Bản tin pháp luật Tháng 12/2021 (Số 131)
Bản tin pháp luật Tháng 12/2021 (Số 131)
- NGHỊ ĐỊNH:
- Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Theo đó, từ ngày 01/01/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với các đối tượng sau đây:
– Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
– Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019,…
– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000, Quyết định 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010,…
– Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP ngày 20/6/1975 và Quyết định 111-HĐBT ngày 13/10/1981.
– Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008.
– Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010.
– Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011.
Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2022 và thay thế Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20/05/2019.
- Nghị định 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa
Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. (So với hiện hành, bổ sung đối tượng là tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa).
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa. (So với hiện hành, bổ sung cụm từ “sản phẩm của”).
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2022.
- Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 4); nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Điều 5); thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán (Điều 6).
– Sửa đổi mức phạt tiền từ 5-10 triệu lên mức 10 đến 20 triệu đồng đối với công ty đại chúng thực hiện các hành vi vi phạm: (i) Không xây dựng, trình ĐHĐCĐ thông qua quy chế nội bộ về quản trị công ty, quy chế hoạt động của HĐQT, BKS; (ii) Không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty;…
– Bổ sung quy định về vi phạm quy định về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng (Điều 15a)
Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.
- THÔNG TƯ
1.Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa
Theo đó, chứng từ kế toán thuế (KTT) phải thực hiện theo đúng nội dung, phương pháp lập, ký chứng từ theo quy định của Luật kế toán và có đầy đủ thông tin theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 111/2021/TT-BTC .
Chứng từ KTT phản ánh thông tin số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ được lập trong các trường hợp sau:
+ Trường hợp cơ quan thuế phải điều chỉnh số liệu thu NSNN theo đề nghị của KBNN hoặc cơ quan có thẩm quyền mà thông tin điều chỉnh chỉ ảnh hưởng đến dữ liệu báo cáo KTT, không làm thay đổi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (NNT) trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ NNT.
+ Trường hợp thay đổi về chính sách dẫn đến phải điều chỉnh dữ liệu báo cáo KTT mà không làm thay đổi nghĩa vụ thuế của NNT.
Danh mục, mẫu và phương pháp lập chứng từ KTT được quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư 111/2021.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022, áp dụng cho kỳ kế toán năm 2022 và thay thế Quyết định số 1544/QĐ-BTC ngày 07/7/2014, Quyết định số 630/QĐ-BTC ngày 09/4/2015.
- Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2022 đến hết 30/6/2022, mức thu một số khoản phí, lệ phí như sau:
– Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng: Bằng 50% mức thu phí quy định tại Mục 1 Biểu mức thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở ban hành kèm theo Thông tư số 209/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở;
– Phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan trung ương thực hiện: Bằng 80% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước ban hành kèm theo Thông tư số 270/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan trung ương thực hiện;
– Phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán: Bằng 50% mức thu phí, lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 272/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán;
– Phí đăng ký giao dịch bảo đảm: Bằng 80% mức thu phí quy định tại điểm a, điểm b và điểm d Mục 1 Biểu mức thu phí tại Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; và bằng 80% mức thu phí quy định tại điểm c, điểm đ Mục 1 Biểu mức thu phí tại Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC.
- Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng
Theo đó, Thông tư áp dụng đối với 2 đối tượng:
– NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ xác định thời hạn làm việc từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và HĐLĐ không xác định thời hạn, làm các công việc: Sản xuất có tính thời vụ trong ngành nông – lâm – ngư – diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được; gia công hàng theo đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu;
– NSDLĐ theo khoản 2 Điều 3 BLLĐ (doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân cho thuê, mướn NLĐ làm việc cho mình theo thỏa thuận).
Hằng năm, căn cứ vào quỹ thời gian làm việc tiêu chuẩn trong năm, NSDLĐ lập kế hoạch xác định số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày của NLĐ theo các trường hợp: Ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn là 8 giờ; ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn nhiều hơn 8 giờ nhưng không quá 12 giờ; ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn từ 4 giờ đến dưới 8 giờ.
Thông tư nêu rõ: Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi lao động không quá 300 giờ.
Hằng tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho NLĐ. NSDLĐ phải bố trí để NLĐ được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác. Đồng thời, việc rút ngắn giờ làm việc và đảm bảo thời giờ nghỉ ngơi của lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi; quyết định nghỉ việc không hưởng lương đúng theo quy định của BLLĐ.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015.
- Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế
Theo đó, chất thải y tế nguy hại gồm hai loại (chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm).
– Chất thải lây nhiễm, trong đó bao gồm:
+ Chất thải lây nhiễm sắc nhọn như kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ;
+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn như bông, băng, gạc, găng tay, các chất thải không sắc nhọn khác thấm, dính, chưa máu của cơ thể, chứa vi sinh vật gây bệnh;
+ Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao như mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm thải bỏ từ các phòng xét nghiệm tương đương an toàn sinh học cấp II trở lên;
+ Các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly, khu vực điều trị cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B.
+ Chất thải giải phẫu như mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ, xác động vật thí nghiệm.
– Chất thải nguy hại không lây nhiễm như hóa chất thải bỏ có thành phần nguy hại, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất…
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/01/2022 và thay thế Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015.
- Thông tư số 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử
Theo đó, đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử theo lộ trình cụ thể như sau:
– Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên: hoàn thành trước ngày 30 tháng 06 năm 2022.
– Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác: hoàn thành trước ngày 01 tháng 12 năm 2022. (Trung tâm y tế – Bệnh viện Dệt May hoàn thành trước ngày 01/12/2022. Lý do: Trung tâm y tế – Bệnh viện Dệt May là bệnh viện được xếp hạng Bệnh viên hạng II từ ngày 17/01/2012).
Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp mã định danh cơ sở khám, chữa bệnh và mã người hành nghề cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý thông qua Hệ thống đơn thuốc quốc gia.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú.
Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2022
III. QUYẾT ĐỊNH
- Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về việc chi hỗ trợ cho Đoàn viên, Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Cụ thể, đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ như sau:
– Tối đa là 3.000.000 đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid- 19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
– Tối đa là 1.500.000 đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. Trước đây, đoàn viên, người lao động là F0 được hỗ trợ với mức 3.000.000 đồng/người.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2021 và thay thế Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 và Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ ngày 09/8/2021.