Dệt tiếp thành công – May kỳ tích mới
Tháng 5 này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 báo cáo cổ đông kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) ấn tượng của năm 2021 và kế hoạch khá tham vọng cho năm 2022 dù dự báo thị trường có nhiều bất định.
Chúng ta vừa hoàn thành quý 1 năm 2022 với kết quả kinh doanh hết sức tốt đẹp, vượt cùng kỳ năm trước gần 75% về hiệu quả, gần 50% về doanh thu. Tuy nhiên, cũng chỉ trong quý 1, rất nhiều tín hiệu tiêu cực đã đến với ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng. Một là, xung đột Nga- Ucraina đã kéo dài gần 3 tháng và chưa có tín hiệu hạ nhiệt chứ không ngắn như chúng ta dự báo. Hai là, kinh tế thế giới, nhất là kinh tế các nước phát triển như Mỹ, EU, đều có hướng chuyển tiêu cực nhanh, các dự báo chung về tăng trưởng trong quý 1 đều đã giảm từ 1-2% so với dự báo tháng 12/2021 ở tất cả các nền kinh tế lớn. Lạm phát cả ở Mỹ, EU, Anh đều ở mức cao nhất hàng chục năm qua. Kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng âm trong quý 1. Lãi suất cũng liên tục được đẩy lên và đã ở mức cao nhất hơn 1 thập kỷ. Ba là, nhiều thông tin cho thấy hàng hoá, nhất là hàng tiêu dùng tồn kho lớn, sức mua giảm do kinh tế xoay chiều. Bốn là, giá cả nguyên liệu cơ bản tăng nhanh trong đó có nhiên liệu và với riêng dệt may thì giá bông đã tăng gần 40% trong quý 1 từ mức 104 cent/ pound đầu năm lên tới trên 140 cent/pound hiện nay. Năm là, áp lực của logistic chưa giảm cả về giá và thời gian vận chuyển.
Trong cuộc làm việc với Tập đoàn Dệt May Việt Nam ngày 8/2/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao nhiệm vụ “dệt tiếp những ước mơ, dệt nên những kỳ tích…” cho Tập đoàn. Nhận nhiệm vụ của Chủ tịch Quốc hội giao với niềm tự hào và quyết tâm cao, nhưng CBNV-NLĐ Vinatex cũng nhận thức được những thách thức cả cũ và mới của thị trường cũng như trong nội tại doanh nghiệp. Chính vì vậy trong chủ trương chiến lược của Tập đoàn, Đảng uỷ, HĐQT tập trung đề ra cụm bốn giải pháp lớn KIẾN TẠO NIỀM TIN – TIẾN CÙNG THỜI ĐẠI – SINH LỰC ĐỔI MỚI – TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI. Cụ thể nội hàm của từng giải pháp như sau:
KIẾN TẠO NIỀM TIN
Ngay từ cuối năm 2020, khi tổng kết năm đầu tiên sống chung với dịch Covid-19, Tập đoàn đã nhận định, trong điều kiện khó khăn, tình hình biến đổi nhanh, cần có giải pháp sáng tạo mà đa số vượt ra ngoài khuôn khổ bình thường thì hoạt động SXKD của Tập đoàn cần được xây dựng trên cơ sở của niềm tin. Niềm tin của người lao động vào người sử dụng lao động, niềm tin của khách hàng và nhà cung cấp, niềm tin của đơn vị thành viên, của các cổ đông với công ty mẹ và niềm tin của xã hội. Chúng ta nhớ lại phát biểu của GS Tom Peter, nhà tư vấn hàng đầu của Mx Kinsey – “kỹ thuật và công nghệ là quan trọng, nhưng tạo được niềm tin mới là vấn đề hàng đầu của thế giới ngày nay”.
Tất nhiên để tạo dựng được niềm tin cần bắt đầu bằng sự minh bạch, công khai, bằng trách nhiệm giải trình chi tiết và cả kết quả làm ra trong điều kiện khó khăn. Xây dựng niềm tin là quá trình dài hạn mà mỗi thế hệ cán bộ của Vinatex cần liên tục vun đắp, thể hiện ra thành các tiêu chí công khai, đo lường được để các bên liên quan nhận thấy và gây dựng niềm tin trong họ. Kiên định kiến tạo niềm tin trong dài hạn sẽ là nền móng cho phát triển bền vững của Vinatex
TIẾN CÙNG THỜI ĐẠI
Trong 5 năm trở lại đây, bên cạnh các nhân tố cạnh tranh thông thường của các năm trước là chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, dệt may và thời trang là ngành có nhiều áp lực đổi mới rất lớn. Khởi đầu là áp lực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với những dự báo ban đầu có thể đến 85% lao động ngành dệt may phải tìm việc mới hoặc phải đào tạo lại. Tiếp đó là những sáng kiến mới của thế giới về phát triển bền vững, trong đó có cam kết không phát thải các – bon vào năm 2050 mà Việt Nam đã khẳng định. Trong khi ngành dệt may thời trang là ngành có thể nói đang có tỷ lệ phát thải lớn do sản lượng rất lớn, và cũng là ngành theo tính toán tạo ra lượng rác thải lớn trên trái đất do tỷ lệ trên 50% hàng may mặc trở thành rác thải sau 1 năm. Phần lớn rác thải may mặc chưa tái chế được gây áp lực lớn với các quốc gia. Áp lực của thời đại lần này hoàn toàn khác với áp lực cạnh tranh thông thường của 20 năm trước, khi giải pháp tập trung vào nâng cao năng suất – quản trị tinh gọn – khai thác hiệu quả tài sản – tiết giảm giá thành – chất lượng tốt nhất đều là những giải pháp chúng ta tập trung vào quản trị, điều chỉnh nhỏ về đầu tư tài sản cố định. Trong khi áp lực lần này đòi hỏi sự chuyển hướng từ công nghệ nguồn, từ nguyên liệu gốc, từ quan niệm thiết kế, đến sản phẩm cuối cùng. Rõ ràng với các yêu cầu này gần như chúng ta không thể cải thiện và cạnh tranh trên hệ thống đang có sẵn, mà phải dựa khá nhiều vào nghiên cứu phát triển và đầu tư tài sản – công nghệ mới. Tiến cùng thời đại lúc này không còn là khẩu hiệu khích lệ, phấn đấu mà là giải pháp bắt buộc, tiến cùng được thời đại thì doanh nghiệp tồn tại ngược lại sẽ là suy thoái.
SINH LỰC ĐỔI MỚI
Xác định phải hoạt động trên nền tảng niềm tin và tiến cùng thời đại, rõ ràng Vinatex phải tạo ra được sinh lực đổi mới trong nội tại tổ chức. Đổi mới bắt đầu từ phương thức và mô hình kinh doanh, không chỉ nâng cấp dần trong chuỗi cung ứng từ CM lên FOB lên ODM mà còn phải tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới đáp ứng tiêu chuẩn xanh hoá và kinh tế tuần hoàn. Từ nay đến 2030 là giai đoạn nhà sản xuất nào tăng tốc được đổi mới theo hướng sản phẩm tuần hoàn, sản xuất sinh thái sẽ thu được lợi thế quan trọng trong kinh doanh. Khi mà sau năm 2030 các tiêu chuẩn là khuyến khích hiện nay có thể trở thành tiêu chuẩn chính thức, như dự thảo các tiêu chí kinh tế tuần hoàn cho ngành thời trang của EU tháng 3 vừa qua. Đổi mới sáng tạo luôn là lĩnh vực khó, nhiều rủi ro, tỷ lệ thất bại cao, luôn là lĩnh vực các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối ngại thử nghiệm do các rào cản về cơ chế. Tuy nhiên, với ngành thời trang, dưới áp lực rất lớn của kinh tế tuần hoàn, nếu không kịp thời đổi mới chúng ta sẽ lỡ nhịp và bị loại dần khỏi cuộc chơi. Còn ngược lại, tận dụng được cơ hội này chúng ta lại có khả năng vượt lên một nấc thang mới về trình độ phát triển trong chuỗi cung ứng, nhanh hơn so với phương thức cũ mà chúng ta đang cố gắng cạnh tranh để vươn lên nhưng dư địa sáng tạo không còn nhiều.
TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI
Doanh nghiệp hay bất cứ tổ chức nào muốn phát triển nhanh cũng phải dựa vào chất lượng nhân lực, nhất là nhân lực chủ chốt. Ngành dệt may lại càng có độ phụ thuộc cao vào nhân lực quản lý khi mà tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn chỉ khoảng 900 triệu USD nhưng lại dùng trực tiếp trên 70.000 ngàn lao động và tạo ra khoảng gần 2.5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, chắc chắn còn những tài sản vô hình rất lớn được ẩn chứa trong đội ngũ người lao động. Một giám đốc giỏi có thể làm cho 1 doanh nghiệp may 1000 lao động hiệu quả cao và ngược lại có thể chỉ 3 năm là mất hết vốn. Cần có nhân lực giỏi không phải là điểm mới, tuy nhiên vấn đề giải pháp là gì?
Giải pháp của Vinatex trong thời gian qua và vẫn đang tiếp tục được triển khai rộng rãi hơn chính là xây dựng môi trường học tập, tạo điều kiện phát hiện và phát triển công bằng với nhân lực có khả năng. Năm 2021, Tập đoàn đã tổ chức đào tạo trên 300 cán bộ quản lý cấp trung trong thời gian 4 tháng bằng hình thức trực tuyến, bổ sung kịp thời kiến thức quản trị cho quản trị viên cơ sở. Năm 2022, đã khai giảng khoá đào tạo trong 12 tháng cho 145 “tài năng trẻ” tuổi dưới 35 có trình độ đại học trở lên, tạo nguồn bền vững cho lớp cán bộ tiếp theo. Cùng với đào tạo là chương trình triển khai xây dựng và đánh giá giá trị công việc theo Hay Value, trả lương theo vị trí công việc, trước mắt là cho cấp cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ. Quan điểm của Vinatex, trọng dụng nhân tài không chỉ là trả lương cao, mà trọng dụng nhân tài là tổ hợp của các giải pháp từ phát hiện – đào tạo – thử thách – đánh giá – đào tạo nâng cao – bổ nhiệm – đãi ngộ. Quan trọng nhất là tạo ra môi trường minh bạch để mọi nhân sự đều có cơ hội bình đẳng trong một công ty học tập. Tạo môi trường cho nhân lực có khả năng được thử thách cũng sẽ là một trọng tâm của công tác nhân lực trong sự gắn kết với những đề án kinh doanh sáng tạo, đổi mới.
Không chủ quan, tự mãn với kết quả xuất sắc của 2 năm chống chọi dịch bệnh, bảo toàn được đội ngũ và có kết quả kinh doanh tốt nhất 26 năm qua, cán bộ và người lao động Vinatex ý thức được thách thức rất lớn luôn tồn tại phía trước với nhiều đặc điểm mới của thị trường toàn cầu. Nắm bắt được cơ hội, tiếp cận khoa học, sáng tạo thì có thể đưa Vinatex vượt ra khỏi vóc dáng ngành nghề thâm dụng lao động, chủ yếu là mang lại hiệu quả xã hội còn hiệu quả kinh tế không cao thành một Tập đoàn vừa có hiệu quả xã hội nhưng đồng thời cũng có hiệu quả tài chính và năng lực cạnh tranh toàn cầu cao. Có những sản phẩm sở hữu trí tuệ Việt và bắt kịp yêu cầu mới của thị trường thế giới. |
Bài ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex