh nghiệp bạn, thực hành nhuần nhuyễn văn hóa Vinatex (hiểu việc mình làm, giỏi việc mình làm, yêu việc mình làm, không đổ lỗi, cạnh tranh bằng sức mạnh tập thể) thượng tôn pháp luật, tuân thủ các quy định nội bộ – quản trị minh bạch, dân chủ, tận tâm, cầu thị, từng nhóm người đại diện có liên kết khá chặt chẽ với Tập đoàn; liên tục được Tập đoàn cung cấp thông tin thị trường, dự báo, định hướng chiến lược kinh doanh.
Ông Lê Tiến Trường cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Tập đoàn như: vai trò Tập đoàn trong tạo liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn thông qua hệ thống người đại diện chưa đạt hiệu quả cao, đồng đều, chưa có kế hoạch trung và dài hạn; hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ người đại diện xin ý kiến và nhận trả lời chưa thuận tiện; hệ thống các ban chức năng tuy đã có nhiều cải thiện về chất lượng tham mưu nhưng chưa theo kịp tốc độ thay đổi rất nhanh của thị trường và yêu cầu của doanh nghiệp; việc chuẩn bị, đào tạo người đại diện tại cơ sở chưa hệ thống, còn thiếu và yếu về số lượng lẫn chất lượng; việc tham gia, chỉ đạo từ sớm, từ xa với người đại diện mang tính phòng ngừa trong hoạt động của doanh nghiệp chưa bài bản, hiệu quả.
Chủ tịch HĐQT cũng chỉ ra hạn chế của người đại diện vốn tại doanh nghiệp hiện nay: độ tuổi người đại diện khá cao, quy hoạch kế cận người đại diện tại các doanh nghiệp mỏng, công tác giới thiệu người đại diện kế nhiệm tại cơ sở còn bị động; sự quan tâm của người đại diện khi tham gia HĐQT về công tác hoạch định chiến lược, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, đổi mới phương thức kinh doanh tại các doanh nghiệp chưa đúng mức; hệ thống quản trị tuy chặt chẽ, minh bạch nhưng chưa hiện đại, chủ yếu theo phương thức truyền thống; bố trí đội ngũ giúp việc cho HĐQT và người đại diện tại cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và các thách thức phát sinh.
Nhận định về bối cảnh mới, ông Lê Tiến Trường cho biết: Thách thức lớn nhất của dệt may Việt Nam là năng suất lao động kỹ thuật (tay nghề công nhân) năng suất lao động công nghệ (máy móc thiết bị hiện đại) đã tới hạn, khó có khả năng tăng đột biến, nếu chỉ dựa vào 2 nhân tố năng suất trên để cạnh tranh thì dư địa còn lại rất hạn hẹp. Theo đó, tương lai của dệt may Việt Nam phải cạnh tranh dựa trên 2 yếu tố năng suất lao động quản lý (mô hình – hạ tầng quản trị, ra quyết định) và năng suất lao động đổi mới sáng tạo (thiết kế).
Trước yêu cầu mới, để nâng cao công tác người đại diện vốn, Tập đoàn cần tập trung: xây dựng hệ thống số hóa hoạt động xin ý kiến của người đại diện và trả lời người đại diện trên môi trường chung; hình thành các nhóm người đại diện theo ngành nghề sản xuất kinh doanh, theo khu vực để có sự liên thông, so sánh, học hỏi từ kinh nghiệm hoạt động ban SXKD Sợi và May trong các doanh nghiệp chi phối; cùng người đại diện tại doanh nghiệp tổ chức lựa chọn nhanh quy hoạch người đại diện, đào tạo, bổ sung và mời tham gia sinh hoạt nhóm người đại diện với Tập đoàn ít nhất 1 năm trước khi bổ nhiệm; khuyến khích các đơn vị lớn, có tính phức tạp cao, sản xuất nhiều địa điểm sử dụng công cụ powerbi để phân tích đa chiều.
Về phía các doanh nghiệp, cần tập trung hoàn thiện, nâng cao năng suất quản lý, chất lượng ra quyết định quản trị ở các doanh nghiệp thông qua hệ thống quản trị số hoá, hướng tới ERP phù hợp quy mô doanh nghiệp; doanh nghiệp lớn ngành may (quy mô doanh thu trên 150 triệu USD) cần xúc tiến hoạt động R&D, chuyển đổi phương thức kinh doanh lên FOB thực chất; doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết sử dụng Trung tâm PD&B của Tập đoàn; doanh nghiệp ngành sợi theo khu vực hình thành trung tâm nghiên cứu sản phẩm mới từng bước dịch chuyển ra khỏi khu vực sợi phổ thông.
Ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc Vinatex trình bày chuyên đề
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc Vinatex trình bày chuyên đề năng suất lao động tổng hợp chìa khóa cạnh tranh của Vinatex, phân tích về TFP – năng suất kỹ thuật, năng suất công nghệ, năng suất quản lý và năng suất đổi mới sáng tạo, đây là chìa khóa cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi TFP kết hợp với vốn và lao động sẽ đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp.
Xoay quanh kết quả hoạt động SXKD 6 tháng đầu năm, công tác người đại diện vốn tại doanh nghiệp, Hội nghị đã nghe ý kiến chia sẻ của ông Đặng Vũ Hùng – TV HĐQT Vinatex cùng một số người đại diện vốn tại Công ty CP May Nam Định, Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Công ty CP Sợi Vinatex Phú Hưng…
Kết luận Hội nghị, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường và các ý kiến của người đại diện vốn tại doanh nghiệp. Ông Hiếu cho biết, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để đồng hành cùng người đại diện vốn, hướng tới sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp cũng như của Tập đoàn. Tạo mạng lưới kết nối giữa các đơn vị trong Tập đoàn thông qua người đại diện vốn nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị. Đặc biệt, kiên trì chiến lược liên kết chuỗi vì mọi nhận định đều cho thấy hoạt động theo chuỗi có hiệu quả rõ rệt hơn. Có thể triển khai bằng cách tổ chức các hội thảo chuyên đề, các câu lạc bộ sinh hoạt theo nhóm ngành, nhóm đơn vị… để người đại diện có sự gặp gỡ, trao đổi thường xuyên hơn; hoàn thiện nhanh hệ thống số hóa báo cáo quản trị, tạo điều kiện cho người đại diện cung cấp thông tin báo cáo định kỳ dễ dàng và nhanh chóng hơn; nâng cấp quy trình công tác trả lời người đại diện; xây dựng các quy định cụ thể có liên quan đến các vấn đề người đại diện thường xin ý kiến; phân công các Ban chức năng theo dõi và đồng hành sát hơn với đơn vị để có ý kiến tham mưu nhanh, kịp thời, chính xác, hiệu quả; cùng với đơn vị làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá để sẵn sàng đội ngũ kế cận có chất lượng tại đơn vị.
Tổng Giám đốc Vinatex đề nghị, người đại diện vốn tại các đơn vị cũng cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình tại doanh nghiệp, đặc biệt trong việc hoạch định các chiến lược dài hạn cho đơn vị; sắp xếp nguồn lực để đạt mục tiêu chiến lược, trong đó chú trọng chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực thay thế cho các vị trí chủ chốt; tạo mối quan hệ chặt chẽ hơn với Tập đoàn và các đơn vị thành viên để cùng tham gia giải quyết các vấn đề chung hoặc thực hiện các nhiệm vụ chung của Tập đoàn. Toàn hệ thống của Vinatex hoạt động theo tôn chỉ Kiên cường – Dũng cảm – Sáng tạo – Đoàn kết với nền tảng Tôn trọng – Tin tưởng lẫn nhau.
Nhân dịp này, nhằm ghi nhận sự đóng góp của người đại diện vốn tại các đơn vị cho hoạt động SXKD của Vinatex năm 2023, Tổng Giám đốc Vinatex đã ký quyết định khen thưởng cho các đơn vị với tổng số tiền khen thưởng là 2,4 tỷ đồng.
PV