Phát triển văn hóa chất lượng: Kiến tạo thế hệ sinh viên chuyên nghiệp, sáng tạo và hội nhập
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn xác định sứ mệnh của mình là đào tạo nguồn nhân lực định hướng ứng dụng có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, chuyên nghiệp trong môi trường toàn cầu. Sứ mệnh của nhà trường đã được cụ thể hóa trong nhiều lĩnh vực trong đó có phát triển mạnh văn hóa chất lượng thể hiện bằng việc trường liên tiếp đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học vào năm 2022 và đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ May và Quản lý công nghiệp vào năm 2023.
Thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong
Để phát triển văn hóa chất lượng một cách có hệ thống, nhà trường đã thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong hết sức khoa học. Hệ thống này được thiết kế tổng thể bao gồm (1) Hội đồng đảm bảo chất lượng cấp trường do Hiệu trưởng làm chủ tịch, (2) Trung tâm đảm bảo chất lượng chuyên trách và (3) các tổ đảm bảo chất lượng do trưởng các đơn vị phụ trách. Trung tâm đảm bảo chất lượng là bộ phận thường trực về công tác phát triển văn hóa chất lượng của trường với 3 chuyên viên được đào tạo có hệ thống ở trình độ Thạc sĩ về đảm bảo chất lượng, 1 chuyên viên có chứng chỉ kiểm định viên đảm bảo chất lượng. Nhiệm vụ của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong là triển khai, duy trì các hoạt động cốt lõi về chất lượng như: lập kế hoạch đảm bảo chất lượng, tổ chức triển khai kế hoạch đảm bảo chất lượng hằng năm, rà soát đánh giá kết quả thực hiện đảm bảo chất lượng theo tháng, triển khai cải tiến chất lượng theo kết quả rà soát, sưu tầm và lưu trữ hơn 2.000 minh chứng cho kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
Bên cạnh việc thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, nhà trường đã tổ chức xây dựng hệ thống văn bản quản lý chất lượng để làm khung pháp lý triển khai công tác đảm bảo chất lượng. Các văn bản có tính cốt lõi như: Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, Quy chế tài chính, Quy chế dân chủ, Chiến lược phát triển nhà trường… đã được Hội đồng trường phê duyệt cho giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025. Các quy chế quản lý đào tạo, quản lý nghiên cứu khoa học, quản lý thi, quản lý xây dựng chương trình và giáo trình, quy định đảm bảo chất lượng, quy định ban hành văn bản, quy định văn hóa nhà trường… được Ban giám hiệu chỉ đạo xây dựng và ban hành trong toàn trường. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng để hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong triển khai các hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy văn hóa chất lượng trong trường.
Định vị phát triển văn hóa chất lượng
Đội ngũ giảng viên được nhà trường xác định là khâu then chốt trong triển khai văn hóa chất lượng trong đào tạo. Trong những năm vừa qua đội ngũ giảng viên được quan tâm và đầu tư thích đáng, điều đó đã góp phần hết sức tích cực để nâng cao chất lượng đào tạo. Tính đến năm 2023, Nhà trường có 266 giảng viên cơ hữu, trong đó 80% giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ; 30% giảng viên đã có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 3- 5 năm. Đây là nhân tố quyết định đảm bảo sinh viên của trường được trang bị kỹ năng thực hành tư duy và thực hành thao tác kỹ thuật đúng với chuẩn của doanh nghiệp. Hai ngành đào tạo đại học có số lượng sinh viên chiếm tới hơn 70% sinh viên của trường là ngành công nghệ may và quản lý công nghiệp cũng có đội ngũ giảng viên hết sức chất lượng với tổng số 90 giảng viên ngành Công nghệ may trong đó 90% có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ; 22 giảng viên ngành Quản lý công nghiệp với 100% có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ.
Bên cạnh đào tạo đại học chính quy, trường còn thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cốt lõi theo đơn đặt hàng cho doanh nghiệp dệt may; hơn 2.700 giám đốc, chuyền trưởng, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý đơn hàng, cán bộ quản lý chất lượng… đã được đào tạo trong giai đoạn 2015-2022 để đáp ứng sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của trường. Hơn thế nữa, việc triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp cũng là một kênh vô cùng quan trọng để khảo sát nhu cầu đào tạo tại doanh nghiệp, thu thập thông tin đánh giá của doanh nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp của trường; những dữ liệu này đã được nhà trường sử dụng có hiệu quả để cải tiến nội dung chương trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Bên cạnh công tác đào tạo, nhà trường cũng đã triển khai thành công các đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao cho ngành dệt may. Trong giai đoạn 2015-2022, trường đã bảo vệ thành công một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về ứng dụng công nghệ Lean trong bối cảnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp may, 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đề tài theo đặt hàng của doanh nghiệp dệt may. Các đề tài này đã được triển khai ứng dụng vào thực tiễn, mở ra hướng đi mới giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh. Hướng nghiên cứu trọng tâm của trường trong giai đoạn 2022-2030 là nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số khác cho ngành dệt may, nghiên cứu ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ tái chế… vào các doanh nghiệp dệt may để thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành dệt may trong bối cảnh mới của thế giới. Công tác nghiên cứu khoa học không những tạo ra tri thức mới mà nhà trường đã sử dụng các tri thức này để cải tiến chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình đào tạo…từ đó thúc đẩy chất lượng đào tạo để góp phần phát triển văn hóa chất lượng trong trường.
Duy trì và phát triển thành công mô hình doanh nghiệp trong trường đại học được coi là điểm nổi trội của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội so với các trường đại học khác và đây cũng là một ưu điểm được đoàn kiểm định ngoài đánh giá cao. Mô hình này là hình mẫu cho đào tạo và nghiên cứu theo định hướng ứng dụng của một trường đại học của ngành dệt may, không những giúp giảng viên có cơ hội triển khai thí điểm các kết quả nghiên cứu vào thực tế mà còn góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo đại học, giúp sinh viên đáp ứng các chuẩn quốc tế ngay sau khi tốt nghiệp, hình thành phẩm chất chuyên nghiệp, sáng tạo và hội nhập cho sinh viên.
Lợi thế từ phát triển văn hóa chất lượng
Thúc đẩy liên tục việc thực hiện văn hóa chất lượng, dù mới triển khai đào tạo đại học được 7 năm song Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
Đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học: Trường đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học vào năm 2022 với các tiêu chí đảm bảo chất lượng toàn diện trong kiểm định về quản trị đại học, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong… cũng như các kết quả hoạt động. Việc đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học vào năm 2022 đã đưa trường vào tốp 20% các trường đại học đầu tiên của cả nước đạt chuẩn theo bộ tiêu chuẩn kiểm định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục thì bộ tiêu chuẩn kiểm định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thiết kế tiếp cận với bộ tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học của mạng lưới các trường đại học của các quốc gia Đông Nam Á (AUN-QA).
Đạt chuẩn kiểm định chất lượng hai chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ may và Quản lý công nghiệp: Ngay sau khi đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học vào năm 2022, nhà trường đã triển khai công tác kiểm định hai chương trình đào tạo đại học là ngành công nghệ may và quản lý công nghiệp. Các chương trình đào tạo đại học được kiểm định chất lượng với 10 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí bao phủ kín các lĩnh vực như: cấu trúc, nội dung, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; các hoạt động đào tạo cũng như kết quả giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng liên quan đến chương trình đào tạo; chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ phục vụ, người học; chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ và hỗ trợ cho chương trình đào tạo. Kết quả, tháng 9/2023, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã được Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cho 2 chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ may và Quản lý công nghiệp.
Đối sánh kết quả kiểm định chương trình đào tạo đại học của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, có thể thấy nhà trường đã đạt được những thành tựu rất đáng kể về văn hóa chất lượng:
Thứ nhất, tính đến tháng 9/2023, toàn bộ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam kiểm định được 1263 chương trình đào tạo trên tổng số 6000 chương trình đào tạo đại học (đạt 20%) thì Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đạt được 22% chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, cao hơn 2% so với hệ thống.
Thứ hai, tính đến 30/9/2023, cả nước có 11 trường đại học đào tạo ngành Công nghệ may thì chỉ có 7 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; trong 7 trường đó, có 5 trường đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT thì trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đứng thứ hai về số tiêu chí đạt chuẩn là 92%.
Thứ ba, tính đến 30/9/2023, cả nước có 14 trường đại học đào tạo ngành Quản lý công nghiệp thì chỉ có 6 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; trong 6 trường đó, có 3 trường đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT thì trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đứng thứ nhất về số tiêu chí đạt chuẩn là 92%.
Giúp người học đạt chuẩn năng lực theo yêu cầu tiên tiến
Việc được học tập, nghiên cứu trong trường đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia giúp người học được tiếp cận với đội ngũ giảng viên vững năng lực, giỏi chuyên môn; chương trình đào tạo có chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… Cùng với đó, người học được sử dụng các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại, tiếp cận với các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 như nhà máy thông minh, thiết bị kỹ thuật số, hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp ERP…, hình thành chuẩn năng lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp tiên tiến tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp của trường cho thấy, sinh viên ngành Công nghệ may và Quản lý công nghiệp luôn đạt tỷ lệ hơn 95% có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp với thu nhập bình quân 9,8 triệu đồng/người/tháng; 88-92% sinh viên được doanh nghiệp tin tưởng giao cho các vị trí kỹ thuật viên, quản lý; 5-7% sinh viên có khả năng khởi nghiệp để tự nuôi sống bản thân và tạo việc làm cho các lao động khác; thu nhập cao nhất của sinh viên ngành công nghệ may lên tới 60 triệu đồng/tháng, sinh viên ngành quản lý công nghiệp 30 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó hiện nay có 10 quốc gia đã công nhận Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Việt Nam là Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp; việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên làm việc cho các doanh nghiệp tại các quốc gia này khi sở hữu bằng đại học của các trường Việt Nam đã được kiểm định.
Đối với nhà trường, việc đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo sẽ giúp nhà trường công khai được các điều kiện đảm bảo chất lượng một cách khách quan, thực hiện tốt trách nhiệm giải trình của nhà trường với xã hội; đây cũng là minh chứng để nhà trường khẳng định uy tín, thương hiệu và chất lượng đào tạo với xã hội, người học, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Kiến tạo thế hệ sinh viên chuyên nghiệp, sáng tạo và hội nhập trên cơ sở phát triển văn hóa chất lượng đã mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường, người học và xã hội. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình đánh giá các chương trình đào tạo tiếp theo và chuẩn bị các điều kiện để tiến tới đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế nhằm liên tục duy trì, cải tiến và phát triển văn hóa chất lượng của trường trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong giai đoạn 2024-2030. |
Bài: TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội