Đón đọc Đặc san Dệt May và Thời trang số tháng 4/2023
Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 4/2023 cung cấp cho bạn đọc thông tin về những khó khăn của thị trường trong quý I/2023 và nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp trong ngành. Cùng với đó, là các dự báo và giải pháp của Tập đoàn, các doanh nghiệp đưa ra để đối phó với sự sụt giảm của thị trường trong quý II.
Mở đầu Đặc san là bài viết “Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ kế cận: Chìa khóa của phát triển bền vững trong các doanh nghiệp thành viên Vinatex” của ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, cung cấp cho độc giả về sự cần thiết của kế hoạch phát triển đội ngũ kế cận, coi đây là “chìa khóa” của sự phát triển bền vững đối với ngành Dệt May Việt Nam.
Lần đầu tiên, Vinatex tổ chức một Hội nghị về công tác nhân sự mang tính chất quản trị nhân sự hiện đại, dựa theo một công cụ đánh giá khoa học, khách quan và minh bạch. Hội nghị mở ra cách nhìn, cách làm mới trong Tập đoàn và các đơn vị thành viên về khai thác và phát triển nguồn “tài sản” quý của doanh nghiệp. Trong khuôn khổ Hội nghị, Vinatex đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình hành động giữa Tập đoàn với các đơn vị thành viên về công tác quản lý nguồn nhân lực. Đây là nội dung bài viết “Hội nghị công tác nhân sự Vinatex 2023: Gỡ khó cho doanh nghiệp trong bồi đắp nguồn nhân lực” mà Đặc san muốn giới thiệu.
Nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua quý I với mức tăng trưởng thấp nhất trong chu kỳ 12 năm (2011-2023). Trong bối cảnh đó, việc hoạch định và thực thi chính sách vĩ mô cần phải như thế nào? Xin mời quý độc giả cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết “Linh hoạt trong hoạch định và thực thi chính sách kinh tế” của Tiến sỹ Trương Văn Phước – Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Tài chính Quốc gia.
Lần đầu tiên trong 10 năm qua xuất khẩu dệt may quý I của Việt Nam giảm so cùng kỳ (trừ quý I năm 2020 xảy ra đại dịch Covid-19), mức giảm sâu xấp xỉ 20% tương đương trị giá 2 tỷ USD. Các vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sỹ xảy ra liên tiếp trong tháng 3 đẩy nền kinh tế thế giới đứng trước rủi ro suy thoái. Nhu cầu tiêu thụ dệt may tiếp tục suy yếu. Tình hình thị trường chuyển biến nhanh theo hướng kém tích cực. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn đã đưa ra các dự báo cho quý II như thế nào? Độc giả sẽ có câu trả lời qua nội dung bài viết: “Biến động thị trường dệt may quý I/2023 và dự báo quý II/2023”.
Hiện nay các ngành công nghiệp đều đã và đang dần chuyển đổi mô hình kinh doanh sản xuất để phù hợp hơn với xu hướng xanh hoá của quốc tế và ngành dệt may cũng không phải là ngoại lệ. Đặc san số tháng này sẽ cung cấp cho độc giả một loạt bài viết về thời trang xanh, tuần hoàn, bền vững gồm: Xu hướng xanh hóa – thông minh hóa dệt may; Thời trang tuần hoàn: Cơ hội cho ngành may mặc; Thời trang xanh dưới góc nhìn nhà thiết kế; Đánh giá tính bền vững về môi trường của sản phẩm áo T-shirt.
Bên cạnh đó, Đặc san số này cung cấp cho bạn đọc những bài viết về Mô hình doanh nghiệp tại Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội; SaigonTex & SaigonFabric 2023: Cơ hội doanh nghiệp dệt may tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Năng lượng tích cực của người thợ điện máy; Đẹp tươi vẻ gấm Việt; Truyện ký: Chìm trong cát biển Cần Giờ của tác giả Kiều Bích Hậu;…
Trân trọng kính mời độc giả đón đọc qua Đặc san in và qua đường link: https://vinatex.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/TCDM_2023.04.pdf
Mọi chi tiết xin liên hệ: Đặc san Dệt may và Thời trang – Địa chỉ: 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: Ban Tuyên giáo – Truyền thông: 024.38251252; Email: bantgtt@vinatex.com.vn.