Đoàn cán bộ, giảng viên và học viên Học viện Quốc phòng thăm và làm việc tại Vinatex


Ngày 22/11 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đón tiếp đoàn cán bộ, giảng viên, học viên lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng – An ninh đối tượng I, khóa 88 của Học viện Quốc phòng tới tham quan mô hình, quy trình sản xuất tại Tổng Công ty May 10 – CTCP.

Lãnh đạo Học viện Quốc phòng tặng quà lưu niệm cho Lãnh đạo Vinatex và TCT May 10

Lãnh đạo Vinatex và TCT May 10 tặng quà cho HV Quốc phòng và đại diện Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng – An ninh

Dự chương trình có Trung tướng TS. Lê Xuân Thành – Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Văn Đông – Cục trưởng Cục huấn luyện đào tạo Học viện Quốc phòng; Đại tá Phạm Văn Toàn – Cục phó Cục Chính trị, Học viện Quốc phòng, cùng các đ/c lãnh đạo chỉ huy hệ Quốc phòng; Về phía Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng – An ninh đối tượng I, khóa 88 có đ/c Trần Song Tùng – UV BTV Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Lớp trưởng lớp bồi dưỡng cùng 65 học viên của lớp.

Tiếp đón đoàn đại biểu, về phía Vinatex có đ/c Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; Đ/c Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Vinatex, đồng thời cũng là Học viên của lớp học; Đ/c Phạm Văn Tân – Phó TGĐ Thường trực Vinatex; Đ/c Nguyễn Song Hải – Phó TGĐ Vinatex, học viên lớp học, cùng các đ/c lãnh đạo Cơ quan điều hành, Trưởng/Phó các Ban chức năng của Tập đoàn.

Đ/c Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex giới thiệu về Vinatex và May 10

Giới thiệu về Vinatex và May 10 tới đoàn đại biểu, đ/c Lê Tiến Trường cho biết, Vinatex lựa chọn May 10 để đoàn đại biểu tới tham quan bởi đơn vị là một trong những doanh nghiệp ngành May đầu tiên tại khu vực miền Bắc, gắn liền với truyền thống và lịch sử của ngành Dệt May Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là đơn vị khi mới thành lập là Xưởng May 10 trực thuộc Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng, sau 1960 được bàn giao về Bộ Công nghiệp, năm 1995 thì bàn giao về Tập đoàn Dệt May Việt Nam theo Quyết định số 91/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước. Với truyền thống được gây dựng từ Bộ Quốc phòng, May 10 đã vinh dự, tự hào là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất… Cùng với Dệt May Nam Định, May 10 là một trong những đơn vị có đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến của đất nước, lịch sử phát triển của May 10 còn có những kỷ vật gắn liền với Bác Hồ, là đơn vị may trang phục cho Bác lúc sinh thời cũng như sau khi Bác qua đời.

Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của Vinatex, Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh, Vinatex được thành lập với vai trò là nòng cốt của ngành Dệt May Việt Nam kể từ năm 1995 khi đất nước mở cửa, tham gia vào nền kinh tế thị trường. Vinatex với vị thế đầu tàu, cùng với Chính phủ, các Bộ, Ngành có nhiệm vụ dẫn dắt, tham mưu, tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại trong lĩnh vực dệt may. Nhờ đó, ngành Dệt May đã có sự bứt phá vươn lên trong top 3 các ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước. Hiện Vinatex có khoảng hơn 155 nghìn CBNV và NLĐ, với địa bàn trải rộng tại 38 tỉnh thành phố, kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 – 5 tỷ USD (chiếm khoảng 16% kim ngạch cả nước, trong khi lao động chỉ khoảng 1/20 lao động toàn ngành). Kết quả này có được là bởi Vinatex đã nâng cao được năng lực sản xuất, năng suất lao động cao gấp 3 lần trung bình cả nước nhờ vào việc ứng dụng tự động hóa, khoa học kỹ thuật trên toàn hệ thống.

Vinatex cũng là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng nguồn cung về nguyên phụ liệu, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cả nước. Hiện, Vinatex có khoảng 55 – 58% tỷ lệ nội địa hóa về nguồn cung nguyên phụ liệu so với 46% trung bình của cả nước. Trong định hướng chiến lược phát triển, Vinatex xây dựng mô hình “Một điểm đến – cung ứng trọn gói các giải pháp về dệt may và thời trang xanh” cho đối tác và khách hàng, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao hơn của khách hàng từ Sợi, Dệt Nhuộm, May và tập trung hơn vào khâu thiết kế, hướng tới xây dựng các sản phẩm ODM cho khách hàng. Nếu xây dựng được mô hình này thì tỷ lệ giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may của Việt Nam có thể lên tới 85% và đây sẽ là mục tiêu chiến lược của Vinatex trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, với các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tại COP27, COP26 về giảm phát thải ra mô trường, Vinatex cũng đang tập trung hướng tới phát triển mô hình xanh hóa trên toàn hệ thống từ việc xây dựng các sản phẩm tái chế, tuần hoàn, lắp đặt điện áp mái tại các nhà máy… cũng như xây dựng các chương trình phúc lợi, môi trường làm việc tốt hơn cho NLĐ. Mỗi năm, Vinatex chi trả khoảng 1 tỷ USD để chi trả, đảm bảo việc làm cho trên 155 nghìn lao động, trung bình trong 9 tháng năm 2022 thu nhập của NLĐ khoảng 9,6 triệu/người/tháng.

Sau quá trình cổ phần hóa từ năm 2015, Vinatex hiện là đơn vị có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thuộc nhóm đầu khối doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời Vinatex cũng là đơn vị niêm yết đạt các yêu cầu của quốc tế, nhiều năm liền là doanh nghiệp Upcom quy mô lớn thực hiện tốt công bố thông tin và minh bạch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội công nhận. “Một doanh nghiệp muốn tồn tại được phải có năng lực cạnh tranh, thể hiện qua năng suất, chất lượng và tới đây là những yếu tố về sản xuất xanh, sạch, bền vững. Do đó, ngoài việc cạnh tranh trên thị trường, Vinatex còn là đơn vị đảm bảo các yếu tố phúc lợi tốt nhất cho NLĐ, xây dựng tổ chức Công đoàn ngành quy mô lớn nhất cả nước, đảm bảo an ninh – chính trị, cũng như ổn định trên toàn hệ thống, không xảy ra các vấn đề liên quan đến chính trị, quốc phòng tại 38 tỉnh thành Vinatex có nhà máy hoạt động”- Đ/c Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Trung tướng TS. Lê Xuân Thành – Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng bày tỏ ấn tượng với những thành tích của Vinatex và May 10

Trung tướng TS. Lê Xuân Thành – Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng bày tỏ ấn tượng với những thành tích của Vinatex và May 10, nhất là sau khi Vinatex cổ phần hóa đã có sự tăng trưởng vượt bậc, tương xứng với quá trình đổi mới của đất nước. Các sản phẩm của Vinatex đã có mặt tại nhiều thị trường quốc tế, trở thành niềm tự hào về các sản phẩm dệt may “made in Vietnam”. Bên cạnh đó, Trung tướng TS. Lê Xuân Thành cũng đặc biệt nhấn mạnh sự chăm lo cho hơn 155 nghìn lao động, công tác phúc lợi của Vinatex trong bối cảnh nhiều DN đang cắt giảm lao động trước thềm Tết Nguyên đán 2023. Trong sự khó khăn của thị trường xuất khẩu, đơn hàng thiếu hụt, tất các hơn 40 DN thành viên của Vinatex vẫn đảm bảo được việc làm, chi trả lương đầy đủ cho NLĐ, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao.

Ông Thân Đức Việt – TGĐ TCT May 10 – CTCP dẫn đoàn đại biểu tham quan Trung tâm thiết kế, xí nghiệp Sơ – mi và Nhà truyền thống của Tổng Công ty

Sau buổi gặp mặt, đoàn đại biểu của Học viện Quốc phòng và các học viên đã tới tham quan Trung tâm thiết kế (R&D) của May 10, Xí nghiệp Sơ-mi và Nhà truyền thống của Tổng Công ty; nghe lãnh đạo Tổng Công ty chia sẻ những kỷ niệm về Bác Hồ với May 10, những hiện vật của Bác đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống…

Quang Nam


Các tin khác