Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân: Tạo niềm tin, dựng chất lượng


Vượt qua được những khó khăn nội tại, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (DK Đông Xuân) từng bước trở lại “đường đua” với định hình trở thành đơn vị sản xuất chuỗi cung ứng dệt kim lớn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và trong khu vực. Với những bước đi vững chắc, DK Đông Xuân sẽ nối tiếp truyền thống, khẳng định vị thế và thương hiệu trong hơn 60 năm qua.

Đổi mới quản trị

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, DK Đông Xuân đã vượt qua nhiều chỉ tiêu về kết quả SXKD, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt 230,79 tỷ đồng, bằng 202,05% so với cùng kỳ năm 2021; Tổng doanh thu ước đạt 242,67 tỷ đồng, bằng 176,9% so với cùng kỳ, thực hiện được 37,25% kế hoạch năm 2022.

Điều này minh chứng cho sự nỗ lực của HĐTV và Cơ quan điều hành DK Đông Xuân trong việc ổn định sản xuất; Cải thiện môi trường làm việc tại đơn vị, tạo không khí làm việc hăng say, tích cực. Đồng thời, công ty đã quyết liệt trong đổi mới quản trị, sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhân sự, tiết giảm chi phí sản xuất…

Nhằm hợp lý hóa hơn quy trình sản xuất, liên kết giữa khâu Dệt sang Nhuộm, cuối năm 2021, DK Đông Xuân đã chuyển toàn bộ Nhà máy Dệt tại Hà Nội xuống Nhà máy Dệt Nhuộm đặt tại KCN Dệt May Phố Nối. Ông Đỗ Thanh Tùng – Phó TGĐ DK Đông Xuân cho biết, trước đây khi vải mộc dệt xong phải chờ cả ngày để vận chuyển xuống xí nghiệp nhuộm, nếu vải mộc bị lỗi thì phải quay đầu để thay thế, điều này vô hình chung vừa làm tăng chi phí vận chuyển giữa 2 nhà máy vừa khiến sản xuất không thông suốt. Quyết định di dời nhà máy Dệt có thể coi là quyết định “táo bạo”, nhưng nhờ có sự ủng hộ của Tập đoàn, Cơ quan điều hành DK Đông Xuân đã có sự chuẩn bị về tổng thể, từ lúc di dời đến vận hành toàn bộ nhà máy chỉ mất 23 ngày, lao động không bị biến động vì tất cả CNLĐ đều tin tưởng, sẵn sàng đi theo nhà máy. Ông Tùng chia sẻ, việc quyết định di dời nhà máy Dệt cũng giúp sự liên kết giữa 2 khâu trong chuỗi của Đông Xuân chặt chẽ hơn. Điều lo ngại lớn nhất là vấn đề nhân lực, công nhân lành nghề có thể nghỉ việc khi di chuyển nhà máy ra khỏi nội đô, nhưng may mắn là tất cả CBNV đều đồng lòng gắn bó với nhà máy.

Trong chuyến công tác đầu năm 2022 ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường và Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đã tới thăm và động viên CBNV DK Đông Xuân ngay trong ngày mồng 4 Tết tại Nhà máy Dệt Nhuộm. Lãnh đạo Tập đoàn đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo và CBNV Công ty với sự quyết tâm, kịp đưa vận hành Nhà máy Dệt trước kế hoạch để kịp thời sản xuất các đơn hàng lớn. Đây cũng là sự ghi nhận của Lãnh đạo Tập đoàn đối với một đơn vị có nhiều năm liền khó khăn nhưng đã có sự tiến bộ, có những bước chuyển mình rõ rệt về công tác tổ chức và sản xuất.

Ông Nguyễn Đăng Lợi – Tổng Giám đốc DK Đông Xuân thông tin, hiện đơn hàng cho 2 Xí nghiệp May của công ty đã lấp đầy đến hết tháng 12/2022, đảm bảo đủ việc làm, giúp NLĐ yên tâm sản xuất, từ đó nâng dần năng suất lao động cũng như chất lượng của sản phẩm. Với ngành Dệt – Nhuộm, công ty vừa đầu tư hàng chục tỷ đồng đầu tư thêm 2 máy nhuộm công suất lớn để nâng sản lượng vải lên khoảng 350 tấn/tháng, gấp đôi sản lượng so với hiện nay. Việc đầu tư máy nhuộm có công suất lớn không chỉ giúp đơn vị tăng về quy mô mà còn gỡ được “nút thắt” tạo ra sự tương đồng về công suất giữa các loại máy trong cùng nhà máy, đồng thời cũng giúp hợp lý hóa, tối ưu hóa quy trình sản xuất. Theo Tổng Giám đốc DK Đông Xuân, 2 máy nhuộm công suất lớn vừa trang bị là những thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất được sử dụng tại các nhà máy của khách hàng.

Tạo niềm tin, động lực

Thực tế, DK Đông Xuân là một trong những đơn vị trong Vinatex đã có những bước chuyển mình rõ rệt sau nhiều năm khó khăn. Không chỉ có thêm những khách hàng mới, DK Đông Xuân cũng đã và đang xử lý những tồn đọng do nhiều yếu tố. Cùng với việc di dời nhà máy dệt, xí nghiệp may Khoái Châu cũng đã được sắp xếp lại các chuyền may để hợp lý hơn trong sản xuất. Trong thời gian tới đây, lãnh đạo công ty cho biết sẽ mở rộng quy mô của xí nghiệp may Khoái Châu thêm 300 người. Đồng thời sau khi tái cấu trúc lại toàn bộ công ty, khu vực Khoái Châu sẽ có thể mở rộng thêm quy mô nhà máy Sợi và Dệt, để giúp DK Đông Xuân trở thành đơn vị có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của Vinatex, hướng tới trở thành trung tâm dệt kim lớn tại khu vực miền Bắc.

Để thực hiện được chiến lược này, ngay trong những tháng đầu của quý 3/2022, công ty sẽ tiến hành sắp xếp lại nhân sự của các bộ phận gián tiếp, tập trung cho lực lượng lao động trực tiếp SXKD để giảm bớt chi phí. Đồng thời, tập trung xử lý hàng tồn kho, các thiết bị không sử dụng của những năm trước; Cân đối lại dòng tiền, nguồn vốn, hợp tác với các tổ chức tài chính, đồng thời xử lý công nợ từ phía khách hàng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những nhiệm vụ trong ngắn hạn. Còn trong dài hạn, lãnh đạo công ty cho biết vẫn chủ yếu tập trung vào con người. Đó là việc tạo ra được môi trường làm việc hăng say, sôi nổi cho NLĐ thông qua đảm bảo các chế độ lương, thưởng, cũng như văn hóa làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết. Hiện thu nhập bình quân của NLĐ tại DK Đông Xuân đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Đỗ Thanh Tùng – Phó TGĐ DK Đông Xuân chia sẻ, khi bắt tay vào đổi mới chiến lược SXKD, cũng vẫn con người và thiết bị đó, nhưng năng suất lại tăng cao hơn rất nhiều lần. Đó chính là “thành công” nhìn thấy được từ việc lãnh đạo công ty đã tạo ra được niềm tin với NLĐ bằng việc lắng nghe như tâm tư, nguyện vọng của họ.

Bên cạnh ổn định tâm lý, tạo sự yên tâm, động lực gắn bó với nhà máy cho NLĐ, việc xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ cũng là một trong những kế hoạch mà DK Đông Xuân đang thực hiện. Việc có được đội ngũ lãnh đạo trẻ sâu sát với tình hình sản xuất tại nhà máy, nhanh nhạy trong việc đưa ra quyết định cũng là một yếu tố giúp công ty tăng tốc trong việc tái cấu trúc hoạt động. Lãnh đạo công ty khẳng định “Khó đến đâu thì sửa đến đó”, điều này như lời khẳng định với quyết tâm đổi mới, bứt phá của DK Đông Xuân, đưa thương hiệu trở lại bằng chính nỗ lực của đội ngũ cán bộ trẻ dám đương đầu với những rủi ro.

Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm đã đi qua của DK Đông Xuân, không ít người Hà Nội, thậm chí là cả khu vực miền Bắc đều không khỏi bồi hồi nhớ lại về những chiếc áo may ô, những chiếc áo thun dệt kim được rất nhiều người ao ước. Trước sự thay đổi của thị trường, DK Đông Xuân bị chậm lại phía sau so với các đơn vị FDI, tư nhân mặc dù là một trong số ít những đơn vị có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Tuy được khách hàng đánh giá rất cao về kỹ thuật, đội ngũ công nhân lành nghề, nhưng việc quá “an toàn” đã dẫn đến việc thụt lùi lại phía sau trong khi các DN khác lại vượt lên, đón đầu xu hướng và mở rộng khách hàng.

Nhận rõ được những vấn đề cần phải giải quyết, Tổng Giám đốc DK Đông Xuân thông tin, trong khi đợi thị trường ấm trở lại, lãnh đạo công ty sẽ tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng, từ tổ chức cho tới quy trình sản xuất, cũng như đầu tư thêm các thiết bị hiện đại. Với định hướng của Vinatex và dư địa phát triển của ngành dệt kim, xu hướng các đơn hàng FOB ngày càng gia tăng ở Việt Nam, DK Đông Xuân chắc chắc sẽ có những bước phát triển nhảy vọt, tăng tốc trở lại để về đích trong năm 2022 và những năm tiếp theo, đồng thời đưa thương hiệu Đông Xuân xứng tầm với lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển.

Bài: An My

Anh Lê Văn Tính- bộ phận tẩy nhuộm, xử lý hoàn tất, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân:

Đã hơn 30 năm gắn bó với việc nhuộm vải, kinh nghiệm của tôi là luôn chủ động nắm vững quy trình vận hành của máy, kiểm tra đầu vào vải, chủng loại, thuốc nhuộm. Trong quá trình vận hành, phải tuyệt đối giám sát, phối hợp chặt chẽ với kỹ thuật. Nhất là trong quá trình xử lý sự cố về nhiệt, áp, vải, thuốc nhuộm… Cùng với kinh nghiệm của bản thân, người công nhân ở bộ phận nhuộm luôn “bám máy”, có như vậy, vải được nhuộm mới đạt chất lượng tốt nhất. Lương tháng trung bình của tôi hiện hơn 10 triệu đồng/tháng. Môi trường làm việc đoàn kết, dù công ty có chuyển địa điểm nhà máy về tỉnh Hưng Yên, cách xa Hà Nội khoảng 30km thì chúng tôi vẫn yên tâm, tin tưởng làm việc.

Chị Nguyễn Thị Thúy, bộ phận máy định hình, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân:

Hằng ngày, chúng tôi được công ty bố trí xe đưa đón từ Hà Nội về tỉnh Hưng Yên. Ban đầu, bản thân tôi cũng như nhiều người trong xưởng lo lắng môi trường làm việc thay đổi. Nhưng nhờ sự quan tâm động viên, tạo mọi điều kiện của ban lãnh đạo, sau thời gian rất ngắn, về đây làm việc, chúng tôi rất yên tâm. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, lãnh đạo, công đoàn công ty rất quan tâm tới đời sống của người công nhân, việc làm, thu nhập được ổn định. Hằng năm, chúng tôi được khám sức khỏe định kỳ. Thời tiết nắng nóng, công ty hỗ trợ thiết bị tránh nóng, chế độ chống nóng. Gắn bó với công ty 3 năm nay, ngoài mức lương 7,2 triệu đồng/tháng, tôi được nhận các khoản thu nhập khác của Công ty từ các ngày lễ, Tết, chế độ nghỉ mát vào dịp hè. Bản thân tôi nói riêng, tất cả người lao động ở đây đều mong muốn công ty có nhiều đơn hàng, chúng tôi có thêm việc làm, công ty ngày càng phát triển, người lao động có thu nhập cao hơn.

K.Giang- T.Thúy (ghi)


Các tin khác