Gia đình hạnh phúc – người thợ say nghề


Gia đình là điểm tựa vững chắc, bến đỗ bình yên với mỗi người. Thật ấn tượng và ấm áp khi nhiều gia đình người lao động dệt may có tổ ấm hạnh phúc, vợ chồng cùng nghề nên cùng thấu cảm và sẻ chia để tròn việc nhà máy, vui vầy việc nhà… Dệt May và Thời trang Việt Nam xin giới thiệu 3 trong 22 gia đình tiêu biểu vừa được Công đoàn Dệt May Việt Nam bình chọn, tặng quà và trao giấy Chứng nhận “Gia đình CNVCLĐ Dệt May tiêu biểu” năm 2023.

Tôn trọng, chia sẻ là con đường đi đến hạnh phúc

Với vai trò là Trưởng chi nhánh Công ty CP Tổng Công ty May Đáp Cầu tại Hải Phòng (May Đáp Cầu), anh Đàm Văn Cường không chỉ nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại chi nhánh mà còn là trụ cột vững chắc của gia đình. Với vợ – chị Phạm Thị Hồng Hạnh, nhân viên phòng xuất, nhập khẩu, Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm thì anh Cường còn vừa là bạn cùng học, vừa là đồng nghiệp làm mảng xuất, nhập khẩu trong ngành dệt may.

Gia đình anh Đàm Văn Cường – TCT May Đáp Cầu

Chia sẻ với Dệt May & Thời trang Việt Nam, vợ chồng anh Cường bộc lộ có chung nhiều quan điểm, sở thích, phương pháp dạy con,… Nhớ lại thời điểm năm 2002-2010, có lẽ là “khoảnh khắc” đáng nhớ nhất với anh chị khi công việc của hai người luôn bộn bề mà con còn nhỏ. Hai vợ chồng phải “căng mình” vừa đảm đương nhiệm vụ, vừa chăm sóc cho con, vun đắp cho gia đình.

Năm 2001, Tổng Công ty May Đáp Cầu mới thành lập chi nhánh tại Hải Phòng. Lúc đó chưa có hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin thuận tiện như hiện nay nên việc tiếp nhận và cập nhật, xử lý thông tin về các đơn hàng xuất, nhập khẩu, mất khá nhiều thời gian; thủ tục hành chính cũng chưa được cải cách. Thời điểm đó, phòng xuất nhập khẩu của Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm sản xuất kinh doanh mặt hàng may mặc cũng đặt bộ phận thường trú tại Hải Phòng. Đó là giai đoạn khó khăn ban đầu mà vợ chồng anh Cường đã cùng nhau trải qua trong công việc. Về tới gia đình, anh Cường cho biết, “vợ mà nấu cơm thì dọn dẹp nhà cửa là việc của chồng”. Ngay cả việc dạy con học, hai vợ chồng cũng cân đối thời gian, nắm bắt tâm tư, động viên con nỗ lực phấn đấu.

Anh Cường cho biết: Nhiệm vụ chính của bộ phận xuất nhập khẩu là phục vụ sản xuất, khai thác hàng hóa nhanh nhất để đưa về sản xuất và làm thông quan hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Căn cứ trên kế hoạch, phối hợp với các bộ phận thống nhất bốc từng đơn hàng cụ thể để khi xuống kho cảng Hải Phòng giao hàng một cách nhanh nhất, xe vận chuyển không phải chạy đi chạy lại, hạn chế những chi phí thấp nhất. Việc vận chuyển nguyên phụ liệu về phải kết hợp với việc vận chuyển hàng xuất đi. Trăn trở với công việc, anh Cường bố trí anh em đi làm 1 cung đường nhưng nhiều điểm đến, khai thác vận dụng hết khả năng và giảm chi phí thấp nhất. Công việc là dịch vụ cho sản xuất nên yêu cầu ứng biến liên tục, mỗi khi có phát sinh là phải giải quyết nhanh, hiệu quả.

Anh Cường cho biết, có lẽ cùng làm mảng xuất nhập khẩu, nên vợ chồng anh giờ có nhiều điểm chung, hầu như chỉ xem chương trình thời sự trên VTV, ít dùng mạng xã hội và buổi tối cùng ngồi uống trà, chia sẻ chuyện công việc, khai thác hàng đáp ứng yêu cầu của sản xuất và xuất hàng kịp thời theo tiến độ của khách đề ra…

Theo anh Cường, gia đình hạnh phúc là vợ chồng tôn trọng, quan tâm, đồng cảm, lắng nghe, chia sẻ với nhau từ việc nhà đến nuôi dạy con. Thành quả hạnh phúc của vợ chồng anh là con gái đang học tại Viện đào tạo Quốc tế (IBD) trường Đại học Kinh tế Quốc dân; con trai là học sinh trường THPT chuyên Trần Phú Hải Phòng, đã nhiều lần đạt giải học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố, và cấp quốc gia, đạt Huy chương Bạc học sinh giỏi trường chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ, giải nhất Olympic của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vun đắp nếp nhà

Người ta vẫn thường nói: “Phía sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng phụ nữ”, nhưng với chị Hoàng Thị Thu Hà, Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật Nhà máy May 4 – Công ty CP Dệt May Huế thì ngược lại. Có được thành công trong công việc như hiện nay, cùng với sự nỗ lực của bản thân thì chị được người chồng – anh Nguyễn Văn Toản, thủ kho thành phẩm may Công ty CP Dệt May Huế động viên, cổ vũ nhiều. Anh Toản cũng là nơi chị yên tâm chia sẻ những băn khoăn, trăn trở trong quá trình làm việc và điều hành. Chung một Công ty nên vợ chồng có nhiều thuận lợi, hiểu về thời gian làm việc, mức độ công việc của nhau.

Nhớ lại thời điểm mới vào Dệt May Huế năm 1996, chị Hà hạnh phúc giãi bày, sau 2 năm làm việc ở Dệt May Huế, anh chị cũng tìm hiểu và đi đến quyết tâm “về chung một nhà”. Ngôi nhà Dệt May Huế đã vun đắp niềm hạnh phúc lớn nhất của chị, công việc hai vợ chồng ổn định, hai cô con gái đã lớn, ngoan ngoãn, trưởng thành.

Gia đình chị Hoàng Thị Thu Hà – Công ty CP Dệt May Huế

Chị Hà tâm tình, trong công việc, dù mỗi người một bộ phận, nhưng thuận lợi là cả hai luôn đón nhận ý kiến từ góc độ khác nhau. Chính nhờ tiếp nhận thông tin từ những góc nhìn mới, chị Hà luôn tìm tòi, học hỏi linh hoạt sáng tạo, phối hợp cùng tập thể, nâng cao năng suất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của công ty.

Điểm đặc biệt, vợ chồng thống nhất không mang căng thẳng của công việc về nhà. Điều tuyệt vời mà chị luôn trân trọng đó là, cả hai đã có hơn 24 năm sống chung nhưng chưa một lần to tiếng với nhau. Đó không chỉ là sự tôn trọng, tin tưởng mà còn hơn cả là tình yêu anh chị dành cho nhau.

Chị Hà bộc bạch, chính nhờ nếp sống luôn đề cao tinh thần nêu gương, phương pháp dạy con là chia sẻ, động viên nên hai cô con gái cũng giữ được nét dịu dàng, nền nã, thích yên tĩnh… 12 năm học phổ thông, các con đều đạt học sinh giỏi của trường. Trong những năm học tại trường Đại học Ngoại ngữ Huế vẫn luôn là sinh viên xuất sắc, hằng năm đều đạt được học bổng toàn phần của nhà trường. Hạnh phúc gia đình là điểm tựa vững chắc để chị Hoàng Thị Thu Hà yên tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm được đón nhận danh diệu chiến sỹ thi đua, lao động tiên tiến, công đoàn viên xuất sắc, phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp cơ sở.

Sợi dệt se hạnh phúc

Sau khi học xong THPT, cô gái trẻ Phạm Mỹ Tiên nộp hồ sơ xin vào làm việc tại nhà máy dệt thuộc Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP. Vừa học vừa làm công việc vận hành máy nối chỉ, Tiên còn chủ động học thêm vận hành máy dệt. Được nhận vào làm việc từ tháng 7/2008, cùng với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, sau 04 năm Tiên được bổ nhiệm làm Tổ trưởng ca B nhà máy dệt 1. Đến năm 2014, Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP thành lập thêm nhà máy dệt 2. Tiên được Lãnh đạo Công ty tin tưởng, điều động sang làm Tổ trưởng ca A nhà máy dệt 2. Thực hiện luân chuyển trong đơn vị, năm 2021 Tiên làm Tổ trưởng ca C.

Với nhiệm vụ Tổ trưởng, bản thân Tiên luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua của đơn vị, không ngừng học hỏi kinh nhiệm để nâng cao tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quản lý, vận hành sản xuất. Mỹ Tiên cho biết, ý thức tiết kiệm sợi, hóa chất hồ, điện, nước, hạn chế vải phế thải tối đa rất cần thiết trong vận hành máy dệt. Bởi mỗi người lao động có trách nhiệm từ việc nhỏ sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm. Đồng nghĩa, nhà máy sẽ có nhiều đơn hàng, người lao động cũng có thêm thu nhập.

Gia đình chị Phạm Mỹ Tiên – TCT Việt Thắng

Trách nhiệm, tận tâm với công việc, khi đảm nhận việc mới, việc khó, Tiên sẽ tìm các giải pháp để hoàn thành tốt nhất. Là người cùng đứng máy với công nhân, nên Tiên thường có những điều chỉnh từ thao tác nhỏ như thắt nút, nối chỉ, xử lý máy bị lỗi,… đồng thời tận tình hướng dẫn, chia sẻ với đồng nghiệp, nhất là những thợ mới vào nghề.

Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Công ty tổ chức đã “mở” ra cơ hội để Tiên gặp được “một nửa của mình” – anh Đặng Tấn Vũ, công nhân nhà máy sợi 1, thuộc Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP.

Về chung nhà từ năm 2017, gia đình chị Tiên- anh Vũ ngập tràn niềm vui với hai con đủ nếp, đủ tẻ. Mặc dù Tiên phải đi làm theo ca nhưng hai vợ chồng vẫn thay phiên nhau “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”. Hai vợ chồng ở nhà trọ, luôn động viên nhau cùng chăm con nhỏ, cùng đảm bảo ngày giờ công, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chị Tiên chia sẻ, anh Vũ không chỉ trách nhiệm, sáng tạo trong công việc mà còn thành thạo việc nhà và chăm con chu đáo. Hằng ngày, anh Vũ căn cứ giờ làm ca của vợ để chủ động việc nhà và chăm sóc con. Không có ông bà nội ngoại ở cùng để nhờ cậy nên vợ chồng chị cùng gánh vác việc nhà, nuôi dạy các con. Tiên tâm sự, các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn là nguồn động lực để bố mẹ yên tâm vào ca. Sợi dệt đã dệt nên yêu thương trong ngôi nhà hạnh phúc của anh chị cũng như của nhiều gia đình ở Tổng Công ty Việt Thắng- CTCP.

Bài: Thanh Thúy


Các tin khác