Báo chí kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển
Báo chí – truyền thông là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, định hướng dư luận và tạo dựng niềm tin của người lao động với doanh nghiệp. Hơn hết, trong sứ mệnh của mình, báo chí và doanh nghiệp là những mối quan hệ “cộng sinh” cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Trong ấn phẩm Chào mừng 99 năm Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam ghi nhận ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, của những nhà báo luôn theo sát hoạt động của ngành dệt may để cùng xây dựng môi trường “báo chí kiến tạo cùng doanh nghiệp”.
DOANH NGHIỆP VỚI BÁO CHÍ
Ông Nguyễn Đức Trị – Phó Tổng Giám đốc Vinatex, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ:
Thực tế cho thấy, báo chí và truyền thông đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, giúp quảng bá hình ảnh và nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu, cập nhật xu hướng thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng, chính sách kinh tế và những biến động trong ngành… Báo chí và truyền thông cũng góp phần tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho doanh nghiệp thông qua các thông tin, bài báo, phóng sự về các hội chợ, triển lãm, sự kiện kinh tế… Ngoài ra, báo chí còn giúp nâng cao nhận thức của người lao động về quyền lợi và trách nhiệm của mình, thúc đẩy một môi trường làm việc công bằng, trách nhiệm, góp phần ổn định lao động, khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo cho người lao động. Và trong một số tình huống đặc biệt, báo chí và truyền thông còn giúp doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng truyền thông bằng việc truyền tải các thông tin minh bạch, chính xác và kịp thời, giảm thiểu các phản ứng tiêu cực của người đọc, qua đó giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin với đối tác khách hàng và các bên liên quan.
Với mong muốn ngày càng có các kênh thông tin chính thống, giúp người lao động nhận thức đúng đắn và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, tôi kỳ vọng đội ngũ báo chí, truyền thông có thể quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa các nội dung:
(1) Báo chí truyền thông cần đưa tin một cách chính xác và trung thực, tránh việc lan truyền thông tin sai lệch hoặc không có căn cứ, hạn chế các bài viết mang tính chất giật gân, câu view, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp.
(2) Đội ngũ báo chí cần hiểu rõ về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động và đặc thù của từng doanh nghiệp để có thể viết bài, phân tích, và đưa tin một cách sâu sắc và khách quan. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc lấy thông tin, xác thực các tin tức trước khi đăng tải để đảm bảo tính đúng đắn, đa chiều và toàn diện của thông tin.
(3) Cần có thêm nhiều bài viết, chương trình giúp người lao động hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như các chính sách của doanh nghiệp. Tìm hiểu và đưa tin về các hoạt động trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững của doanh nghiệp, giúp người lao động hiểu rõ hơn về cam kết đóng góp của doanh nghiệp đối với cộng đồng và nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Từ đó, tăng cường sự tin tưởng và gắn bó của người lao động với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định nguồn lao động.
(4) Có thêm nhiều tin bài, phóng sự, chương trình truyền thông chất lượng góp phần xây dựng và duy trì hình ảnh tích cực của các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thực chất, có đóng góp thiết thực cho nền kinh tế. Đồng thời, các bài viết về thi đua lao động, sáng tạo và hình ảnh người lao động giỏi, phương pháp làm hay cũng góp phần định hướng đào tạo, nâng cao hình ảnh và niềm tự hào của người lao động.
(5) Ngoài ra, báo chí cần có sự tương tác hai chiều để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động có thể cung cấp thông tin phản hồi và tương tác với báo chí. Sự tương tác hai chiều này giúp báo chí có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp và người lao động, từ đó cung cấp thông tin hữu ích, phù hợp hơn.
Tôi tin tưởng rằng, bằng việc thực hiện tốt hơn các nội dung trên, đội ngũ báo chí – truyền thông sẽ đóng góp tích cực hơn nữa vào việc xây dựng các kênh thông tin chính thống, giúp người lao động của Hòa Thọ nói riêng và ngành dệt may nói chung có nhận thức đúng đắn, ổn định nguồn lực lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 – CTCP:
Hiện nay, báo chí truyền thông trong thời đại kỹ thuật số đang mở biên độ hoạt động cả về bề rộng và chiều sâu để đạt hiệu quả thông tin cao nhất. Doanh nghiệp như chúng tôi rất cần báo chí để tìm hiểu thông tin về thị trường, đối tác, môi trường kinh doanh, qua đó có thêm kênh định hướng hoạt động và đưa ra quyết định sản xuất kinh doanh, đầu tư; còn báo chí có vai trò quan trọng trong quảng bá, giới thiệu chiến lược hoạt động, mô hình sản xuất kinh doanh, sản phẩm cho doanh nghiệp.
Báo chí cũng là cầu nối giữa doanh nghiêp với các cơ quan hữu quan, thông qua thông tin trên báo chí, Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể lắng nghe ý kiến, đánh giá của doanh nghiêp đối với việc ban hành, thực hiện chủ trương, chính sách, qua đó giúp Chính phủ và các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Bên cạnh đó, báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa các doanh nghiệp nói chung và May 10 nói riêng đến với các đối tác và người tiêu dùng. Nhờ báo chí chúng tôi hiểu được nhu cầu của thị trường, về xu hướng của người tiêu dùng. Từ đó chúng tôi có cơ hội truyền tải đầy đủ, đa chiều các thông tin về sản phẩm, dịch vụ đến với đối tác và người tiêu dùng.
Sự ghi nhận của báo chí về thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và May 10 nói riêng đóng một vai trò thiết thực để động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo không ngừng của doanh nghiệp. Đồng thời lan tỏa những giá trị tích cực trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp để cùng nhau, chúng ta vượt qua những khó khăn, tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa cho nền kinh tế nước nhà.
Trong thời gian tới, tôi mong muốn báo chí sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, là cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, giữa doanh nghiệp với thị trường trong và ngoài nước. Từ đó tạo ra môi trường bình đẳng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Tháng 6, kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tôi mong rằng báo chí sẽ phát huy hơn nữa vai trò định hướng, thường xuyên cung cấp kịp thời, chính xác các quan điểm của Đảng, Nhà nước; không đưa tin mập mờ, gây thắc mắc, tò mò, dễ hiểu nhầm. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gương doanh nghiệp, người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, mô hình mới; tăng cường các tuyến bài, chương trình góp phần cung cấp cho độc giả, khán giả những tri thức quý báu của nhân loại; không ngừng bồi đắp, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tăng cường sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước. Và để sự hợp tác quan trọng này bền vững, chúng ta cũng cần xây dựng văn hóa hợp tác và thiết lập sự hợp tác trên nền tảng văn hóa.
Bà Đặng Ngọc Lan – Phó Giám đốc Công ty CP Thời trang và Đầu tư Đức Giang, Tổng Công ty Đức Giang – CTCP:
Trong 2 năm qua, ngành dệt may phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bối cảnh nền kinh tế suy thoái cũng như sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng. Khách hàng thắt chặt chi tiêu, quan tâm hơn đến những sản phẩm thân thiện với môi trường và mang tính bền vững. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải đổi mới, thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng và hòa cùng dòng chảy của xã hội. Trong hành trình hướng tới thời trang xanh, chúng tôi mong muốn báo chí – truyền thông có thể gửi tới người tiêu dùng những thông tin tích cực để có thể nâng cao nhận thức về các sản phẩm tái chế và tầm quan trọng của thời trang bền vững.
Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, đồng hành của giới báo chí – truyền thông trong việc truyền tải đến người tiêu dùng các xu hướng mới của ngành dệt may nói chung, thông tin về Đức Giang và HeraDG nói riêng. Chính điều này đã giúp hình ảnh mới về thời trang xanh, bền vững được người tiêu dùng biết đến và đón nhận.
Là một doanh nghiệp và thương hiệu thời trang nội địa, chúng tôi mong muốn báo chí trong nước có thể hỗ trợ tích cực giúp các thương hiệu Việt giới thiệu được những điểm mạnh, những lợi thế về chất lượng sản phẩm, dịch vụ thu hút người tiêu dùng. Từ đó giúp cho các nhãn hàng nội địa có thể nâng cao vị thế, mở rộng thị phần và cạnh tranh được với các thương hiệu ngoại nhập.
Với sự trợ giúp của báo chí và truyền thông, TCT Đức Giang cũng như HeraDG mong muốn các thương hiệu nội địa có cơ hội chứng minh năng lực, cũng như xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng rằng hàng Việt Nam chất lượng cao xứng đáng để “mở hầu bao” chi tiêu và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
BÁO CHÍ VỚI DOANH NGHIỆP
Nhà báo Hoàng Văn Anh – Báo Nhân Dân
Trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng, đội ngũ làm báo chúng tôi rất thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Có thể nói, theo dõi ngành dệt may nhiều năm, tôi cũng chưa từng thấy những áp lực mà ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng đã trải qua, bắt đầu từ cuối năm 2022 cho tới nay. Tôi hy vọng rằng, Vinatex và các doanh nghiệp trong toàn ngành có thể sớm vượt qua khó khăn, cán đích các mục tiêu đã đề ra, nhất là khi đã có một số tín hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu.
Với những người làm báo, phóng viên, biên tập viên, doanh nghiệp không chỉ là nguồn tin quý báu, mà sự phát triển của doanh nghiệp luôn song hành cùng sự phát triển của đất nước, các chỉ số phát triển của doanh nghiệp chính là bức tranh phản ánh các thành tựu của nền kinh tế trong năm. Do đó, để báo chí kịp thời có những thông tin quý báu, đề xuất những khó khăn của doanh nghiệp gặp phải tới các cơ quan hữu quan, những người làm báo như chúng tôi rất kỳ vọng doanh nghiệp tạo điều kiện trao đổi cũng như cung cấp các thông tin liên quan tới các chủ trương, chính sách liên quan đến ngành một cách chính xác, thời sự… qua đó giúp báo chí có cái nhìn bao quát, tổng thể về doanh nghiệp, giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời tháo gỡ những nút thắt về thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, để có cái nhìn khách quan, sự am hiểu sâu sắc về ngành, xây dựng và triển khai những bài viết chất lượng, có nội dung chuyên đề, chúng tôi cũng kỳ vọng có thể được khảo sát, trải nghiệm thực tế tại cơ sở, từ đó xây dựng nội dung, phản ảnh sát thực hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Đồng thời, được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp về những khó khăn liên quan tới thể chế, chính sách để có tuyến thời sự, kịp thời nhằm đề xuất với Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Hơn hết, chúng tôi hiểu rằng, doanh nghiệp không chỉ là thực thể đóng góp chung vào GDP hàng năm, tạo ra việc làm bình ổn xã hội, mà doanh nghiệp cũng là một trong những mắt xích quan trọng để báo chí có thêm các thông tin đa chiều, để báo chí thực hiện sứ mệnh của mình trong việc truyền tải và phản ánh thông tin.
Trong thời gian tới, tôi mong rằng Vinatex nói riêng và ngành dệt may nói chung có thể kịp thời cung cấp cho báo chí tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong toàn hệ thống, giúp báo chí cập nhật được các thông tin mang tính chất thời sự, khách quan, từng bước tạo dựng môi trường truyền thông hiện đại, minh bạch và chính xác.
Nhà báo Nguyễn Thị Loan – Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy)
Là ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực của cả nước, đứng thứ 3 chỉ sau ngành linh kiện và điện tử, trong những năm qua dệt may luôn là ngành được các cơ quan báo chí quan tâm. Không chỉ vậy, dệt may còn là một ngành thâm dụng lao động, ước tính số lượng lao động ngành dệt may hiện nay khoảng gần 3 triệu lao động, do đó ngoài nhiệm vụ xuất khẩu thì dệt may cũng là ngành góp phần ổn định an sinh đối với xã hội. Cũng chính từ mục tiêu và nhiệm vụ “kép” này, mà trong nhiều cuộc họp của Chính phủ, những vấn đề nóng thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may, xây dựng chiến lược phát triển ngành đã được mổ xẻ và phân tích. Mới đây nhất, chiến lược phát triển toàn ngành dệt may và da giày tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2035 đã được Thủ tướng thông qua vào cuối năm 2022. Tiền đề này không chỉ giúp các DN dệt may có định hướng rõ ràng trong công tác đầu tư, hoạch định chiến lược mà còn có kế hoạch dài hơi để cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác như Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ…
Theo dõi Vinatex trong nhiều năm, tôi luôn nhận được sự chia sẻ kịp thời của Lãnh đạo Tập đoàn, những chia sẻ kịp thời, phân tích, mổ xẻ chuyên sâu giúp những người làm báo như tôi có góc nhìn đa chiều, hiểu rõ sâu hơn về các khó khăn, sự cạnh tranh khốc liệt của ngành phải đối mặt thông qua các cuộc gặp gỡ nói chuyện. Hơn hết, với Vinatex và các doanh nghiệp dệt may khác, đây là nguồn tin “vô hạn” đối với báo chí bởi mỗi góc nhìn, cách tiếp cận sự việc giúp chúng tôi có thể xây dựng nhiều nội dung khác nhau, phản ánh thông tin đa chiều, khách quan. Và quan trọng hơn hết, với mỗi ngành những khó khăn không chỉ xảy ra ở các thể chế, chính sách, mà ngay trong chính nội tại của các doanh nghiệp, việc ổn định lao động, xây dựng môi trường làm việc có sức cạnh tranh cũng là những vấn đề được chúng tôi quan tâm. Điều này được thể hiện thông qua các thiết chế, chế độ đãi ngộ “đặc biệt” mà nếu không đi sâu sát vào doanh nghiệp, những người cầm bút chắc chắn sẽ không thể hiểu để xây dựng nội dung. Do đó, tôi mong muốn, những điển hình tiên tiến trong ngành dệt may, những thiết chế công đoàn hữu ích, những tấm gương vượt khó trong toàn ngành sẽ được chia sẻ nhiều hơn nữa thông qua các bài báo, bên cạnh các “con số” về xuất khẩu… để làm được điều này thì các doanh nghiệp cần cởi mở hơn nữa với đội ngũ báo chí, cho chúng tôi được trải nghiệm thực tế tại nhà máy, phỏng vấn người lao động để xây dựng các tuyến bài đa dạng, chuyên đề.
Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng Vinatex có thể xây dựng kênh truyền thông đa chiều, từ Tập đoàn xuyên suốt tới các đơn vị thành viên để đội ngũ báo chí kịp thời cập nhật các thông tin nóng hổi về an sinh xã hội, xanh hóa ngành dệt may và phát triển bền vững.
Nhà báo Phan Hường – Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội
Gần 30 năm đồng hành và chứng kiến dệt may bền bỉ đi lên, cũng là ngần ấy năm thấy được sự phát triển mạnh mẽ của ngành và Vinatex. Nhưng tôi cũng chưa từng hình dung tới một ngày, dệt may lại gặp khó khăn chồng chất khó khăn như năm 2023. Năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn nhưng với tinh thần “vượt khó”và bản lĩnh được tôi rèn qua gian khó, cá nhân tôi tin rằng ngành dệt may sẽ có sự hồi phục và tăng trưởng. Tín hiệu đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp và kim ngạch xuất khẩu gia tăng trong các tháng đầu năm là cơ sở cho kỳ vọng này.
Hơn hết, tôi nhận thấy ngành dệt may nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng đã có những đổi mới mạnh mẽ trong điều hành, quản lý cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số, xanh hóa và phát triển dệt may bền vững được quan tâm đang tạo ra những bước tiến và diện mạo mới cho bức tranh của ngành. Khi đi sâu, tìm hiểu tại các doanh nghiệp và Vinatex mới thấy có rất nhiều nội dung, nhiều cách làm sáng tạo có thể phản ánh, chia sẻ. Và những người làm báo như chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành để lan tỏa những giá trị tích cực này.
Với Vinatex, các phóng viên theo dõi Tập đoàn đã có những chia sẻ hai chiều thông qua mạng xã hội, điều này giúp việc kết nối cũng như phản hồi thông tin nhanh, chính xác hơn. Việc truyền thông của Tập đoàn cũng đã cởi mở hơn khi những thuận lợi, khó khăn được chia sẻ kịp thời. Và hơn hết, những người làm báo đều kỳ vọng sự cởi mở này sẽ thúc đẩy những thông tin được đa dạng, đa chiều, tránh các thông tin một chiều gây bất lợi cho doanh nghiệp. Hơn hết, với hàng chục nghìn lao động trực tiếp, Vinatex đã xây dựng được một môi trường lao động an toàn, vì người lao động, đây có thể sẽ là những điểm sáng tiếp theo mà báo chí quan tâm, theo dõi.
Tôi tin rằng báo chí sẽ tiếp tục là cầu nối đưa tiếng nói của doanh nghiệp ngành dệt may đến với các cơ quan quản lý, góp phần vào sự hồi phục và phát triển bền vững của ngành hàng chiến lược, quan trọng này. Với riêng Vinatex, tôi kỳ vọng Tập đoàn và đơn vị thành viên sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ, năng lực cạnh tranh được nâng cao và tiếp tục là cánh chim đầu đàn, hạt nhân nòng cốt của ngành với gần 30 năm vượt khó và phát triển.
Quang Nam (t/h)