Tiến trình đầu tư xanh hóa dệt may: Câu trả lời nằm ở nội tại mỗi doanh nghiệp


Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may thiết bị – nguyên phụ liệu – vải năm 2023 (HanoiTex & HanoiFabric 2023) vừa diễn ra với sự tham gia của hơn 200 gian hàng đến từ các quốc gia trên thế giới. Một lần nữa, câu chuyện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dệt may xanh thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp dệt may. Điểm chung đó là dệt may xanh là xu hướng, vì vậy dù muốn hay không các doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi. Tầm nhìn trong trung và dài hạn, chỉ những doanh nghiệp nào thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chuyển đổi xanh mới phát triển bền vững. Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nhận định, Việt Nam được xác định là một điểm đến được nhiều quan tâm của ngành thời trang thế giới, nhất là trong xu thế sản xuất xanh và tuần hoàn đang được đẩy mạnh với tốc độ cao. Tuy nhiên, sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu trong nước còn hạn chế, đang làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành.

PV: Thưa ông, câu chuyện xanh hóa kinh tế, trong đó có dệt may đang nóng lên từng ngày. Xin ông chia sẻ quan điểm về xu hướng này với doanh nghiệp dệt may?

Ông Lê Tiến Trường: Xanh hóa là xu thế trung và dài hạn. Xu hướng này cho thấy thế giới, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng đến trách nhiệm chung bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Những yêu cầu về xanh hóa mang tính định tính đang được cụ thể hoá qua các chính sách mang tính định lượng như thông qua các sắc thuế, chính sách với nhà sản xuất, người tiêu dùng, thuế xử lý chất thải, khí thải… Cụ thể, nhà chức trách sẽ gắn trách nhiệm của nhà sản xuất hàng hóa nói chung, sản phẩm tiêu dùng nói riêng bằng việc đánh thuế trên số lượng sản phẩm tiêu dùng tại nguồn sản xuất và tại các kênh phân phối. Sắc thuế mới được áp dụng dẫn đến giá sản phẩm tăng lên. Những yêu cầu về trách nhiệm xã hội mới theo xu thế giảm thiểu phát thải carbon, sử dụng công nghệ sạch, vận động và hình thành văn hoá tiêu dùng mới… có thể dẫn tới giảm số lượng sản phẩm tiêu dùng.

Như vậy có thể thấy, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tuổi thọ sản phẩm dài ra, khả năng tuần hoàn của sản phẩm, đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm được nhấn mạnh và có sự dịch chuyển từ vận động khuyến khích, từ rào cản phi tài chính sang thành các rào cản tài chính cụ thể sẽ là xu hướng chủ đạo của thị trường hàng hoá thời trang trong thời gian tới.

*Vậy đâu là thách thức lớn nhất trong trung hạn và dài hạn với sản xuất hàng hóa nói chung, sản xuất hàng gia dụng, tiêu dùng nói riêng, thưa ông?

– Thách thức lớn nhất chính là ở chỗ quy mô thị trường về mặt số lượng có nguy cơ giảm; yêu cầu về chất lượng, trong đó đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm ngày càng được nhấn mạnh đưa thành tiêu chuẩn, vừa là tiêu chuẩn phi tài chính để lựa chọn nhà cung cấp vừa là sắc thuế tài chính nhằm hạn chế lượng tiêu dùng. Nhà sản xuất hiện nay phải đối diện với thách thức bao gồm cả xử lý thay đổi công nghệ và việc từng bước tối ưu hóa quy mô sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Tất cả những điều này đều mang tính trung hạn và dài hạn và là chi phí mang tính đầu tư nên thời điểm quyết định đầu tư rất quan trọng. Các đầu tư này đều mang tính chất đầu tư lớn, có sự kết hợp các ứng dụng quan trọng của công nghệ 4.0 như tự động hoá, AIT và big data, sẽ chuyển hóa những ngành từ sử dụng nhiều lao động sang ít phụ thuộc lao động hơn. Cho nên, nếu đầu tư sớm trong khi giá cả thị trường đang chưa cải thiện thì không có điều kiện để cạnh tranh về giá. Nếu làm trễ sẽ nảy sinh câu chuyện bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng…

*Lúc này các doanh nghiệp dệt may cần làm gì, thưa ông?

– Trong xu hướng trung và dài hạn, các thị trường Mỹ và EU đều ban hành các chính sách khắt khe về tiêu chuẩn xanh, bền vững. Thiếu đi chiến lược bài bản trong chuyển đổi xanh dệt may sẽ dần làm mất đi năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong ngành. Chúng ta không phủ nhận sản xuất xanh, nguồn cung ứng xanh là xu thế nhưng cũng không phải vì thế mà làm nhanh, làm gấp, làm khẩn trương khi chưa thực sự có chiến lược bài bản.

Câu hỏi đặt ra là lúc nào làm, làm từng bước, làm khâu nào hay làm theo thứ tự nào? Câu trả lời chỉ có ở từng doanh nghiệp. Trước hết, cần hiểu khung nghiên cứu là gì để hình thành chiến lược xanh hoá như cấu thành cốt lõi trong chiến lược kinh doanh từ nay đến 2030? Nếu đầu tư thay thế, ưu tiên trong ngắn hạn là đầu tư những cái tới hạn đổi mới thì bắt buộc phải nghiên cứu thay thế để đáp ứng yêu cầu mới: xanh hơn, sạch hơn, ít lao động hơn và tạo sản phẩm chất lượng tốt hơn, tuổi thọ dài hơn. Đầu tư mới mang tính mở rộng thì phải hết sức cân nhắc để tốc độ đầu tư phù hợp với tốc độ trở lại của thị trường, trong khi dự báo cho thấy thị trường năm 2024 chưa có sự bứt phá trở lại thì nên đầu tư như thế nào? Doanh nghiệp cần bám sát thị trường, bám sát khách hàng để có chiến lược phù hợp, bởi hiện nay câu chuyện xanh hóa dệt may sẽ không thể có câu trả lời chung cho tất cả doanh nghiệp.

Chúng ta đều biết, ngành dệt may trong nhiều năm qua tăng trưởng rất nhanh do nhu cầu của thị trường thế giới; số lượng sản phẩm tăng, đặc biệt là dòng thời trang nhanh với rất nhiều mẫu mã mới thôi thúc giới trẻ sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, với xu hướng dệt may thời trang xanh đòi hỏi các sản phẩm phải trở nên bền hơn, ít số lượng hơn, chắc chắn sẽ gây áp lực với doanh nghiệp khi số lượng đơn hàng sản xuất không nhiều như hiện nay và các đơn vị sẽ đứng trước khó khăn khi chúng ta đang có quy mô sản xuất lớn nhưng đơn hàng lại không nhiều, vậy phải cân đối năng lực đang có như  thế nào? Cùng với đó là chất lượng yêu cầu cao lên, nguyên liệu yêu cầu đặc biệt hơn, giải pháp như thế nào để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên vật liệu trong dệt may?

*Nguyên liệu sạch, tự nhiên, tái chế được coi là một trong những điều kiện cần và đủ để dệt may thực hiện chiến lược xanh hoá đồng thời đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Song hiện nay, nguyên phụ liệu cho ngành vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này? Liệu đây có phải là yếu tố làm chậm tiến trình phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam không, thưa ông?

– Là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu trong nước còn hạn chế, làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành. Để đáp ứng và tháo gỡ được điểm nghẽn này, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như ERP, CBAM. Hiện nay, năng lực sản xuất vải nội địa chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%. Như vậy, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản để đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng dệt may bền vững.

Tuy nhiên, cũng nhìn nhận rằng Việt Nam đang có lợi thế của người đi sau. Nếu chúng ta đã có một hệ thống sản xuất nguyên liệu lớn, thì giờ là lúc chúng ta phải lo chuyển đổi sao cho sản xuất được các nguyên liệu phù hợp kinh tế tuần hoàn. Trong khi thực tế do chúng ta còn có tỷ lệ sản xuất nguyên liệu chưa cao, nên cơ hội là đầu tư mới cần điều chỉnh ngay vào khu vực sản phẩm đáp ứng yêu cầu mới.

Tư duy, chiến lược phát triển ngành Dệt May Việt Nam tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội… Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối để từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng, bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng chủ động hướng tới các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, trong đó, việc chủ động hoạt động thiết kế, tự chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt.

Xác định đúng nhiệm vụ đặt ra trong hướng tới ngành dệt may xanh, nhưng cần tiếp cận bình tĩnh, khoa học, lắng nghe và bám sát hơi thở của thị trường, của từng khách hàng lớn để quá trình đổi mới giữ được cân bằng trong doanh nghiệp. Quá trình này không để tạo ra quá nhiều thách thức cả từ tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực, và thị trường cùng một lúc, nhất là sau 3 năm khó khăn, nguồn lực doanh nghiệp rất hạn chế… Đây có lẽ là phương thức mà các doanh nghiệp cần nắm vững để xác định bước đi chiến lược phù hợp cho từng đơn vị kinh doanh.

*Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài: Nguyễn Giang (thực hiện)


Các tin khác